Phóng viên có cuộc trò chuyện với đạo diễn - Thiếu tá Đặng Thái Huyền (Điện ảnh Quân đội Nhân dân) về tác phẩm chiến tranh Việt Nam giữa cơn sốt phòng vé đang được tạo nên bởi Cuộc di tản Dunkirk.
Phim chiến tranh Việt Nam bị bó buộc quá nhiều
- Dunkirk – một bộ phim về đề tài chiến tranh của nước ngoài - ngay khi công chiếu ở Việt Nam đã được truyền thông ca tụng, khán giả bỏ tiền mua vé. Ở một đất nước mà chiến tranh là một phần của lịch sử, oai hùng và bi thương nhưng chúng ta lại thiếu vắng những tác phẩm như vậy. Những nhà làm phim như chị nghĩ gì về món nợ này?
- Nói đó là một nón nợ cũng đúng vì nhắc đến Việt Nam, không thể không nhắc đến chiến tranh. Đó là một đề tài thực sự hấp dẫn của điện ảnh. Tại sao nước ngoài có không ít những bộ phim về chiến tranh thu hút được khán giả, còn chúng ta lại không?
Làm một tác phẩm điện ảnh về chiến tranh để khán giả xếp hàng đi xem là khao khát của không chỉ giới làm nghề mà còn cả ở cấp quản lý. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, các nhà làm phim của Việt Nam đang bị ràng buộc bởi rất nhiều thứ trong quá trình sáng tạo.
Những bộ phim về chiến tranh của chúng ta thiên về anh hùng ca, ca ngợi chiến công của tập thể mà ít nói về cá nhân. Tư tưởng này kiềm chế rất nhiều khâu sáng tạo. Nghệ thuật cần một bầu trời rộng mở để tưởng tượng nhưng các nhà làm phim Việt lại đang bị bó buộc từ nhiều phía.
|
Thiếu tá, đạo diễn Đặng Thái Huyền sinh năm 1980 hiện là Trưởng phòng phim truyện của Điện ảnh Quân đội Nhân dân. Ảnh: Việt Hùng. |
- Có ý kiến cho rằng sở dĩ những bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam suốt một thời gian dài không được chú ý vì các nhà làm phim đã thi vị hóa sự thật, khiến những người đã qua chiến tranh cảm thấy không đồng cảm, còn những người trẻ thì khó tránh được sự nghi ngờ?
- Tôi không nghĩ đó là hệ quả của sự thi vị. Thi vị hay không chỉ là một góc độ sáng tạo. Mỗi người có một lựa chọn làm phim khác nhau. Có nhà làm phim muốn đi thẳng vào cuộc chiến nhưng cũng có những người thích khai thác bối cảnh của cuộc chiến đã đi qua thay vì đề cập đến bom đạn.
Cá nhân tôi, là một đạo diễn, tôi muốn làm tác phẩm chiến tranh hướng đến giới trẻ. Tác phẩm của tôi chủ yếu miêu tả mối quan hệ giữa con người với con người, cuộc sống của họ ra sao khi cuộc chiến đi qua.
Đó là phụ nữ, là trẻ em. Tất nhiên, khía cạnh này cũng rất nhiều người đã khai thác, nhưng có chân thực hay không, có trọn vẹn hay không lại là một câu chuyện khác.
- Vậy theo chị, món nợ lịch sử, món nợ chiến tranh của các đạo diễn Việt xuất phát từ đâu, từ sự bó buộc trong việc xây dựng hình ảnh người lính, sự thiếu vắng những kịch bản chất lượng hay một nguyên nhân nào khác?
- Ở góc độ làm nghề, tôi chỉ có thể nói rằng kịch bản là yếu tố quan trọng. Chúng ta đang thiếu những kịch bản đủ thuyết phục nhà làm phim.
Bên cạnh đó, cũng cần có sự đầu tư xứng đáng và đúng tầm mới mong có một bộ phim tử tế.
Tất nhiên, cứ làm đi đã còn chuyện khán giả đón nhận hay không lại là một câu chuyện khác.
