Phóng viên Zing.vn hẹn gặp nhà thiết kế Đức Hùng tại một quán cà phê trên phố Kim Mã, Hà Nội. Anh hồ hởi vào quán với quần short, áo phông. Chưa đến chỗ ngồi, nam nghệ sĩ ưu tú đã bảo: “Tôi đến muộn mấy phút vì phải tìm chỗ để xe. Hà Nội mấy hôm nay nồm ẩm quá. Ấy vậy mà tôi vẫn thích vì tình yêu cực đoan dành cho nơi này”.
Trời mưa lất phất, Đức Hùng ngồi phía trong, hướng mắt ra nhìn dòng người qua lại. Nhà thiết kế vốn chỉ định trả lời xung quanh vai diễn đầu tay trong phim truyền hình Người phán xử. Nhưng khi được hỏi “Ngoài nhung lụa, gấm vóc, cuộc đời anh có nốt nhạc trầm nào không?”, đắn đo mãi, lần đầu tiên nhà thiết kế nổi tiếng mới chịu nói về những câu chuyện đời mình.
|
Đức Hùng là nhà thiết kế thời trang áo dài, nghệ sĩ ưu tú nghệ thuật múa rối nước. Ảnh: Quang Đức. |
"Trong phim Tôi phải đóng cảnh bị tra tấn"
Vào một ngày đẹp trời, tôi nhận được điện thoại từ đạo diễn Khải Anh. Bạn ấy ngỏ ý mời tôi đóng một vai trong Người phán xử - một bộ phim thể loại tâm lý tội phạm. Là chỗ thân tình, tôi vui vẻ nhận lời dù trước đây đã phải nhiều lần từ chối lời mời của các đạo diễn khác vì công việc riêng quá bận.
Trong phim, tôi vào vai một nhân vật trong thế giới ngầm. Xuất hiện không nhiều nhưng lại có cảnh tra tấn - một cảnh đắt trong phim. Tôi vốn quen với cuộc sống trên nhung, dưới lụa, chưa bao giờ bị gãy chân, gãy tay, chưa bao giờ bị ai đánh đập. Thế nên, khi bước vào phim trường, nhìn bối cảnh và đạo cụ xung quanh, tôi có chút sợ hãi.
Các đạo diễn và diễn viên trong đoàn đều tỏ ra lo lắng vì tôi không còn trẻ lại lần đầu đóng phim. Nhưng tôi vẫn chấp nhận bị trói bằng dây thừng thật và không sử dụng diễn viên đóng thế. Cảnh đó, tay tôi bị kéo lên, người co lại. Quay tổng cộng ba đúp với các góc khác nhau. Tôi bị chảy máu tay. Dù vậy, tôi giấu tất cả mọi người.
Đóng phim, tôi mới biết nghề diễn viên không đơn giản. Công việc thời trang và múa rối của tôi sung sướng hơn nhiều. Quay có 1-2 phút nhưng phải mất cả buổi để ngồi đợi, hóa trang, đọc lại kịch bản. Đó là còn chưa kể đến việc bối cảnh thường ở xa Hà Nội, sáng đi tối về, rất vất vả. Dù vậy, nếu có vai diễn thích hợp, tôi vẫn sẽ nhận lời vì không phải ai cũng có những cơ hội để thử sức như mình.
|
Đức Hùng cùng 2 đạo diễn NSƯT Mai Hiền và Khải Anh trong những ngày quay bộ phim Người phán xử. |
"19 tuổi, tôi đã mất cả cha lẫn mẹ"
Nhìn Đức Hùng, cười nói vui vẻ, ai cũng bảo tôi là người sung sướng. Tôi không phủ nhận. Tôi sinh ra trong một gia đình khá giả giữa phố cổ Hà Nội. Bố mẹ tôi có thời gian quản lý hệ thống xe liên tỉnh. Cuối ngày, các lái xe về nộp tiền cho mẹ. Và thời bé, tôi thường ngồi chơi trong một lồng bàn toàn tiền, cả tiền giấy lẫn tiền xu.
