Nhiều người cứ nghĩ rằng những ngôi sao, nghệ sĩ nổi tiếng thường có cuộc sống giàu sang không phải lo nghĩ. Thế nhưng không phải sao Việt nào sinh ra cũng được may mắn "ngậm thìa vàng"...
Đàm Vĩnh Hưng: Lăn lộn với nghề cắt tóc
Nói đến "Ông hoàng nhạc Việt" Đàm Vĩnh Hưng, nhiều người biết anh từng là "cậu ấm". Thế nhưng khi gia đình gặp biến cố phải bán hết nhà và tài sản, cuộc sống của gia đình Mr. Đàm khốn khó đến mức không thể mua nổi chiếc quan tài cho ba.
|
Đàm Vĩnh Hưng cũng phải sớm lăn lộn đủ nghề để kiếm sống và theo đuổi đam mê nghệ thuật. |
Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ: “Ngày xưa nhà tôi đã có đầy đủ các vật dụng trong nhà như tủ lạnh, máy hát, cuộc sống chẳng thiếu thứ gì, đến nỗi tiền xếp lớp từng tập phủ kín dưới đệm giường.
Thế nhưng trời không thương lâu, bán nhà, ba mẹ bỏ nhau. Thời gian này, kinh tế gia đình tôi xuống dốc không phanh. Ông trời có cho ai mãi cái gì được đâu, chẳng phải lỗi của ba mẹ, mà do số trời đã định rồi”.
Sau biến cố đó, cuộc đời Đàm Vĩnh Hưng có nhiều ngã rẽ, anh cũng độc lập và trưởng thành hơn. Anh từng có khoảng thời gian dài “lăn lộn” với nghề cắt tóc để mưu sinh và nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật. Bằng nỗ lực và biết bao công sức, mồ hôi nước mắt, Đàm Vĩnh Hưng cũng đã thành công với sự nghiệp rực rỡ.
Sau khi nổi tiếng, Đàm Vĩnh Hưng chưa bao giờ chối bỏ quá khứ nghèo khổ ấy. Đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, anh cũng thường xuyên làm từ thiện.
Ngày 02.10, trong buổi tiệc sinh nhật lần thứ 47, Đàm Vĩnh Hưng đã kêu gọi các khách mời cùng mua album của mình. Sau đó, nam ca sĩ tuyên bố toàn bộ số tiền khách mời đã bỏ ra trong tiệc sinh nhật sẽ được sử dụng để mua xe lăn tặng những người khuyết tật, khó khăn trong việc đi lại.
Tổng số tiền mà Mr. Đàm thu về là 200 triệu đồng, tương ứng với gần 20 chiếc xe lăn. Nam ca sĩ cho biết, đây là việc làm ý nghĩa nhất mà anh sẽ thực hiện trong dịp sinh nhật này.
Vũ Hà: 4, 5 giờ sáng dậy đi dệt chiếu thuê
Người ta vẫn nói "khổ con đầu, giàu con út", thế nhưng điều này lại hoàn toàn trái ngược với hoàn cảnh của ca sĩ Vũ Hà. Sinh ra khi gia đình khó khăn, nên dù là con út, Vũ Hà cũng không được cưng chiều mà phải vất vả kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Nhớ lại tuổi thơ, Vũ Hà xúc động kể: “Nhà tôi có 6 anh chị em, tôi là út nam. Trên có một người chị gái và bốn anh trai. Người ta nói nhà có năm anh em trai là ngũ quỷ, không bao giờ giàu. Hình như số mệnh nhà tôi ứng với câu nói đó nên từ khi bố mẹ sinh tôi, rất nhiều biến cố đã xảy ra khiến gia đình cứ lụi bại dần.
Tôi mới được 2 tuổi thì bố mất. Một mình mẹ nuôi 6 đứa con, đó là gánh nặng khủng khiếp với một người phụ nữ tuổi đời mới tầm bốn mươi, trong lúc thời cuộc rối ren. Bởi thế, tôi tự lập từ nhỏ. Tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì, làm thuê làm mướn để có tiền mua quần áo, sách vở, giày dép."
|
Vũ Hà nghẹn ngào khi nhớ lại những ngày tuổi thơ vất vả. |
Dù còn nhỏ tuổi nhưng Vũ Hà cho biết phải dậy rất sớm để dệt chiếu thuê trước khi đi học: "Cứ 4, 5 giờ sáng, chuông nhà thờ vừa đổ là tôi cũng dậy đi dệt chiếu thuê. Gần 7 giờ dệt được hai chiếc rồi về đi học. Sau này, tôi còn làm bô đê bằng máy cho xưởng sản xuất áo voan xuất khẩu, đan giỏ…
Làm ăn thua lỗ nên mẹ tôi từ chủ xưởng dệt chiếu cuối cùng sạt nghiệp phải đi bỏ mối chiếu ở chợ Bến Thành, Bình Tây… Mỗi lần như thế, mẹ phải thuê xích lô chở tới chợ hết 10.000 đồng. Tôi xin mẹ cho mình chở để lấy số tiền đó.
