Sáng 11/2, đúng ngày rằm tháng Giêng, Ngày thơ Việt Nam 2017 khai mạc trọng thể tại Văn Miếu (Hà Nội). Đông đảo người yêu thơ đã đến với ngày hội văn chương lớn nhất dịp đầu năm này với tâm trạng háo hức.
Năm nay, lần đầu tiên xuất hiện “Con đường thi nhân” tại Ngày thơ Việt Nam 2017 nhưng người yêu thơ đã phải một phen thất vọng vì quá nhiều ảnh sai. Trong đó, tiêu biểu nhất là Ban tổ chức đã nhầm ảnh nhà thơ Yến Lan thành nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Cụ thể, trong pano có tên và thơ Hàn Mặc Tử: “Thơ tôi/ bay suốt một đời khôn thấu/ Hồn tôi bay/ đến bao giờ mới đậu” thì Ban tổ chức đã gắn nhầm sang ảnh nhà thơ Yến Lan.
|
Ảnh nhà thơ Yến Lan bị nhầm với ảnh nhà thơ Hàn Mặc Tử. |
Nhà thơ, nhà viết kịch Yến Lan (1916 – 1998) còn có bút danh khác là Xuân Khai. Tên thật của ông là Lâm Thanh Lang, quê huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Nhà xuất bản Văn học. Đất nước thống nhất, ông trở về miền Nam và công tác tại Hội VHNT tỉnh Bình Định. Nhà thơ Yến Lan được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007.
Còn nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912 – 1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí, quê ở huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình nhưng lớn lên ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam. Hàn Mặc Tử còn là người khởi xướng Trường thơ loạn.
Hàn Mặc Tử cùng với Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên được đương thời tôn vinh là “Bàn thành tứ hữu” (Bốn người bạn thơ ở thành Đồ Bàn). Tuy nhiên cũng không nên vì thấy họ thân thiết với nhau như vậy mà Ban tổ chức lại đem ghép ảnh người nọ với tên người kia. Ông Hoàng Gia Điền- cán bộ hưu trí Tổng cục Chính trị (QĐND Việt Nam) bình luận rằng: "Thương ông Hàn Mặc Tử, thơ vận vào nghiệp, đến cái ảnh nói về mình hồn cũng không về đậu được”.
Việc nhầm lẫn này phải chăng là do người trong Ban tổ chức tìm ảnh Hàn Mặc Tử trên Google rồi tải xuống dùng mà không kiểm chứng lại?
Việc dán ảnh người nọ vào tên người kia không phải lần đầu xảy ra. Những năm gần đây đã có nhiều trường hợp nhầm lẫn như vậy khi đưa vào sách mà khiến cho tên Xuân Diệu nhưng mặt… Đỗ Lai Thúy là ví dụ.
|
Câu thơ nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du cũng bị trích dẫn sai. |
Tương tự, trên “Con đường thi nhân” còn đưa sai ảnh Nguyễn Khuyến bằng Phan Thanh Giản và trích sai thơ Nguyễn Du. Câu Kiều nổi tiếng của Nguyễn Du cũng bị trích sai thành: “Đời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Câu đúng là: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.
|
Tấm pano giới thiệu nhà thơ Nguyễn Khuyến nhưng dùng ảnh của Phan Thanh Giản. |
PV đã liên hệ với ông Đỗ Hàn – Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam. Ông Đỗ Hàn trả lời công việc này ông không phụ trách mà do Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam chịu trách nhiệm. Trao đổi với ông ông Lê Quang Sinh – Giám đốc Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam thì ông nói sẽ kiểm tra và trả lời sau.
Chiều 11/2, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, đã xin lỗi vì sự nhầm lẫn nhà thơ Yến Lan thành nhà thơ Hàn Mặc Tử trong ngày thơ Việt Nam 2017 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Trao đổi qua điện thoại với PV báo Tuổi Trẻ, ông Hữu Thỉnh cho biết đây là "việc nhầm lẫn" và do phải làm vào ban đêm nên "có sự vội vàng". Ông cũng đã yêu cầu thay tấm pano in hình nhà thơ Yến Lan nhưng chú thích là nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Theo Khải Mông/ Dân Việt