Nghệ sĩ Văn Toản kể chuyện “ông một nơi, bà một chốn”

Google News

Sắp bước sang tuổi 80, gần một đời người gắn bó với sân khấu điện ảnh, nghệ sĩ Văn Toản để lại trong lòng khán giả một chân dung có phần khắc khổ.

Tất bật với cuộc đời
Trước khi được nghệ sĩ Văn Toản mời đến căn nhà ở ngõ 697 đường Giải Phóng (Hà Nội), chúng tôi khá ngạc nhiên bởi nhiều lần gọi điện ông không nghe máy cho đến khi nhận được tin nhắn với nội dung: “Tôi bị điếc! Vui lòng nhắn tin”. Mời khách vào nhà, ông cẩn trọng quay ra cửa xếp từng đôi giày vào trong nhà sợ… mất trộm! Ông “cáo lỗi” chỉ có thể dành cho chúng tôi khoảng thời gian có hạn vì quá bận. Hỏi ra mới biết, dù thính lực giảm, nhiều năm nay không đóng phim vì sợ các đạo diễn “khổ vì mình”, nhưng nghệ sĩ Văn Toản lại tất bật với gia đình và người trong thiên hạ. Gần 80 tuổi, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông đều đưa đón các cháu đi học, chăm lo cơm nước nhà cửa giúp con cái và niềm vui đặc biệt, nhất là “mách” mọi người các phương thuốc chữa bệnh.
Nghe si Van Toan ke chuyen “ong mot noi, ba mot chon”
Nghệ sĩ Văn Toản (đeo kính). Ảnh: TL 
“Số phận cho tôi nghề diễn được đi khắp nơi nên tôi có duyên gặp được nhiều lương y tài đức với nhiều phương thuốc dân gian bí truyền. Tôi xin phép họ được chép lại với lời hứa để giúp mọi người, nhất là người nghèo và không bao giờ tư lợi”, nghệ sĩ Văn Toản nói. Ông đưa cho chúng tôi xem một cuốn sách thuốc ông chép tay, photo nhiều bản “khoe” sắp sửa gửi vào Đà Nẵng tặng một người cháu chữa bệnh. Bìa cuốn sách ông nắn nót viết câu “danh ngôn” của chính mình: “Người nghèo không có quyền ốm” với niềm trăn trở: Người bị bệnh khổ một, người nghèo bị bệnh khổ mười nên giúp được ai dù là điều nhỏ nhất ông cũng giúp.
Nghệ sĩ Văn Toản tốt nghiệp trường Kịch, công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam cho tới năm 2000 thì về hưu. Về hưu rồi, ông vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật, đều đặn xuất hiện trong các tiểu phẩm hài, phim truyền hình. Ngoài nghiệp diễn, nghệ sĩ còn sáng tác nhạc, dựng tiểu phẩm. Chỉ biết đúng “7 nốt nhạc” nhưng nghệ sĩ Văn Toản có một tập ca khúc sáng tác khá dày dặn. Đó giai điệu cuộc đời ông chắt lọc qua bao nỗi niềm, trải nghiệm. Bài hát đầu tiên ông sáng tác gắn liền với kỉ niệm đưa cháu đi học mẫu giáo, thấy một cháu nhỏ khác bị bố “lôi xềnh xệch” đẩy vào lớp, hỏi ra mới biết bố mẹ cháu đã ly hôn.
Những năm tháng còn sống ở phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nghệ sĩ Văn Toản đứng ra tập hợp những thanh thiếu niên cá biệt, có người trở về từ trại cai nghiện… lập thành đoàn kịch nhằm giúp họ hòa nhập cộng đồng, hướng đến đời sống lành mạnh. Đoàn kịch của ông từng giành nhiều Huy chương, giải thưởng ở các hội diễn, nhiều đôi nên vợ nên chồng. Nhắc về chốn cũ, mắt ông rưng rưng. Nơi ấy, ông có đến chục người con nuôi, mỗi người một số phận, hoàn cảnh nhưng Tết nào cũng đưa cả gia đình đến thăm bố Toản vào mùng Một Tết.
Thời đôi mươi, nghệ sĩ Văn Toản từng đắn đo trước nhiều lựa chọn như: Hát cải lương, đi bộ đội, làm công nhân, trở thành cầu thủ bóng đá… và rồi, sau tất cả, ông trở thành một trong những sinh viên khóa Kịch đầu tiên của nền văn nghệ nước nhà. Nghiệp diễn để lại cho nghệ sĩ Văn Toản nhiều hạnh phúc lẫn niềm trăn trở. Hạnh phúc là những lần ông diễn xa, khán giả cổ vũ ông bằng những cái ôm thắm thiết, những bức ảnh lưu niệm; là mỗi khi đang dạo bước trên hè phố, người bán nước hồ hởi gọi ông mời một chén trà.