Thế là buổi sáng đi học, ăn trưa xong tôi chạy đi mượn hàng xóm xe đạp để chở một đống chiếu cao hơn đầu đi khắp các chợ lớn trong Sài Gòn giao cho người ta."
Vũ Thu Phương: 6 tuổi đi xin vải vụn khâu quần áo búp bê đem bán
Cũng như Vũ Hà và Đàm Vĩnh Hương, tuổi thơ của nữ người mẫu Vũ Thu Phương không mấy êm đềm.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Nam Định, nhà tôi ngay gần nhà máy dệt may và cả xóm đều làm nghề này.
Từ hồi học lớp 1, tôi đã biết đi xin vải vụn về khâu quần áo cho búp bê và treo lên bán. Bán được quần áo búp bê, tôi lấy tiền mua truyện về đọc. Tôi cực mê truyện tranh. Đọc xong, tôi lại đem truyện đi cho thuê. Có tiền lại tái đầu tư.”
|
Vì gia đình khó khăn nên 6 tuổi, Vũ Thu Phương đã biết đi xin vải vụn về khâu quần áo cho búp bê và treo lên bán. |
Vì gia đình khó khăn nên ngay từ bé, Vũ Thu Phương đã có ý thức kiếm tiền: “Ngày đó, người lớn hay mắng “bé tí mà đã ham kiếm tiền” nhưng tôi nghĩ mình làm rất cực thì phải bán được.
Lớn lên một chút, mỗi ngày đi học về, tôi mua dưa cà về muối bán. Mẹ tôi bán hàng xén, tôi mua thêm giấy về và mở thêm dịch vụ gói quà và nhận riêng tiền gói quà đó.
Từ năm lớp 11, tôi đã tự lo hết tiền học cho mình, thậm chí còn dư tiền biếu bố mẹ. Tôi vừa đi học, vừa tham gia câu lạc bộ người mẫu và nhận show vừa đủ để có tiền lo cho bản thân và phụ giúp gia đình một phần vì hồi đó, nhà tôi rất khó khăn."
"Bố bị lừa mất hết tiền bạc, cả nhà rời Nam Định vào Sài Gòn, ở nhà thuê chật chội, mẹ vất vả kiếm tiền từ sớm tinh mơ tới đêm khuya dù trong người đang có bệnh tim, khớp. Rồi vì không hạnh phúc với bố, mẹ suy nghĩ nhiều lại quá vất vả nên bị liệt nửa người.
Nhưng chính những năm tháng khủng khiếp ấy đã tạo nên tôi – Vũ Thu Phương của ngày hôm nay. Thành thật, tôi luôn biết ơn quá khứ của mình” - Vũ Thu Phương nói về những ngày quá khứ.
Hải Yến Idol: Lớp 7 đã có cửa hàng bán kẹp tóc
Vì bố mẹ sớm ly hôn nên những ngày tuổi thơ của Hải Yến cũng rất khó khăn: “Tôi học lớp 6 thì bố mẹ chia tay nhau. Mẹ tôi buôn bán làm ăn bên Trung Quốc, lâu lâu mới về một lần. Mấy anh em ở với nhau.
2 năm sau, mẹ lấy chồng thì bố tôi cũng lấy người phụ nữ khác rồi về Hưng Yên ở. Tiền học hành của tôi thì mẹ lo, riêng tiền ăn uống, chi tiêu, sinh hoạt của hai anh em, tôi kiếm hết."
Để có tiền cho chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày, Hải Yến đã kiếm việc làm thêm từ hồi lớp 7: "Lớp 7 tôi đã bán hàng, có cả một cửa hàng bán kẹp tóc, cột tóc vì mẹ tôi buôn bán hàng đó bên Trung Quốc. Mẹ đưa hàng về cho bán. Sáng tôi bán hàng, chiều đi học. Hai anh em thay nhau nấu cơm. Có khi vừa bán vừa nấu, vừa cầm tô cơm, vừa bán vừa ăn.
Vì hoàn cảnh gia đình như thế nên tôi khá nam tính và mạnh mẽ. Cũng may sau này tôi có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và tôi luôn cho rằng, con cái tốt nhất nên có đầy đủ cả cha lẫn mẹ″.
Theo Đoàn Hòa/Dân Việt