- Cơ duyên nào đưa anh đến với công việc tại VTV?
- Từ khi còn là một sinh viên của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, tôi đã thích sân khấu và ánh đèn. Các bạn đồng trang lứa với tôi không dạn dĩ lắm trên sân khấu với vai trò MC nên tôi có nhiều cơ hội cầm mic và ngày càng yêu thích công việc này. Đến năm 2 Đại học, tôi thử sức với vị trí người dẫn chương trình tại VTV và may mắn trúng tuyển.
Đầu tiên là một chương trình sức khỏe tại VTV2. Sau đó, tôi dẫn phụ chị Bạch Dương trong chương trình “Ngôi sao ước mơ” tại VTV6. Từ đó, tôi gắn bó với VTV6. Tính đến nay đã được gần 7 năm.
Ban đầu, tôi dẫn chương trình một cách bản năng, tùy vào cảm nhận của mình mà biểu đạt thông tin. Tuy nhiên, khi chính thức theo nghiệp truyền hình, tôi mới tập thói quen quan sát mọi người rồi soi chiếu với bản thân để hoàn thiện hơn.
Hiện tại, tôi là một phóng viên, thành viên chính thức của VTV6 và tham gia cộng tác dẫn chương trình “Cà phê sáng” tại VTV3.
|
MC Sơn Lâm. |
- Nghe nói làm MC tại “Cà phê sáng với VTV3” rất áp lực vì đây là chương trình được lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Anh có gặp nhiều khó khăn?
- Áp lực là điều tất yếu đối với mỗi người làm truyền hình. Thú thực, “Cà phê sáng” là một trong những chương trình áp lực nhất mà tôi từng tham gia. Ê-kíp thực hiện chương trình lập hẳn một nhóm riêng trên Facebook để nhận xét hàng ngầy về “Cà phê sáng”. Các tiêu chí đánh giá được đưa ra rất rõ ràng cho từng cụm tin, phóng sự và cả người dẫn. Nếu chúng tôi làm tốt sẽ được khen, thưởng. Nếu làm sai, hoặc pha chế chưa “trọn vị cà phê” sẽ bị chê, góp ý. Đơn giản vậy thôi!
Chú Lại Văn Sâm - Trưởng ban sản xuất các chương trình Giải trí VTV3 - và chị Tùng Chi - Phó ban - đều là những người kỹ tính, thẳng thắn. Thậm chí, đôi khi những lời nhận xét có thể gây đau đớn phát khóc cho người nghe. Đặc biệt, ban Lãnh đạo đều là những người thích “Cà phê sáng” nên ngày nào cũng xem. Tôi nghĩ như vậy cũng thoải mái, bởi chúng tôi sẽ biết mình hợp với chương trình ở mức độ nào.
Trong vai trò người dẫn của “Cà phê sáng”, công thức chung làm nên một đoạn dẫn sẽ là: “Thông tin mới, thú vị, có cơ sở, đi kèm với cảm xúc thực”. Cái khó là phải phối hợp nhịp nhàng với bạn dẫn trong quá trình truyền tải “công thức” và luôn là chính mình để giữ được phong cách riêng.
Tôi luôn quan niệm, mỗi lần lên sóng là một lần mình khắc sâu thêm phong cách riêng ấy với quý khán giả. Cộng thêm tính cầu toàn, nên quy trình của tôi trước khi ghi hình bao gồm: đọc lướt qua kịch bản từ tối hôm trước, thức dậy từ 4h30 sáng hôm sau để rà soát lại các thông tin, 6h15 trang điểm và lên hình trực tiếp lúc 7 giờ. Ban đầu cũng mệt nhưng đến giờ, tôi đã tạm thích nghi được.
- Đối với chương trình "60 phút mở" thì sao? Khi được trực tiếp làm việc cùng người dày dặn kinh nghiệm và có tầm như Nhà báo Tạ Bích Loan, anh có cảm thấy áp lực?
