"Những người phá vỡ sự im lặng"
Ngày 6-12, tạp chí Time của Mỹ đã vinh danh "những người phá vỡ sự im lặng" - những người đã dũng cảm lên tiếng về việc mình là nạn nhân của nạn quấy rối và tấn công tình dục - là Nhân vật của năm.
Trong số đó có nhiều gương mặt quen thuộc với công chúng như nữ diễn viên Ashley Judd, Rose McGowan, Alyssa Milano và nữ ca sĩ Taylor Swift.
Ashley Judd là phát súng đầu tiên trong việc phanh phui bê bối tình dục của nhà sản xuất phim hàng đầu Hollywood Harvey Weinstein.
Năm 1997, trước khi sự nghiệp của cô phát triển, Ashley Judd được mời đến dự một cuộc họp với Harvey Weinstein, người đứng đầu Hãng phim Miramax nổi tiếng là "lò sản xuất ngôi sao" thời bấy giờ, tại một khách sạn ở Beverly Hills.
Tại đó, Harvey Weinstein đã đè cô xuống giường. Vừa sốc và tức giận, Ashley cố gắng thoát khỏi căn phòng, sau đó kể ngay với cha mình và "tất cả mọi người".
Lúc này, một người bạn là biên kịch của cô cho hay hành vi của Harvey là một "bí mật ai cũng biết" được lan truyền trong Hollywood nhiều năm, nhưng không có cách nào chấm dứt.
"Lúc đó chẳng có nơi nào mà chúng tôi có thể báo chuyện đó cả" - Ashley Judd kể.
|
Những người được tạp chí Time vinh danh là Nhân vật của năm 2017. |
Đến tháng 10 năm nay, Ashley là ngôi sao đầu tiên lên tiếng phanh phui bê bối của Harvey trong bài phóng sự điều tra gây chấn động của New York Times. Lúc này thì thế giới đã lắng nghe cô.
Như được Ashley Judd "truyền lửa", nhiều nạn nhân khác, trong đó có nữ diễn viên phim Phép thuật Rose McGowan, đã lên tiếng về những hành vi tình dục sai trái mà họ phải chịu đựng.
Từ khi New York Times đăng bài báo đầu tiên công bố những cáo buộc liên quan đến Harvey Weinstein ngày 5-10, người đàn ông từng được kính sợ bậc nhất Hollywood này không chỉ bị sa thải khỏi Công ty sản xuất phim The Weinstein, mà còn gần như bị cả thế giới quay lưng.
Trong lúc dư luận còn đang xôn xao về Harvey Weinstein thì hashtag (từ khóa trên mạng xã hội) #MeToo nổi lên như một khẩu hiệu của những người từng là nạn nhân của quấy rối tình dục.
Cụm từ có nghĩa đơn giản là "Tôi cũng vậy" được nhà hoạt động xã hội Tarana Burke "phát minh" ra cách đây hơn một thập kỷ, như là cách để các nạn nhân cho thế giới xung quanh biết mình từng bị quấy rối hoặc tấn công tình dục.
Làn sóng #MeToo trỗi dậy khi Alyssa Milano, người đóng vai chị họ của Rose McGowan trong phim Phép thuật, đăng lên Twitter của mình lời nhắn: Nếu bạn từng bị quấy rối hay tấn công tình dục, hãy phản hồi dòng tweet này bằng “me too”.
Đến hôm sau, nữ diễn viên 44 tuổi không kìm được nước mắt khi nhận được hơn 30.000 phản hồi có hashtag #MeToo.
Chỉ trong vòng 1 tuần sau đó, #MeToo lan rộng ra 85 quốc gia với nhiều phiên bản khác nhau.
Làn sóng đấu tranh vì nạn nhân tình dục từ đó càng mạnh mẽ hơn.
Chỉ trong vài ngày sau khi Harvey Weinstein bị phanh phui, người đứng đầu Hãng phim Amazon Studios, một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực xuất bản nghệ thuật, một số nhân viên tại Công ty dịch vụ tài chính Fidelity đều phải rời khỏi công ty vì những cáo buộc quấy rối.
Thậm chí nam diễn viên từng đoạt giải Oscar Kevin Spacey còn bị "xóa" khỏi một bộ phim đã quay xong sau khi bị cáo buộc tương tự.
