Để được đứng trên sân khấu, cháy bùng cảm xúc cùng khán giả, chị phải hứng chịu vô số lời miệt thị, trò “bẩn” từ chính những người cùng đoàn. Nhưng, khát khao được hát, đứng trên sân khấu nâng đỡ chị qua tất cả để trở thành giọng ca mê đắm lòng người. Một thời, tiếng ca Cẩm Tiên từng trở thành “vũ khí” quy tụ khán giả. Có lần, khán giả bẻ cây, chặn ngang đường đoàn xe đi biểu diễn chỉ để xem mặt người nghệ sĩ cải lương tài sắc.
Từng muốn bỏ sân khấu bởi trò “bẩn”
Biết PV muốn tìm hiểu về nghiệp , NSƯT Cẩm Tiên như bừng tỉnh, thoát khỏi sự xô bồ, bận rộn của người yêu “chủ nghĩa xê dịch”. Chị cho biết, chị đến với sân khấu cải lương khi vừa tròn 20 tuổi. Giữa lúc đương xuân sắc, giọng ca “còn mùi”, chị được nghệ sĩ Châu Thanh, người anh cùng quê giới thiệu với đoàn Trung Hiếu. Chị trở thành nghệ sĩ là nhờ một câu nói dối của nghệ sĩ Châu Thanh.
Trước khi vào đoàn cải lương, Cẩm Tiên đã được khán giả địa phương mến mộ bởi giọng ca ngọt ngào. Nữ nghệ sĩ cho biết: “Sau khi anh Châu Thanh nghe thử giọng của tôi đã quyết định đưa tôi về đoàn Trung Hiếu. Để tôi được hát, có cơ hội trong đoàn, anh đã nói dối với anh trưởng đoàn là tôi đã từng đi hát rồi. May sao, tôi được tin tưởng và được trưởng đoàn giao cho hát kép chính”.
Tuy nhiên, chính giọng ca thiên phú ấy lại trở thành thách thức lớn nhất trên hành trình tiếp cận sân khấu của Cẩm Tiên. Chị bị chính người trong đoàn đố kỵ, ganh ghét, thậm chí tìm cách chơi xấu đến nỗi từng muốn bỏ nghề. Chị chia sẻ: “Về đoàn chưa đầy một tuần, tôi đã nghe vô số lời miệt thị từ những người trong đoàn. Họ nói, tôi không có khả năng, hát dở, là em của kép chính, của đạo diễn nên được nâng đỡ,...”.
|
NSƯT Cẩm Tiên hát trong một chương trình từ thiện tại TP.Hồ Chí Minh. |
Đáng sợ hơn, khi lời nói, chửi bới,... không khuất phục được chị, những con người nặng lòng đố kỵ tìm đến nhiều trò “bẩn”. Những ngày sống tập thể, cùng phơi quần áo chung một sào, chị bị bạn diễn dùng dao rạch nát quần áo. Khi lên sân khấu, chị bị người cùng đoàn giấu trang phục, gây khó dễ lúc hóa trang,... Uất ức, tủi nhục, sau những lần khóc cạn nước mắt, Cẩm Tiên từng nghĩ sẽ bỏ sân khấu, trốn tránh thị phi cuộc đời. “Những lúc ấy, tôi khóc rất nhiều. Tôi cứ nghĩ nghệ thuật sẽ cho tôi thêm niềm vui, sống trong đoàn sẽ giống như sống trong gia đình. Thế nhưng, tôi sớm nhận ra những suy nghĩ trước kia chỉ là ảo vọng. Tôi đã quen với cách sống tình cảm ở quê nên khi bị chị em, đồng nghiệp nói xấu, chửi rủa, chơi xấu, tôi đã quyết xin trưởng đoàn cho nghỉ”, NSƯT Cẩm Tiên cho biết.
Thế nhưng, nỗi sợ xa sân khấu, niềm đam mê cải lương đã giúp Cẩm Tiên khắc ghi sâu sắc hơn những lời khuyên của người trưởng đoàn. Chị nhớ lại: “Lúc ấy, tôi vẫn biết nghỉ thì sẽ nhớ sân khấu, nhớ khán giả lắm, nhưng uất ức và tủi nhục quá nên tôi nhất quyết xin trưởng đoàn cho nghỉ hát. Lúc ấy, chú trưởng đoàn đã dạy tôi rằng, con đường mình đi không phải lúc nào cũng bằng phẳng mà sẽ có vô vàn khó khăn. Gặp khó mà bỏ cuộc thì làm sao có đủ ý chí, có đủ niềm tin để vượt qua, để thành danh với nghề? Nghe vậy, tôi có thêm động lực, không còn nản chí trước những trò chơi xấu của đồng nghiệp nữa”.