- Áp lực ít nhiều cũng có nhưng có một cảm xúc lớn hơn, đó là niềm may mắn khi được làm việc trực tiếp cùng những nhà báo kỳ cựu như chị Tạ Bích Loan. Với tôi, có quá nhiều bài học được rút ra từ những may mắn đó. Ngoài những kỹ năng báo chí, logic, phản biện, điều tôi ấn tượng nhất chính là nguồn năng lượng làm việc không biết mệt mỏi của chị. Đôi khi, qua mấy ngày họp, làm việc liên tục, tôi tự cảm thấy xấu hổ khi mình bắt đầu hụt hơi, nhưng chị ấy vẫn hào hứng đến không ngờ.
Chị Loan cũng khiến tôi rất ngưỡng mộ khi luôn quan tâm đến đồng nghiệp và sự phát triển của mỗi thành viên VTV6. Chính chị là người động viên tôi tham gia “Cà phê sáng” bởi chương trình này rất hấp dẫn, phù hợp với cá tính của tôi. Chị cũng tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn chương trình “60 phút mở” cho tôi, mặc dù tôi tự nhận thấy mình còn thiết nhiều kỹ năng để thực sự làm chủ được một chương trình tầm cỡ như vậy. Tôi rất cảm kích.
- Bận rộn với công việc tại Đài truyền hình, anh có thời gian vun đắp cho đời sống tình cảm cá nhân?
- Thời gian để yêu lúc nào cũng có, nhưng không nhiều. Không phải chỉ tình yêu nam nữ, tình cảm bạn bè, gia đình cũng vậy. Như dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi, tôi đã từ chối rất nhiêu những cuộc gặp gỡ, họp lớp. Tôi cũng tiếc lắm bởi có nhiều người bạn cả năm cùng làm việc với nhau nhưng ít có cơ hội ngồi nói chuyện với nhau.
- Điển trai, có công việc ổn định tại VTV, kinh tế vững vàng, hẳn anh đặt ra rất nhiều tiêu chuẩn lựa chọn bạn gái?
- Khi học trung học, tôi đặt ra rất nhiều tiêu chí, chủ yếu dựa theo nhân vật nữ chính trong những bộ phim Hàn Quốc đang hot lúc bấy giờ. Nhưng cũng chính chuyện tình cảm “gà bông” thời cắp sách khiến tôi hiểu, việc đặt hình mẫu lý tưởng chẳng để làm gì. Vì thực tế đôi khi trái ngược hoàn toàn so với những tiêu chí mình đề ra.
Hiện tại, điều kiện tiên quyết của tôi là phải trò chuyện được với nhau. Nhưng thực ra cũng khó, vì còn phải đợi thêm cái duyên nữa. Đến lúc này, có lẽ cái duyên ấy đã xuất hiện với tôi rồi…
- Anh có thể chia sẻ?
- Bạn gái tôi làm tổ chức sự kiện, chúng tôi quen nhau tại một sân khấu tôi từng tham gia. Khi cô ấy xuất hiện trước mắt tôi với mái tóc tết gọn, rất duyên dáng, tôi quyết định tấn công. Tôi lập ra một kế hoạch với những bước cơ bản là xin số điện thoại, tìm cớ hẹn gặp, tán tỉnh, trồng cây si, làm hòa, giận dỗi và yêu nhau… đến tận bây giờ.
Nói vui vậy thôi, cô gái này khiến tôi trưởng thành hơn, cảm nhận rõ hơn về ý nghĩa và giá trị của những gì mình đang có. Hiện giờ, bạn gái tôi có một công việc khá hấp dẫn tại Sài Gòn nên chúng tôi đang yêu xa.
- Công việc truyền hình thường xuyên phải tiếp xúc với những bạn dẫn xinh đẹp, thông minh. Bạn gái anh đã từng ghen vì điều đó?
- Bạn gái tôi sẽ không ghen đâu vì tính chất công việc nên ngày nào cô ấy cũng có cơ hội tiếp xúc với những chàng trai 6 múi (cười). Thực tế, khi yêu xa, mỗi người cần làm điểm tựa cho đối phương yên tâm. Tôi và bạn gái vẫn liên lạc thường xuyên và luôn nhận thấy điều này rất rõ ràng.
Theo Diệu Linh/ Vietnamnet