Hàng loạt nhân vật liên quan đến bê bối tình dục khác cũng được đưa ra ánh sáng, trong đó có cựu nhân viên tạp chí Time Mark Halperin, nhà phê bình văn học Leon Wieseltier, chủ xị chương trình Today nổi tiếng của Đài NBC Matt Lauer…
Sự phẫn nộ của "phái yếu"
Giữa tháng 8 năm nay, nữ ca sĩ Taylor Swift được tòa xử thắng trong vụ kiện với DJ David Mueller, người cô cáo buộc đã sàm sỡ mình tại một buổi diễn năm 2013.
Vụ việc xảy ra tại một buổi diễn ở Denver của Taylor, khi David Mueller, khi đó là người dẫn chương trình của Đài KYGO, được mời đến gặp cô trước buổi diễn.
Nữ ca sĩ sau đó khiếu nại với Đài KYGO rằng David Mueller "đụng vào phần bên dưới váy và sờ mông cô" khi cả hai chụp ảnh chung.
Khiếu nại của Taylor khiến David bị sa thải và anh ta đâm đơn kiện Taylor và mẹ cô hàng triệu USD vì thiệt hại mà mình phải chịu.
Taylor cũng kiện lại David đã sàm sỡ mình và đòi 1 USD bồi thường tượng trưng.
Tại phiên xét xử, luật sư của David Mueller đã hỏi Taylor rằng cô có cảm thấy áy náy không khi khiến thân chủ của ông ta bị mất việc.
"Tôi sẽ không để cho ông hay khách hàng của ông cảm thấy rằng đó là lỗi của tôi. Tôi đang bị đổ lỗi cho những chuyện không hay trong cuộc đời anh ta, mà đó là kết quả của những quyết định do chính anh ta đưa ra, không phải của tôi" - giọng ca Look what you made me đanh thép phản pháo.
Trong cuộc phỏng vấn với Time, Taylor nói chính giây phút đó đã làm tăng sự phẫn nộ trong cô.
"Khi ra tòa làm chứng, tôi đã phải chứng kiến cảnh luật sư của anh ta bắt nạt, chèn ép và quấy rối êkip của mình, trong đó có mẹ tôi nữa. Tôi rất tức giận" - Taylor kể.
"Tôi nhận ra rằng nếu anh ta có thể ngông nghênh tấn công tôi như vậy mặc cho những tình huống khó khăn mà anh ta phải đối mặt, thì hãy tưởng tượng anh ta có thể làm gì với một nghệ sĩ trẻ, yếu thế một khi anh ta có cơ hội" - nữ ca sĩ bức xúc.
Cũng giống như nhiều phụ nữ đã lên tiếng khác, Taylor không còn cảm thấy bị uy hiếp. Với họ, nỗi sợ đã biến thành cơn giận dữ mang sức mạnh phơi bày cái ác ra ánh sáng.
Hầu hết người mà Time phỏng vấn tại sự kiện vinh danh Nhân vật của năm đều trải qua mối lo sợ về nguy cơ sẽ xảy ra chính họ, với công việc và gia đình họ.
"Ông ta nói rằng nếu tôi không biết điều, ông ta sẽ bắt cóc tôi, móc mắt và ném tôi xuống sông" - nữ diễn viên Selma Blair kể.
Selma Blair cũng là một "người phá vỡ im lặng" khi cô lên tiếng về việc mình bị đạo diễn James Toback quấy rối năm 1999.
Cũng là "bài" quen thuộc khi gạ gẫm các nữ diễn viên, James Toback có cuộc hẹn với Selma Blair tại một khách sạn.
Tại đó, James nói rằng cô phải tập diễn xuất "mong manh" hơn và để nghị cô cởi quần áo ra. Cô gái trẻ nghe lời và cởi áo.
Vị đạo diễn tiếp tục thuyết phục cô quan hệ tình dục với ông ta. Khi cô từ chối, ông khóa cửa lại và bắt cô xem ông ta thủ dâm bằng… chân của cô.
"Suốt gần 20 năm, tôi đã thật sự nghĩ là ông ta sẽ giết tôi" - Selma Blair chia sẻ.