Chúng tôi luôn xác định rằng làm phim về chiến tranh là một con đường khó khăn. Việc Em chưa 18 đạt doanh thu “khủng” hay Căn nhà nằm nghe nắng mưa được đón nhận, chứng tỏ rằng làm những bộ phim về giới trẻ, tâm lý bao giờ cũng dễ được đón nhận. Nếu có lỗi cũng dễ được thể tất vì những bộ phim nhẹ nhàng, tình cảm như vậy làm gì có đúng - sai.
Nhưng với dòng phim chiến tranh, hậu chiến lại khác. Không chỉ trải qua nhiều cấp kiểm duyệt mà khi ra rạp cũng phải đối diện với rất nhiều quan điểm. Nếu làm chưa tới, chưa đủ bị chỉ trích ngay, còn làm khác lại bị cho là thi vị hóa. Các nhà làm phim chiến tranh luôn tồn tại tâm lý đối đầu với “cơn lũ” từ dư luận.
|
Người trở về là một bộ phim về đề tài chiến tranh của đạo diễn Đặng Thái Huyền có sự tham gia diễn xuất của Trương Minh Quốc Thái. |
Đừng gọi là ‘phim cúng cụ’
- Điều gì khiến một nữ đạo diễn như chị vẫn miệt mài với dòng phim về chiến tranh thay vì đi những con đường khác mà như chị nói là "dễ dàng hơn" và có thể mang lại doanh thu khả quan hơn?
- Tôi chẳng cho rằng mình là người cao siêu. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu như chúng ta không làm thì ai làm, nếu chúng ta sợ, thì ai sẽ trả món nợ như bạn nói. Nếu một đất nước chỉ có những bộ phim trẻ trung, không có dòng phim cách mạng thì sẽ ra sao. Tôi và một số ít đạo diễn biết là khó nhưng đó là trách nhiệm và phải gách vác.
- Nhưng không phải ai cũng tường tận sự miệt mài của các anh chị, chỉ biết rằng những bộ phim về đề tài chiến tranh từ lâu đã không còn tạo được cơn sốt màn ảnh, thậm chí có tác phẩm không bán nổi một chiếc vé. Vậy trách nhiệm của các đạo diễn, nhà làm phim ở đâu?
- Đó là một vấn đề lớn nhưng tôi chỉ xin lấy một ví dụ thế này: Làm một bộ phim giải trí, ngay từ khi đang quay đã được truyền thông, thậm chí ca khúc, câu thoại trong phim cũng sớm nằm trong chiến dịch quảng bá. Còn phim về chiến tranh thì sao, nhiều khi chỉ có dòng thông cáo báo chí rất nhỏ, lại còn đặt cạnh tin buồn, cáo phó.
Đó là sự thiệt thòi của dòng phim chiến tranh, nhiều khi “áo gấm đi đêm” vì đâu có ai hay biết, truyền thông - báo chí cũng không để ý vì coi là phim “cúng cụ”. Ngay như phim Người trở về của tôi, chiếu ở rạp nhưng nhiều người không hề biết, có người vào xem chỉ vì tò mò, thấy “cũng đông đông”, còn không hề có chủ đích xem phim từ trước.
- Chị vừa nhắc đến từ “cúng cụ”. Theo chị, việc gắn mác "phim cúng cụ" có làm những nhà làm phim, đạo diễn như chị giảm nhiệt huyết sáng tạo và sự đam mê với dòng phim lịch sử hay không?
- Tôi nghĩ chúng ta không bao giờ nên định nghĩa là "phim cúng cụ" hay phim kỷ niệm để rồi than thở nữa. Trên thế giới cũng có những bộ phim kỷ niệm, và có thể không quan trọng chuyện bán vé. Thế nên, điều quan trọng là tác phẩm đó có chất lượng và ý nghĩa hay không.
Nếu cứ khoác cho phim chiến tranh là phim “cúng cụ” thì đó chính là rào cản trong việc truyền thông. Tại sao phim giải trí có những slogan rất hút khách mà phim chiến tranh lại không có những khái niệm mới để quảng bá. Chúng ta hoàn toàn có thể giới thiệu là “phim bom tấn về đề tài chiến tranh” thay vì gọi là “phim cúng cụ”.
