Tại phiên thảo luận của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà nêu ý kiến về Luật Điện ảnh sửa đổi. Bà Hà đề xuất quy định dừng chiếu , hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh khi người nghệ sĩ vi phạm đạo đức, an ninh chính trị, hoặc phát ngôn nào đó…
Đề xuất trên nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà làm phim.
"Nghệ sĩ vi phạm đạo đức, cấm cả bộ phim là quá vô lý"
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh bày tỏ: "Ngay khi có thông tin về đề xuất như thế, ý kiến của tôi là thế nào là vi phạm đạo đức? Thế nào là vi phạm an ninh chính trị? Khái niệm này còn mơ hồ quá, cần phải đưa ra quy định chặt chẽ, cụ thể. Thế nào là vi phạm đạo đức: "Hở bao nhiêu ngực, ngủ với ai như thế nào, đâm chém ra sao".
|
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh. (Ảnh: Toàn Vũ). |
Hơn nữa, phải xem xét người bị cho là vi phạm đạo đức, vi phạm an ninh chính trị tham gia mức độ nào ở bộ phim. Ví dụ, người đóng vai quần chúng chẳng hạn, chỉ lướt trên màn ảnh, không ai biết là ai mà vì họ bị cho là vi phạm đạo đức, rồi cấm cả bộ phim thì vô lý quá. Một bộ phim có cả hàng trăm người làm, không thể chỉ vì một cá nhân mà cấm sản phẩm của cả một tập thể được.
Đấy là chưa kể, khi tham gia bộ phim họ không vi phạm gì, diễn viên làm đúng hợp đồng, yêu cầu của nhà sản xuất phim. Sau khi phim đóng máy, họ mới vi phạm điều gì đó, mà vì họ vi phạm rồi rút giấy phép tất cả các bộ phim họ từng tham gia?
Với tư cách người làm phim, tôi cũng chia sẻ thêm rằng diễn viên đóng phim là cá nhân nhưng khi lên màn ảnh, họ không phải họ mà là nhân vật của họ tồn tại. Nhân vật ấy có bị phản ứng không? Cấm nhân vật vi phạm đạo đức hay cấm người đóng? Khi diễn viên đã diễn xong, kết thúc hợp đồng đóng phim thì vai trò không còn nữa. Phim đã xong rồi, nhân vật và người đóng không còn liên quan đến nhau nữa. Không thể bắt người làm phim, đạo diễn chịu trách nhiệm về vi phạm của diễn viên sau khi phim đã kết thúc được.
Nếu thế thì Quốc hội nên thành lập một Ủy ban, đưa ra các hướng dẫn, quy định cụ thể, cũng như đưa ra danh sách nghệ sĩ vi phạm để chúng tôi còn biết đường… tránh hợp tác".
"Đừng để đầu tư vào điện ảnh quá mạo hiểm và lãng phí"
Đồng quan điểm với đạo diễn Lưu Trọng Ninh, đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng cũng cho rằng cần có hướng dẫn, quy định cụ thể về khái niệm vi phạm đạo đức, an ninh chính trị. Đồng thời, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Lương Đình Dũng chia sẻ những khó khăn, thách thức lớn các nhà làm phim phải đối diện nếu áp theo đề xuất của bà Lê Thu Hà…
|
Đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng. (Ảnh: NVCC). |
"Theo tôi, vi phạm ở mức độ nào và thành viên nào vi phạm thì phim hay tác phẩm đó sẽ bị rút giấy phép, bị ngừng chiếu, bị kỷ luật, cái đó phải cực kỳ cụ thể. Bởi các lĩnh vực khác thì tôi không biết, còn điện ảnh là sản phẩm tổng hợp. Tức là thậm chí hàng ngàn người tham gia trong bộ phim, bởi vị trí nào cũng quan trọng mới cấu thành một bộ phim chuyên nghiệp. Không thể nói anh chiếu sáng không phải là một nghệ sĩ vì họ cùng tạo nên một sản phẩm.
Nếu một ai đó vi phạm thì tác phẩm đó dừng lại thì không đúng.
Bởi các thành phần trong một đoàn phim, đôi khi không trong cùng một tập thể thì càng khó quản lý ngoài thời gian làm việc với nhau tại phim trường, huống chi từ lúc quay đến khi hoàn thiện một phim mất 2 đến 3 năm và chủ yếu thuê theo thời vụ. Ràng buộc hợp đồng nếu xảy ra vi phạm, thì thực tế thành viên đó cũng không có tiền mà đền được một dự án. Như vậy nhà sản xuất cuối cùng sẽ thiệt hại quá lớn.
Theo tôi nên coi bộ phim hay tác phẩm cũng giống như ngành nghề khác. Ví dụ, một nghề quan trọng là nghề y có thể chưa sát ý, nhưng một bác sỹ vi phạm chả lẽ cả bệnh viện nghỉ hết sao? Hơn nữa, nó còn liên quan đến các nhà đầu tư đã và đang có ý định đầu tư vào điện ảnh, họ chỉ thuần túy là đầu tư, chứ sao quản lý được nhân sự của cả một đoàn phim, nó không thuộc trách nhiệm của họ.
Nếu thực hiện theo chủ chương một thành phần sai, bộ phim rút giấy phép thì tôi nghĩ các nhà đầu tư thấy quá mạo hiểm. Bởi bây giờ sản xuất phim còn ít vài chục tỷ nếu sau này thành vài chục triệu USD thì quá lãng phí.
Vì vậy nên để việc cá nhân nào sai thì cá nhân đó chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ không thể chịu chung. Bởi sai thế nào thì đã có những khung hình phạt của luật rồi. Theo cá nhân tôi, ai sai và sai ở thời điểm nào, trước hay sau khi làm phim, cái đó cũng phải cân nhắc và cá nhân thì phải chịu trách nhiệm chứ không nên để cả bộ phim chịu trách nhiệm.
Theo tôi, đây một vấn rất quan trọng và ban soạn thảo phải cân nhắc rất cụ thể và phù hợp để làm sao giúp định hướng để điện ảnh ngày càng phát triển", đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ.
Theo Nguyễn Hằng/ Dân Trí