>>> Mời quý độc giả xem trailer phim “Về nhà đi con”. Nguồn Youtube/rubic8:
Trong 2 tháng trở lại đây, hàng loạt bộ phim Việt vừa lên sóng đã gây bão, trong đó, “Về nhà đi con” đang được xem là bộ phim truyền hình quốc dân. Được biết, tác phẩm này được lấy cảm hứng từ bộ phim truyền hình “Khi người đàn ông góa vợ bật khóc” năm 2013.
“Về nhà đi con” được khen ngợi có nội dung hấp dẫn, dàn diễn viên thực lực. Vì vậy, trước và sau mỗi tập phát sóng, công chúng lại bàn tán rôm rả từng tình tiết, từng lời thoại, từng nhân vật, từng diễn viên. Bên cạnh đó, mọi câu chuyện bên lề của bộ phim cũng đều khiến khán giả tò mò.
Ngoài “Về nhà đi con”, “Mê cung” và “Nàng dâu order” cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả tuy sức hút có kém hơn. Với “Mê cung”, bộ phim hình sự này mang đến những vai diễn đầy ấn tượng. “Nàng dâu order” lại có khởi đầu thuận lợi khi xây dựng tạo hình nàng dâu vụng việc nhà, chỉ biết order đồ ăn trên mạng. Tuy nhiên, do phát sóng cùng thời điểm với bộ phim truyền hình “Về nhà đi con” nên “Nàng dâu order” lẫn “Mê cung” vẫn chưa thực sự gây sốt dù chất lượng phim không phải tệ. Khán giả mong đợi, hai bộ phim này sẽ bứt phá trong các tập phim tiếp theo.
|
Bộ phim "Về nhà đi con" đang gây sốt. Ảnh: Tiền Phong |
Trở lại năm 2018, cũng đã có không ít bộ phim truyền hình đón nhận những phản hồi tích cực của khán giả như “Quỳnh búp bê”, “Thương nhớ ở ai”. Đặc biệt, “Quỳnh búp bê” - bộ phim khai thác đề tài những cô gái làng chơi - nổi lên như một hiện tượng, một gia vị mới lạ của phim truyền hình Việt Nam.
Thực tế, phim truyền hình Việt Nam đã lên ngôi năm 2017 với 2 tác phẩm nổi tiếng “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng”. Trước đó, phim Việt vốn đánh mất niềm tin của khán giả vì chất lượng phim ngày càng đi xuống. Tuy nhiên, nhờ những bộ phim tử tế trong 2 năm trở lại đây, phim Việt đang dần lại vị thế thượng tôn.
Trái với sự lên ngôi của phim Việt trong những năm trở lại đây gameshow bước vào giai đoạn thoái trào. Giọng hát Việt, Ơn giời, cậu đây rồi, Gương mặt thân quen càng chiếu càng giảm sức hút. Điều này được thể hiện qua giá quảng cáo trong thời gian phát sóng gameshow giảm chóng mặt.
Lấy ví dụ như Gương mặt thân quen. So với năm 2014, Gương mặt thân quen năm 2018 có giá quảng cáo sụt giảm đến gần 50%. Cụ thể, năm 2014, Gương mặt thân quen có giá quảng cáo 370 triệu đồng/30s, năm 2016 là 350 triệu đồng/30s. Tuy nhiên, đến năm 2017 và 2018, giá quảng cáo của gameshow này chỉ còn lần lượt là 250 triệu đồng/30s và và 200 triệu đồng/30s.
|
Gương mặt thân quen. Ảnh: VTV |
Còn với các gameshow mới, vì ra mắt khi thị trường gameshow đã bão hòa nên các nhà sản xuất luôn tìm mọi cách để gây chú ý. Tuy nhiên, đa phần các chương trình này vẫn bị khán giả truyền hình thờ ơ.
Gameshow trong thời gian qua bị thất sủng vì nhiều lý do. Đã có những nhà sản xuất vì muốn câu kéo rating mà bất chấp tất cả, thậm chí tạo scandal làm ầm ĩ dư luận khiến khán giả mất niềm tin và ghẻ lạnh chương trình.
NSƯT Nguyễn Thành Vinh từng chia sẻ lý do gameshow mất giá. "Khán giả ngày càng chán ngán với những chiêu trò câu khách. Họ tỉnh hơn và đặc biệt có nhiều nhu cầu giải trí hơn so với trước đây chỉ có mỗi chiếc tivi độc tôn, nên không dễ gì lôi kéo họ bằng những chiêu thức tạo scandal giật gân, dối trá”, nam nghệ sĩ nói.
Còn theo PGS.TS. Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội), ngoài khâu tổ chức, tình trạng gameshow bị hạ thấp vị thế là do nhà sản xuất dễ dãi trong khâu tuyển chọn, dẫn đến huấn luyện dễ dãi với phát ngôn của mình, còn các thí sinh không ý thức được năng lực, tham gia chỉ vì thích, thay vì chuẩn bị kỹ về chuyên môn.
Thu Cúc