Lần đầu gia đình Trần Thiện Thanh lên tiếng về tác quyền

Google News

Khi ca sĩ Đức Tuấn phát hành ca khúc Hoa trinh nữ, ca sĩ Mỹ Lan - người tình cuối đời của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã lên tiếng về việc Đức Tuấn hát sai lời. Điều này gây phẫn nộ cho những người thừa kế chính thức tài sản Trần Thiện Thanh.

Những người thừa kế chính thức của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã có buổi gặp báo chí xung quanh những lùm xùm về tác quyền nhạc phẩm Trần Thiện Thanh vào sáng 19-3. Buổi gặp báo chí được tổ chức trực tuyến Mỹ và Việt Nam với sự có mặt của ca sĩ Đức Tuấn, người vừa phát hành album Trần Thiện Thanh - Một ngày ta được yêu; hai con của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh gồm chị Trần Thiện Thanh Trúc (sống tại Mỹ) và Trần Thiện Anh Châu (sống tại TP.HCM).
Lan dau gia dinh Tran Thien Thanh len tieng ve tac quyen
 Ca sĩ Đức Tuấn và đại diện gia đình nhạc sĩ Trần Thiện Thanh tại Mỹ và Việt Nam gặp gỡ báo chí vào sáng 19-3
Những ngày qua, khi ca sĩ Đức Tuấn phát hành album Một ngày ta được yêu, ca sĩ Mỹ Lan, người tình cuối đời của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã lên tiếng về việc ca sĩ Đức Tuấn hát sai lời ca khúc Hoa trinh nữ.
Theo ca sĩ Mỹ Lan, trong bài hát Hoa trinh nữ, bài hát gốc là "anh chỉ là người lính phong trần” đã bị Đức Tuấn đổi thành “anh chỉ là người khách phong trần”. Và câu “tan giặc nước vua về” thì Đức Tuấn đổi thành “tan giặc rước vua về”... Ca sĩ Mỹ Lan cho rằng sự cố tình đổi lời của Đức Tuấn đã làm sai bản chất của toàn ca khúc.
Theo khẳng định của gia đình, thì ca khúc của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh ngay chính ông hát có nhiều phiên bản.
Cụ thể với Hoa trinh nữ, anh Trần Thiện Anh Châu, con trai nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, chia sẻ: "Bài hát Hoa trinh nữ có hai vế để nói. Thứ nhất là sáng tác này hát ở giai đoạn 1963-1975, câu “người lính phong trần” như cô Mỹ Lan nói là chính xác, trong bản gốc Hoa trinh nữ ba tôi viết như vậy và các ca sĩ thế hệ cũ: Chế Linh, Thanh Tuyền vẫn trình bày vậy. Nhưng thứ hai, giai đoạn sau 1975, cụ thể vào đêm nhạc 1987 khi ba được trở lại sân khấu tại TP.HCM, chương trình đầu tiên Sở Văn hoá thông tin thời đó cấp phép cho ba tôi diễn, khi đó nhạc sĩ Xuân Hồng làm giám đốc sở, tôi nhớ tôi đi với ba. Tại buổi diễn đó và cả bản ghi âm gần như cuối cùng của ba tôi tại hải ngoại vào năm 2002-2003 thì ca khúc này được hát như "người khách phong trần".
Câu chuyện "người khách phong trần" còn mang tính riêng tư của gia đình, bởi những năm cuối đời nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sống tại Mỹ. Và trong tâm khảm ông, thời điểm đó ông như người lữ khách xa nhà. "Năm 2001, khi tôi sinh con trai thứ của tôi, tôi gọi nói rằng tôi đặt tên cháu là Trần Thiện Châu Văn. Ba tôi đã đặt lại là Châu Lữ với ý nghĩa là người lữ khách xa nhà, là gửi gắm của lòng ông nội - một người khách xa nhà đang nhớ về cháu.
Theo lời chị Trần Thiện Thanh Trúc, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có bốn người con với mẹ chị (bà Trần Thị Liên) gồm: Trần Thiện Anh Chương (mất 2014), Trần Thiện Thanh Trúc, Trần Thiện Thanh Trân và Trần Thiện Anh Châu. Em út Trần Thiện Anh Chính là con của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với ca sĩ Kim Dung. "Với ca sĩ Mỹ Lan, tôi chưa hề nghe bố nói còn em nào là con của ca sĩ Mỹ Lan và bố tôi. Nên nếu gọi khía cạnh nào đó chỉ bố biết, còn chính danh tôi chưa biết. Hiện năm anh em đang yêu cầu ca sĩ Mỹ Lan xét nghiệm ADN của con ca sĩ nhưng vẫn chưa gửi lại kết quả từ rất nhiều năm qua", chị Trần Thiện Thanh Trúc nói.
Hiện tác quyền ca khúc nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được gia đình uỷ thác cho Công ty TNHH Làng Văn làm đại diện từ năm 2016. Từ năm 2018, Làng Văn đã ký kết với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để khai thác những nhạc phẩm Trần Thiện Thanh trong nước. Kho tàng nhạc Trần Thiện Thanh hiện hơn 400 tác phẩm, trong đó hơn 160 tác phẩm được phổ biến trong nước.

Theo QUỲNH TRANG/PLO