>>> Mời quý độc giả xem trailer phim: "Hãy nói lời yêu". Nguồn VTV Giải trí |
|
Đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, gặt hái nhiều thành công trong nghề diễn, ghi dấu ấn trong lòng khán giả, ít ai biết, NSND Trọng Trinh, NSND Trung Anh, NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Đỗ Kỷ còn từng nhập ngũ cùng ngày, ở chung đơn vị và ra quân cùng nhau.
Thời điểm mới vào quân ngũ, cả 4 nghệ sĩ đều là những thanh niên trai tráng, sàn sàn tuổi nhau: Trung Anh – Đỗ Kỷ 21 tuổi, Trọng Trinh 25 tuổi còn Quốc Khánh trẻ nhất, 20 tuổi.
|
Từ trái qua phải: Đỗ Kỷ, Trung Anh, Quốc Khánh, Trọng Trinh. Ảnh: FB nghệ sĩ Trung Anh |
Nhớ lại thời điểm đó, nghệ sĩ Trọng Trinh cho biết: “Năm 1982, khi ấy chúng tôi vừa tốt nghiệp khóa 1 Nhà hát Kịch Việt Nam thì lên đường nhập ngũ bảo vệ biên giới phía Đông Bắc. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, chúng tôi được phân về Đại đội Vệ binh Sư đoàn 323, Đặc khu Quảng Ninh.
Thời điểm trong quân ngũ, chúng tôi vẫn được hoạt động nghệ thuật khi tham gia đội văn nghệ của sư đoàn, vừa đóng kịch vừa múa hát. Năm đó diễn ra hội diễn toàn quân, đơn vị cử chúng tôi tham dự, đi thi ở TPHCM. Đội văn nghệ của sư đoàn đã thành công vang dội, đoạt giải cao nhất. Bằng khen cá nhân đến giờ tôi vẫn còn giữ”.
NSND Trọng Trinh cũng cho biết, thời gian trong quân ngũ là trải nghiệm quý giá với ông. “Tôi được rèn luyện, học được nhiều điều trong thời gian tham gia quân ngũ, được tôi luyện ý chí, chịu được gian khó. Cũng nhờ đó tôi cảm thấy mình lớn hẳn, chững chạc hơn nhiều.
Tôi cũng hiều được đời sống người lính, tinh thần đoàn kết thương yêu của những người chiến sĩ. Tình cảm người lính nó khác lắm, chúng tôi cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, sống chết bên nhau. Những năm tháng sau này mỗi khi gặp nhau, chúng tôi vẫn trân quý tình cảm đó”.
Cũng chính nhờ trải nghiệm trong quân ngũ, cả 4 nghệ sĩ được góp mặt trong bộ phim “Trừng phạt” của NSND Bạch Diệp – bộ phim về đề tài chiến tranh được thực hiện dựa trên tiểu thuyết “Dấu chân người lính” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Bộ phim có sự góp mặt của rất nhiều tên tuổi gạo cội của Nhà hát Kịch Việt Nam lúc bấy giờ như: Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Hà Văn Trọng...
Ngoài “Trừng phạt”, sau này nghệ sĩ Trọng Trinh còn tham gia nhiều phim có hình tượng người lính, công an. Đáng chú ý, vai diễn chiến sĩ công an Nam Hà trong phim điện ảnh “Săn bắt cướp” của đạo diễn Trần Phương năm 1989 đã giúp Trọng Trinh ghi dấu ấn trong lòng khán giả.
|
NSND Trọng Trinh. Ảnh: FBNV |
Chia sẻ về kỷ niệm trong thời gian 2 năm tham gia quân ngũ, nghệ sĩ Trọng Trinh cho biết, ông đã cùng các đồng đội trải qua thời gian huấn luyện gian khổ, dù ông nói, so với anh em ở tuyến biên giới vẫn chưa ăn thua gì. “Chúng tôi còn ăn uống kham khổ, mặt mũi xanh xao. Đó cũng là trải nghiệm quý giá, là vốn sống để tôi hóa thân vào các nhân vật sau này”.
Chia sẻ về bức ảnh chụp chung với các nghệ sĩ: Trung Anh, Quốc Khánh, Đỗ Kỷ, nghệ sĩ Trọng Trinh tiết lộ: “Khi đó chúng tôi toàn những chàng trai cao ráo, ăn mặc đẹp, đi bộ 8km từ sư đoàn ra thị trấn Hà Cối (Hải Hà, Quảng Ninh) chụp bức ảnh này. Ngày xưa đi bộ như thế là bình thường”. Đến hiện tại, bức ảnh trở thành vật kỷ niệm quý giá với các nghệ sĩ.
Sau 2 năm trong quân ngũ, cuối năm 1984, do có nhiều thành tích và nhu cầu từ các đơn vị nghệ thuật, 4 nghệ sĩ được cấp trên cho phép ra quân sớm để phục vụ công tác biểu diễn.
“Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi ra quân trở về Nhà hát Kịch Việt Nam hoạt động. Sau này, những khi có dịp chúng tôi vẫn gặp gỡ, cùng làm nghề, ôn lại kỷ niệm xưa”.
Nguyệt Cát