|
Lễ viếng của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ bắt đầu diễn ra vào lúc 7h30. |
|
Gia đình, người thân đau xót tiễn biệt nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. |
|
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ xuất thân trong một gia đình khoa bảng. |
|
Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Hà Nội dẫn đầu đoàn đến viếng. |
|
Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường chia sẻ với PV Dân trí: "Trước đó, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ mắc Covid-19, được đưa sang bên Đông Anh điều trị. Khi khỏi rồi, nhạc sĩ được đưa về nhưng lại bị phổi, phải vào viện cấp cứu. Ông mất vì bệnh phổi..." |
|
Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Phạm Ngọc Khôi đến viếng. |
|
Ca sĩ Anh Thơ, ca sĩ Thành Lê vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. |
|
Ca sĩ Anh Thơ từng thể hiện xuất sắc nhiều ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. |
|
Lễ tang đã diễn ra giản dị, kín đáo. |
|
Nguyễn Tài Tuấn - con trai nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cảm ơn mọi người đã đến đưa tiễn cha mình trong chặng đường cuối. |
|
Nhạc sĩ Lân Cường đọc điếu văn nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: "Chi nhánh Nguyễn Tài ở Thanh Chương, Nghệ An có các tên tuổi như Nguyễn Tài Tuệ, Nguyễn Tài Cẩn và một số nhà khoa học, trí thức..." |
|
Khoảnh khắc xúc động trong phút truy điệu nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Lễ truy điệu diễn ra lúc 8h30. |
|
Lễ an táng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sẽ diễn ra cùng ngày tại Công viên Vĩnh Hằng, Ba Vì, Hà Nội. |
|
Sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. |
Điếu văn nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ do nhà văn Tuyết Mai viết, nhạc sĩ Lân Cường đọc tại lễ tang, có đoạn: "Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ xuất thân trong một gia đình khoa bảng, cha mẹ ông đều là con của các bậc túc nho danh tiếng ở quê nhà. Tổ 26 đời của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được xác định là Hoàng Giáp Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370).
Trên dặm trường quan lộ, Nguyễn Trung Ngạn từng có nhiều năm lưu tại Nghệ An. Kể từ đây, sinh ra một số chi nhánh tồn tại và phát triển mãi về sau, bao gồm các dòng họ: Nguyễn Công, Nguyễn Đức, Nguyễn Tài.
Trải qua nhiều đời, các dòng họ này vẫn còn những người nổi tiếng, nối tiếp công đức tổ tiên để lại... Chi nhánh Nguyễn Tài ở Thanh Chương, Nghệ An có các tên tuổi như Nguyễn Tài Tuệ, Nguyễn Tài Cẩn và một số nhà khoa học, trí thức...
Trong tám mươi mùa xuân của cuộc đời mình, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã có trên sáu mươi năm miệt mài lao động nghệ thuật âm nhạc. Bằng khả năng và tài năng văn học trời cho, cộng với quá trình tự đào tạo bền bỉ, sự miệt mài sáng tác với cường độ cao và khả năng vun trồng cảm xúc trữ tình vượt trội, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ "mỗi khi ngồi sáng tác là cả một dàn nhạc vang lên trong đầu"...
Ghi nhận cống hiến lao động sáng tạo của ông, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho ông năm 1998; tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 cho cụm 5 tác phẩm: Mùa xuân gọi bạn, Xa khơi, Thanh xuân cao nguyên, Xôn xao bến nước, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó.
Công chúng đã được thưởng thức một gia tài đồ sộ gồm những kiệt tác âm nhạc trữ tình đắm say của thế giới âm nhạc Nguyễn Tài Tuệ với hơn 20 bản nhạc có lời, gồm ca khúc, tổ khúc, hợp xướng lớn nhỏ, 15 bản nhạc không lời gồm cả thể loại giao hưởng và thể loại thính phòng.
Hôm nay, người thân, đồng nghiệp và đông đảo công chúng yêu âm nhạc ở đây buồn bã, tiếc thương tiễn biệt ông và còn rất nhiều công chúng đã gửi lời tiễn biệt ông qua mạng xã hội.
Xin ông hãy thanh thản đi về cõi vĩnh hằng! Vang vọng mãi âm hưởng của ví, giặm mặn mòi xứ Nghệ của Xa khơi; đây giọng ngâm Kiều da diết của Mơ quê; làn điệu hát Then của bà con dân tộc Tày trong Tiếng hát giữa rừng Pác Bó..."
Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Hà Nội cho biết: "Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã qua đời sáng 11/02, vào lúc 9h07 phút, hưởng thọ 87 tuổi".
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh 15/5/1936 tại xã Thanh Văn, huyện Thành Chương, tỉnh Nghệ An. Dù không trải qua các trường đào tạo âm nhạc, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ có rất nhiều ca khúc nổi tiếng, đặc biệt là những ca khúc về truyền thống, cách mạng.
Trong đó, tác phẩm Xa khơi của ông được đánh giá là một ca khúc rất chuẩn mực về âm nhạc. Không chỉ Xa khơi mà rất nhiều ca khúc khác của ông đã sống mãi với thời gian.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đến với âm nhạc từ niềm say mê từ thời tuổi thơ. Ông mê mẩn với những điệu ví, giặm những khúc hát "đò đưa" của quê hương. "Nửa về nửa lại buồn đây, về thì nhớ mẹ mà ở đây thì nhớ nhà" - có lúc ông đã khóc vì những câu hát đó.