- Với những khó khăn bủa vây như chị kể, vậy chẳng lẽ, điện ảnh Việt sẽ không thể có được một 'bom tấn chiến tranh' khiến khán giả xếp hàng đến xem?
- Tôi chỉ là một hạt cát trong đại dương mênh mông, chỉ là một đạo diễn trong hằng hà sa số đạo diễn. Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân, một mình tôi không thể làm sống lại, hay làm hứng khởi một dòng phim.
Là một đạo diễn, tôi chỉ có thể nói rằng tôi là người làm phim tử tế. Tôi khao khát làm những bộ phim tử tế, những bộ phim về ngày xưa nhưng để hướng đến giới trẻ. Tôi tin một người làm tác động ít nhưng nếu hai người làm phim tử tế, rồi nhiều hơn nữa, chúng ta sẽ có một dòng phim tử tế và công chúng sẽ ghi nhận.
|
Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho biết chị chị chưa bao giờ đợi đến ngày 27/7 mới tri ân anh hùng liệt sĩ, qua công việc hàng ngày, nữ thiếu tá luôn tưởng nhớ công lao của thế hệ đi trước. Ảnh: Việt Hùng. |
'Mỗi ngày quay là một ngày ra trận'
- Nhiều đạo diễn chia sẻ rằng khi làm các bộ phim về chiến tranh, về những người lính đã ngã xuống, họ cảm thấy có một sức mạnh vô hình nào đó thôi thúc, cá nhân chị thì sao?
- Làm những bộ phim về chiến tranh với tâm trong sáng, tôi nghĩ sẽ luôn nhận được sự may mắn. Trong quá trình làm phim, có những thời điểm sức khỏe của tôi không tốt, nhiều lúc cũng muốn dừng lại nhưng có điều gì đó cứ thôi thúc mình phải làm tiếp.
Trước mặt là những quả nổ, là sơ đồ nổ chờ mình bố trí nhưng chúng tôi vượt qua, mọi việc đều suôn sẻ. Làm việc nguy hiểm như vậy nhưng cả đoàn đều an lành.
Khách quan là đoàn làm phim đã làm rất tốt công tác bảo hộ nhưng tôi nghĩ đó còn là sự phù hộ của những người lính đã ngã xuống, là sức mạnh vô hình khó giải thích.
Mỗi ngày quay là một ngày ra trận với 50 quả nổ. Chúng tôi đã làm giảm tính sát thương xuống 1/10, thậm chí 1/20 so với ngày xưa nhưng tiếng nổ của bom đạn vẫn rất khủng khiếp. Đầu óc căng thẳng, tối về còn rất đau đầu và đau cả tim. Thực sự là rất choáng, có như vậy mới biết chiến tranh khủng khiếp như thế nào.
- 27/7 năm nay, người ta nhắc nhiều đến Quảng Trị - nơi có những người lính Thành Cổ, nơi có hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên. Quảng Trị, trong một đạo diễn quân đội như chị hiện lên với ý niệm như thế nào?
- Nếu phải nói về món nợ thì tôi nghĩ bản thân tôi đang nợ một bộ phim về những người lính Quảng Trị. Tôi khao khát trong tương lai sẽ làm một bộ phim về những chàng trai Hà Nội đã vào Quảng Trị để tham gia cuộc chiến, những chàng trai đầy thanh xuân đã chấp nhận, đã lăn xả nơi chiến trường vì hòa bình của Tổ quốc.
Tôi muốn khai thác tâm lý về họ, những chàng trai đang ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, động lực gì khiến họ chấp nhận hy sinh như vậy. Họ có bao giờ sợ không, nao lòng không, có bao giờ muốn đảo ngũ không? Tôi muốn phân tích tâm lý nhân vật một cách chân thực nhất như vậy.
Tôi muốn họ khi đứng giữa chủ nghĩa anh hùng vẫn là những con người thật nhất, gần gũi nhất, con người nhất.
Theo Quang Đức/Zing News