Thời hoàng kim của cải lương, nghệ sĩ Linh Tâm nổi tiếng nhờ chuyên đóng vai phản diện. Nhắc đến những người “ác” trong các vở diễn, khán giả liên tưởng ngay đến NSND Diệp Lang, Hồng Nga, Linh Tâm, Thoại Mỹ, Thanh Hằng…
Khi cải lương thoái trào, nghệ sĩ Linh Tâm sang Mỹ định cư và là gương mặt cải lương sáng giá nhất ở thị trường hải ngoại. Gặp anh trong lần về Việt Nam thăm quê, Linh Tâm lần đầu hé lộ với Zing.vn những câu chuyện cuộc đời chưa kể.
Yêu em gái Vũ Linh nhưng bị gia đình phản đối
Sau khi đổ tú tài, tôi về công tác ở đoàn văn công An Giang với nghệ danh Phương Tâm. Rồi một lần tôi tình cờ gặp anh Vũ Linh khi đó đã rất nổi tiếng.
Vì cả 2 đều là con nuôi của má Ánh Loan nên chúng tôi trở nên thân thiết. Anh Vũ Linh rủ tôi về Sài Gòn, gia nhập đoàn hát Minh Tơ. Vì cơ chế nghiêm khắc, khi ra ngoài tôi đổi nghệ danh thành Linh Tâm, do ảnh hưởng của anh Vũ Linh.
Tôi cũng đến thử giọng nhưng lúc đó vì nghe theo tiếng gọi trái tim nên từ bỏ sự nghiệp. Tôi theo Hồng Nhung, em gái Vũ Linh phiêu bạt ở các gánh hát tỉnh. Ngày ấy tôi mới 18 tuổi, mê say yêu đương, không coi trọng công danh. Anh Linh biết chuyện nhưng không tỏ thái độ đồng tình hay phản đối.
Nhưng gia đình anh ấy phản đối, mẹ Nhung về tỉnh đưa con gái quay lại Sài Gòn. Lúc đó thất tình, tôi mất phương hướng. Sau này ra Đà Nẵng hát, tôi gặp Cẩm Thu và kết quả con trai Linh Tý ra đời.
Tài năng của nghệ sĩ chỉ chiếm 70%, còn lại 30% là may mắn. Anh Linh muốn tôi có công danh sự nghiệp ổn định. Sau này quay về Sài Gòn hát, tên tuổi của tôi bắt đầu thành danh với một số kịch bản Tình yêu và nước mắt, Vương Thúy Kiều, Bức ngôn đồ Đại Việt.
Nhưng tôi nổi tiếng hơn nhờ vở Bài ca tìm mẹ của nhà hát Trần Hữu Trang. Năm 1993 tôi đoạt giải HCV nhờ vở Con gái tên cướp biển do bố vợ của tôi là soạn giả viết nên.
Ngày đó tôi sinh hoạt ở đoàn cải lương Sông Bé 2, mỗi ngày hát ở Sài Gòn 2 suất, mỗi suất hàng chục nghìn khán giả. Mỗi lần lưu diễn ở miền Trung, đặc biệt là miền Tây, ban ngày không thấy ai nhưng tối người ta ùn ùn kéo đến. Nghề này thú vị ở chỗ, càng hát nhiều càng lên tay, không thể dở đi được.
Bị khán giả chửi vì 'cướp vợ' của Vũ Linh
Ban đầu, tôi được yêu mến bởi các vai diễn hiền lành nhưng sau này lại “chết” luôn với tuyến phản diện. Thời kỳ đỉnh cao của tôi gắn liền với thời điểm băng video phát triển mạnh mẽ. Trong một lần tình cờ, đạo diễn Phượng Hoàng mời tôi đóng vai ác với anh Trọng Hữu.
Diễn viên luôn tìm kiếm những vai gai góc, dữ dội mà điều đó chỉ thể hiện qua tuyến phản diện. Diễn hoài nên tôi bị đóng đinh, kiểu như khi có vai ác, người ta liền nghĩ ngay đến chú Diệp Lang hay Thoại Mỹ hoặc Linh Tâm.
Tôi đóng vai ác riết khán giả ghét đến độ, tôi và anh Linh ra ngoài, bà bán vé số nhiệt tình mời tất cả nhưng khi ngước lên thấy mặt tôi, bà ấy nguýt dài rồi bỏ đi. Người ta hỏi vì sao, bà bảo tôi ác quá, là chuyên gia phá hoại gia đình hạnh phúc của Vũ Linh.
Bị khán giả ghét dữ dội quá, tôi chạnh lòng nói với đạo diễn thôi không đóng vai ác nữa. Nhưng ngặt nỗi, người ta không tìm được ai thay thế để diễn đối kháng với Vũ Linh, Kim Tử Long. Tôi lại quay về làm “người xấu”.