“Còn nỗi trăn trở thì quá nhiều, nhất là với nghệ sĩ già như tôi. Mỗi dịp Tết đến xuân về, mình được ấm áp bên gia đình, lại thương đồng nghiệp bao người cô đơn, bệnh tật… thương nhau lắm mà già hết rồi, chẳng gặp được nhau. Thỉnh thoảng, nghe một tin buồn, lại thêm lần rụng rời, xót xa tiễn nhau qua cõi tạm”, ông ngậm ngùi.
Ngày Tết đi chùa cầu an
Gia đình nghệ sĩ Văn Toản khá đặc biệt, “ông một nơi, bà một chốn” trong sự chấp nhận vui vẻ. Hỏi ông về ngôi nhà vắng bóng người vợ, ông cho biết: “Bà ấy không ở đây với tôi mà ở một mình trong căn nhà tập thể trên phố Tràng Tiền. Vợ tôi bận nhiều hoạt động của tổ dân phố, rảnh rỗi lại đi lễ chùa... Thôi thì bà ấy cứ ở trên đấy, tôi dưới này, miễn cả hai cùng vui!”. Gần 50 năm nên nghĩa vợ chồng, nghệ sĩ Văn Toản tiết lộ, ông bà có cuộc sống khá bình yên, thoải mái, chẳng bao giờ ghen tuông vì cả hai đều sống theo tinh thần đạo Phật. Các con ông đều đã trưởng thành, có gia đình riêng và không ai theo nghiệp bố. Điều khiến nghệ sĩ Văn Toản yên tâm nhất là 6 người con kể cả trai, gái, dâu, rể cùng 5 người cháu trong nhà biết sống hòa thuận, một lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
Trong cuộc sống thường ngày, nghệ sĩ Văn Toản được lòng bà con lối phố bởi sự giản dị, chân tình. Bao năm qua, dù kinh tế chẳng hề dư giả nhưng gặp hoàn cảnh khó khăn, ông lại “của ít lòng nhiều”. Nghệ sĩ Văn Toản trải lòng: “Của cho là của được! Được ở đây là được sự thanh thản trong lòng, được niềm vui trong đôi mắt người khác. Đời người, tiền bạc rồi sẽ cạn, sức khỏe rồi sẽ mòn, danh tiếng cũng chỉ là hư vinh, chỉ còn lại tình người là mãi mãi”.
Được làm nghề, có công chúng yêu mến với nghệ sĩ Văn Toản là hạnh phúc lớn lao của người nghệ sĩ. Từ khi còn trẻ, ông đã “né” những chỗ ồn ào, những niềm vui hào nhoáng. Ông kể, thuở mưu sinh cơ cực, cứ diễn xong ông lại về đầu phố bán nước. Có nhà báo đến ngồi suốt cả tuần định viết bài nhưng ông từ tốn mở lời: “Được anh quan tâm quả là quý hóa thật nhưng em “ngồi” lên báo lúc này, người ta chú ý đến em nhiều có khi em lại khổ. Thôi anh viết một bài được 8 đồng, em biếu anh 10 đồng, anh nhận rồi… tha cho em!”.
Tết đến, nghệ sĩ Văn Toản có thói quen đi lễ chùa vào mỗi sớm đầu năm để cầu những điều tốt đẹp nhất cho gia đình và mọi người. Ông bảo, vì lý do sức khỏe nên Tết năm nay không đi chúc Tết được ai. Lễ chùa xong thì ở nhà… trả lời tin nhắn! Không nghe được điện thoại nhưng trước tấm lòng mọi người còn nhớ đến mình, ông không cho phép bản thân thờ ơ, quên lãng.

Cũng giống với các nghệ sĩ Phạm Bằng, Văn Hiệp… nhiều đồng nghiệp, khán giả quen gọi “bố” xưng “con” với nghệ sĩ Văn Toản. Ông kể, suốt đời diễn của mình, ông nhớ nhất những lần diễn trong trại cai nghiện ma túy. Bao giờ sau lúc diễn, ông cũng nán lại sân khấu chuyện trò, xưng “bố” và gọi “con” với các trại viên. Ông kể cho họ nghe về cuộc đời mình có người cha nghiện thuốc phiện, bán hết nhà cửa, đất đai, bỏ mẹ con ông khi ông mới tròn một tuổi. Vì lẽ đó, ông hiểu được nỗi đau của những gia đình có người thân nghiện ngập. Không trách móc, giáo huấn… nghệ sĩ Văn Toản ân cần động viên trại viên cố gắng cai nghiện để một ngày không xa “mấy bố con” có thể gặp nhau bên ngoài trại.

Theo Thành Nam/Giadinh.net