Thời bao cấp, thấy nhà bạn ăn cơm độn với mỳ và quả bo bo, tôi chạy về bảo với mẹ: "Nhà bạn con độn như thế, ăn ngon lắm hay mẹ cũng độn như thế cho con ăn". Mẹ tôi chỉ cười và đáp rằng: "Con còn quá nhỏ để hiểu ăn như thế là vì thiếu thốn". Tôi chỉ ăn chơi và học, không phải làm bất cứ một việc chân tay nào khác.
Đó là một cuộc sống quá đủ đầy giữa thủ đô, không thiếu thốn bất cứ điều gì. Ăn ngon mặc đẹp, nhà rộng cửa cao cho đến khi bố mẹ tôi lần lượt qua đời. Năm 16 tuổi, tôi mất bố. Khi 19 tuổi, tôi không còn mẹ. Năm chị em gái đều đã đi lấy chồng. Các chị cũng mất đấng sinh thành như tôi nhưng vẫn còn tổ ấm riêng, vẫn còn chỗ dựa tinh thần. Còn tôi, tôi mất hết, cô đơn trước cuộc đời.
Bố mẹ để lại cho tôi căn nhà giữa phố cổ. Tôi bước vào đời với đầy cám dỗ mà không có ai bên cạnh bảo ban. Bạn bè cùng trang lứa nghiện gần hết. Nhưng nhờ chữ duyên và một điều gì đó chăng, tôi đã giữ được mình. Tôi hoàn thành việc học và bắt đầu xây dựng sự nghiệp của riêng mình.
Nhiều lúc, nghĩ lại, tôi cũng không biết mình đã vượt qua những khó khăn, đau khổ về tinh thần đó như thế nào để có được cơ ngơi và chỗ đứng như ngày hôm nay. Nếu không có chí, nếu không tham công tiếc việc, có lẽ tôi đã chẳng làm được gì, chẳng được ai biết đến. Và tất nhiên chẳng có vị trí để được báo chí - truyền thông quan tâm.
|
Đức Hùng cho biết từ nhỏ anh sống trong điều kiện đủ đầy về vật chất nhưng tình cảm cha mẹ thì luôn thiếu thốn. Ảnh: Quang Đức. |
Tôi từng bị nghi là kẻ ăn cắp
Đời nghệ sĩ cũng có nhiều thứ phải suy nghĩ lắm. Năm 1996, tôi đi lưu diễn ở bên Mỹ. Trước khi bước ra sân khấu, tôi nhìn thấy một ổ khóa rất đẹp của anh chàng người Mỹ, tôi thốt lên “Ổ khóa đẹp quá”. Nói xong chẳng nghĩ ngợi gì. Nhưng sau đó lại có chuyện.
Chiếc ổ khóa đó bị mất. Người ta bắt đầu nghi ngờ tôi. Họ tiến đến khách sạn và lục tung tất cả đồ đạc riêng tư. Lúc đó, tôi rất buồn nhưng cũng không có cách nào khác. Sau đó, bạn Tây kia vô tình tìm được chiếc ổ khóa ở một nơi khác, do bạn ấy bỏ quên và tôi được minh oan.
Tất cả mọi người đều im lặng, không ai xin lỗi tôi. Nhưng tôi không tức giận, chỉ nghiệm ra một điều khi mình không làm gì sai thì mình cũng không cần phải thanh minh cho người ta hiểu. Trong nghề, tôi là một người chấp nhận như vậy.
Không thứ gì trên cuộc đời này suôn sẻ, trải hoa hồng. Đằng sau một Đức Hùng đi xe hơi với lụa là, gấm vóc, với những gì sang trọng, lộng lẫy nhất cũng là một Đức Hùng với rất nhiều câu chuyện phía sau. Tôi từng cô đơn đến cùng cực, từng bị nghi ngờ, bị vu oan. Nhưng tôi vẫn ở đây vì tôi biết mình làm đúng, tôi biết mình tử tế.
Người ta hay bảo showbiz phồn hoa mà bon chen, giành giật. Tôi cảm thấy may mắn vì giữa thế giới ấy, mình vẫn tồn tại, vẫn giữ được mình, và quan trọng hơn vẫn được làm nghề chân chính, được nhiều người yêu quý. Giống như dù chỉ là một vai phụ đến không thể phụ hơn trong Người phán xử, cứ làm hết mình, bạn sẽ được ghi nhận!
Theo Quang Đức/Zing News