Muốn vực dậy cải lương để trả ơn Tổ nghiệp
Lúc cải lương thoái trào, anh em nghệ sĩ không chỉ buồn mà đau như xé lòng. Đau nhất là nhiều người vẫn còn mê cải lương nhưng lại sợ bản thân lỗi thời nên không bao giờ thừa nhận. Vì họ quy kết cải lương là màu mè, sến xẩm và tệ hơn khi bộ môn nghệ thuật lại bị chê hạ cấp.
Thật đau lòng khi cải lương lại “chết” trên chính cái nôi của mình. Tôi thường nói vui với mọi người rằng để cải lương quay lại thời hoàng kim chỉ còn trông chờ vào kiếp sau. Bởi xã hội luôn phát triển không ngừng, không ai đi lùi lại quá khứ.
Cải lương thoái trào cũng bởi sự du nhập của những cái mới. Vì thiếu sự chuyển mình nên bộ môn nghệ thuật truyền thống dần bị mai một. Người ta thường nói vui, đến lúc gần chết mà vẫn lên vài ba câu giọng cổ rồi mới tắt thở, thời gian đó nếu đưa đến bệnh viện vẫn còn có cơ hội sống. Nhưng khổ nỗi, trong cơn hấp hối, người ta mới ca mùi mẫn được.
Nói cho vui, nhưng thực tế cho ta thấy rằng cải lương vẫn phải đổi mới để thích nghi với thời cuộc. Tôi từng sang Mỹ, Pháp và xem những vở kịch họ trình diễn suốt 2 năm vẫn thu hút khán giả. Cái chúng ta thiếu là gì, chính là sự đầu tư.
Sân khấu không thể nghèo nàn và buộc khán giả phải tưởng tượng như trước, mà phải làm thế nào để bắt mắt hơn. Một vở diễn không thể lấy trang phục của 10 năm trước, mà buộc phải đầu tư lộng lẫy tùy theo nhân vật.
Anh Vũ Linh, tôi và Kim Tử Long cũng đã ngồi lại bàn bạc với nhau nhưng chúng tôi không thể thay đổi cục diện. Cần thêm sự quan tâm của Nhà nước nên mặc dù muốn trả ơn tổ nghiệp, song chúng tôi không biết làm sao để vực dậy sân khấu cải lương.
Chú Diệp Lang thường nói: nghệ thuật mà chỉ có người già đi xem thì sẽ chết theo người già.
Không sợ chết, chỉ sợ những người quen biết mình chết theo
Ai đó từng nói với tôi rằng đời người có 2 lần chết. Khi mình chết đi, đó vẫn chưa thật sự là cái chết, chỉ khi nào những người còn biết đến mình mà cũng chết theo thì đó mới thật sự là cái chết. Những thế hệ cải lương tiếp nối rồi sẽ ra đi, ai sẽ lưu truyền cho hậu thế?
Năm 2006, khi cải lương thoái trào, tôi sang Mỹ định cư. Nhiều năm đi hát, kinh tế của tôi cũng ổn định. Sang Mỹ, tôi vẫn đi hát đều đặn. Thật lòng, phải diễn ở sòng bạc, bữa tiệc cũng có chút chạnh lòng nhưng từ chối thì sống sao? Hơn nữa, niềm khát khao được ca vẫn còn mãnh liệt trong lòng, nó làm mình vơi nỗi nhớ nghề thống thiết.
Lần này về Việt Nam, tôi định sẽ mua nhà ở đây để hàng đêm được đi hát. Tôi vẫn mong mỏi có sân khấu riêng cho cải lương để anh em tiếp tục phục vụ những ai còn yêu mến bộ môn này. Về đây, tôi thấy đồng nghiệp cải lương cũng chuyển mình bằng việc đóng phim, tham gia game show.
Nhưng tôi đã có thương hiệu ở cải lương, giờ tham gia lĩnh vực khác, không thoát khỏi được cái bóng đã có. Tôi cũng không muốn phải dùng sở đoản để chinh phục khán giả thêm lần nữa. Tôi có xuất hiện trong vài chương trình liên quan đến cải lương, nhưng tham gia nhiều quá cũng thấy kỳ.
Giờ, tôi và Cẩm Thu đã chia tay, dù không còn vợ chồng nhưng vẫn là đôi tri kỷ. Hai đứa con cũng đã lớn nên thoải mái với chuyện của bố mẹ. Nếu đứa nhỏ có chuyện gì, tôi và Thu thay phiên lo cho con.
Tôi vui vì Linh Tý nối gót bố mẹ theo con đường nghệ thuật. Nhưng tôi vẫn biết con trai chịu nhiều áp lực vì cái bóng của bố mẹ quá lớn. Linh Tý có tài năng nhưng còn bấp bênh vì chưa tìm được con đường riêng cho mình.
Tôi đau lòng nhất khi con trai tâm sự ở cuộc thi Sao nối ngôi, vì thành công của bố mẹ đã trở thành vật cản, khiến con bỏ nhà ra đi với quyết tâm sẽ thành danh.
Theo Kim Chi/Zing News