Ngày xưa đi hát khổ lắm
Vượt qua những rào cản, chông gai trên con đường trở thành nghệ sĩ cải lương, sau một thời gian ngắn, cái tên trở thành điểm sáng, quy tụ khán giả khắp các tỉnh phía Nam. Chị cho biết, những năm đầu theo nghiệp sân khấu cải lương, chị phải theo đoàn đến hát ở nhiều địa phương xa xôi, hẻo lánh. Đó thực sự là giai đoạn khó khăn nhưng luôn khiến chị cảm thấy tự hào. NSƯT Cẩm Tiên chia sẻ: “Ngày xưa đi hát khổ lắm. Khi đi diễn ở miền sông nước như Cà Mau, Bạc Liêu, phương tiện di chuyển chủ yếu là ghe. Ghe khi ấy cũng nhỏ lắm chỉ chở được chị, bé phụ chị và anh lái đò. Đi suốt như vậy gần cả tiếng đồng hồ mới tới nơi đoàn biểu diễn. Khi đến nơi, trời đã tối đen như mực, tôi sợ nhưng vừa bước lên sân khấu diễn, được khán giả cổ vũ, nắm tay,... là tôi quên hết mệt mỏi”.
Với giọng ca trong vắt, ngọt ngào, mê đắm người xem, Cẩm Tiên sớm được nhiều đoàn xin hợp tác, thu âm,... Năm 1989, bầu Hề Sa đoàn hát Hoa Hồng mời Cẩm Tiên hát chính các tuồng 17 năm trường hận, Kiếm sĩ dơi. Sau đó, Cẩm Tiên nhận lời về đoàn Kim Thanh của ông bầu Phi Bằng. Đoàn Kim Thanh có nhiều nghệ sĩ tài danh như Út Bạch Lan, Ngân Vương, Thái Bình, Tố Loan, Thanh Hậu, Tiểu Phụng, hề Tấn Beo,... Tại đây, NSƯT Cẩm Tiên hát qua các tuồng Người điên trên sông lạnh, Nhất kiếm bá vương, Cỗ xe độc mã,...
Tài năng đã giúp NSƯT Cẩm Tiên nhanh chóng chạm đến thành công. Năm 1995, chị đoạt giải Nhất Trần Hữu Trang và huy chương Vàng sân khấu chuyên nghiệp. Năm năm sau, Cẩm Tiên tiếp tục giành được 2 giải Nhất Trần Hữu Trang vào các năm 2000, 2005. Sau đó không lâu, chị vinh dự nhận được danh hiệu NSƯT do Nhà nước phong tặng. Những giải thưởng liên tiếp đến với chị như một cái duyên.
Nổi tiếng, được nhiều đoàn cải lương mời diễn cộng tác, nhưng Cẩm Tiên vẫn ưu ái, dành tình cảm của mình cho những khán giả vùng quê nghèo. Nữ nghệ sĩ cho biết, chính tình cảm chân thành của khán giả ở các tỉnh vùng sâu đã nâng bước, giúp chị gắn bó hơn với sự thăng trầm của sân khấu cải lương. NSƯT Cẩm Tiên chia sẻ: “Tình cảm của người dưới quê thật thà, chất phác làm người nghệ sĩ như chị hạnh phúc lắm. Còn nhớ, có lần chị đi diễn ở một tỉnh xa, xe ô tô không vào được. Chị được xe máy của đoàn chở vào nơi diễn. Bỗng có một anh tài xế la lớn lên “tui xí chở Cẩm Tiên nha”. Tôi vui vẻ nhìn anh rồi gật đầu đồng ý. Trên đường, anh ấy thấy bà con là la lớn, “Cẩm Tiên nè bà con, tối nhớ đi coi hát nha” khiến cho bà con kéo ra cả xóm. Có người còn lấy cây chặn ngang đường, chặn xe,... chỉ để xem mặt tôi”.
NSƯT Cẩm Tiên cho biết, nghệ thuật cải lương ngày càng đi xuống là do không còn nhiều kịch bản hay. Chị cho biết: “Hiện tại, tìm một vở cải lương hay rất khó. Bởi, viết một vở cải lương tốn rất nhiều chất xám nhưng chỉ hát được một hai lần. Không phải như ngày xưa, một vở cải lương hay, người ta có thể hát rạp này rạp kia, một tuồng có thể hát một năm. Minh chứng cụ thể là nhà hát Trần Hữu Trang, mỗi năm, nhà hát này được Nhà nước tài trợ tiền để xây dựng kịch bản. Nhưng, có kịch bản rồi hát cũng không được bao nhiêu, tác giả bỏ ra nhiều công sức nhưng không thu lại thù lao xứng đáng. Khi cuộc sống không thoải mái, làm sao người ta viết ra những kịch bản hay cho khán giả được”.
Theo Dung Nhi - Hà Nguyễn/ĐSPL