“Quái kiệt” đàn nhị Trần Văn Xâm qua đời ở tuổi 39

Google News

Trần Văn Xâm - giảng viên Khoa Âm nhạc truyền thống Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - nghệ sĩ được mệnh danh là 'quái kiệt' đàn nhị vừa qua đời ở tuổi 39.

Ca sĩ Phúc Tiệp chia sẻ với VietNamNet, nghệ sĩ đàn nhị Trần Văn Xâm vừa qua đời.
"Nhớ lại thời ngày xưa tôi học cùng lớp với nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long môn âm nhạc tổng hợp, có một đoạn nhạc từ bản giao hưởng hoặc là một concerto gì đó, xong chúng tôi thi nhau ghi lại giai điệu chủ đề... Ai giỏi lắm thì được 1-2 bè. Còn Xâm ghi tối thiểu phải 3 bè trở lên. Một người em tài năng và hóm hỉnh. Tiếc thương em ấy quá", ca sĩ Phúc Tiệp chia sẻ.
“Quai kiet” dan nhi Tran Van Xam qua doi o tuoi 39
 Nghệ sĩ đàn nhị Trần Văn Xâm.
Nghệ sĩ Trần Văn Xâm quê ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. 7 tuổi, mới học lớp 2, anh xếp quần áo, sách vở lên Hà Nội vào ở ký túc xá của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để chuyên tâm học đàn.
Mê đàn đến độ anh coi cây đàn nhị như một người bạn thân. Mới học được hai tháng, Trần Văn Xâm đã chơi tốt một số bài nhạc thiếu nhi. Lần đầu tiên lên sân khấu biểu diễn, anh chơi bài Chú ếch con cho đoàn khách Pháp nghe.
Năm 2012, Trần Văn Xâm đã trải qua 4 vòng thi, vượt qua hơn 2.000 thí sinh để giành giải Nhì cuộc thi Đàn nhị quốc tế tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ở vòng cuối cùng, Trần Văn Xâm chơi bản Kể chuyện ngày mùa của nhạc sĩ Thao Giang viết cho đàn nhị khiến giám khảo, khán giả vỗ tay không ngớt.
Hơn 30 năm gắn bó cùng cây đàn nhị là một quãng thời gian không hề ngắn với tuổi đời 39 của nghệ sĩ Trần Văn Xâm. Hơn 30 năm qua cũng đã đủ để cho chính anh và đồng nghiệp, khán giả cảm nhận được tình yêu, lòng đam mê và nhiệt huyết anh dành cho cây đàn này.
Nhiều năm qua, bất kể cái nóng của mùa hè hay cái lạnh giá của mùa đông, mọi người dân trên tuyến phố đi bộ Hồ Gươm cuối tuần đều được nghe tiếng đàn nhị của anh cùng các học trò của mình trong nhóm Nét nhị cầm do chính anh thành lập.
Tiếng đàn vang lên ở đâu, đám đông tụ lại ở đó. Nhiều người cho rằng Nét nhị cầm là linh hồn của không gian nơi đây, họ quên đi sự mặc định về tiếng đàn “nỉ non, sầu bi” vốn đã gắn vào cây đàn nhị, chỉ còn những thanh âm lúc dìu dặt tha thiết, lúc vui tươi rộn ràng…
Sau những phút thăng hoa, sáng tạo lan tỏa tiếng đàn nhị trên mọi sân khấu lớn nhỏ, người nghệ sĩ giản dị này lại trở về với vị trí người gìn giữ, truyền lửa tới những thế hệ học trò tiếp theo.
Giữa biết bao loại hình âm nhạc đang phát triển, giữa những thanh âm hiện đại, tiếng đàn nhị vẫn vang lên đầy say mê từ những người trẻ như minh chứng cho sự sống mạnh mẽ của cây đàn độc đáo này cũng như những nỗ lực mà Trần Văn Xâm đã bền bỉ gìn giữ và phát huy, gửi gắm qua từng bài giảng…
Theo Tình Lê/Vietnamnet