|
Các nghệ sĩ bị đột ngột dừng đóng bảo hiểm mà không được thông báo. |
Nguồn cơn bắt đầu từ việc cách đây 2 ngày, nhiều nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đột ngột nhận được thông báo họ có tên trong danh sách 30 người không được đóng bảo hiểm các loại của tháng 10, 11/2018 mà không có lý do. Trong số này có nhiều gương mặt tên tuổi như diễn viên Quốc Tuấn, đạo diễn Thanh Vân, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, Bùi Tuấn Dũng....
Sáng 17/1, rất đông nghệ sĩ đã tới trụ sở Hãng phim truyện tại số 4 Thuỵ Khuê giăng biểu ngữ trong Hãng cũng như các bức tường bao quanh với nội dung: Tại sao cắt lương, cắt bảo hiểm của chúng tôi? Trả lại VFS (Hãng phim truyện VN) cho người làm điện ảnh, Số 4 Thuỵ Khuê là của VFS...
|
Các nghệ sĩ treo băng rôn phản đối quanh tường Hãng phim truyện. |
Đây có thể nói là giọt nước làm tràn ly, bởi trước đó rất nhiều nghệ sĩ của Hãng hoặc đã bị cắt lương, hoặc chủ động không nhận lương... Sự trì trệ của Hãng trước cổ phần hoá và quá trình cổ phần hoá nhiều vấn đề kéo dài suốt 3 năm qua khiến Hãng phim truyện gần như không hoạt động, người làm phim không có việc làm, đồng nghĩa với việc họ không có lương và gần đây nhất là bị cắt luôn bảo hiểm.
Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra VFS từ tháng 9/2018 đến nay, đã qua 4 tháng nhưng tình hình Hãng phim truyện vẫn đóng băng. Chính phủ đồng ý cho Vivaso (Công ty vận tải thuỷ) - đơn vị sở hữu VFS hiện nay thoái vốn rút khỏi Hãng nhưng đến nay vẫn chưa được xúc tiến.
Đinh Tuấn Vũ, đạo diễn trẻ nhất VFS, người cũng có tên trong danh sách lao động không được Hãng đóng bảo hiểm lần này chia sẻ với VietNamNet: "Thực ra cá nhân tôi đã chủ động không nhận lương từ tháng 8/2017. Lúc đó tôi đã cảm thấy lãnh đạo Hãng không có ý định làm phim và trân trọng nghệ sĩ. Tôi thì còn trẻ và muốn làm nghệ thuật nên sau khi viết tâm thư về việc của hãng tôi chỉ tập trung làm phim bên ngoài.
Việc bảo hiểm tôi cũng mới biết khi có danh sách được các anh chị ở khối nghệ thuật trong hãng gửi cho xem chứ cũng không hề được ai thông báo. Vừa rồi có thông tin về việc Hãng sẽ về với VOV, tôi cũng có chút hy vọng nhưng đến giờ, việc về VOV vẫn có vẻ rất khó khăn còn bản thân nhà đầu tư của Hãng cũng không đầu tư nữa nên tôi rất lo Hãng sẽ thực sự bị đóng băng".
|
Hãng phim truyện Việt Nam tròn 60 tuổi vào năm nay nhưng nhiều năm qua đã hoạt động trì trệ, mất phương hướng. |
Trả lời VietNamNet, luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu phân tích: "Có 3 khái niệm trong vụ này phải làm rõ. 1. Người lao động = nhân viên của hãng phim; 2. Người sử dụng lao động = hãng phim; 3. Chủ doanh nghiệp = chủ của hãng phim.
Về nguyên tắc thì việc nợ bảo hiểm xã hội là việc giữa người lao động và người sử dụng lao động chủ doanh nghiệp họ không có nghĩa vụ phải trả BHXH hay lương cho người lao động. Công ty này lại là công ty cổ phần nên khó mà quy trách nhiệm cho chủ doanh nghiệp. Vì họ và doanh nghiệp là 2 pháp nhân khác nhau.
Tuy nhiên cũng cần xem thử trong thoả thuận cổ phần hoá, quyết định cổ phần hoá có ràng buộc trách nhiệm gì không, nếu có thì mới có cơ sở vịn vai họ được. Thật ra về nguyên tắc thì doanh nghiệp này đang lâm vào tình trạng phá sản và cần phải bị tuyên bố phá sản. Chủ doanh nghiệp trong vụ này chỉ có 1 việc cần làm là ra quyết định tạm ngừng kinh doanh".
|
Diễn viên Quốc Tuấn đã ngưng nhận lương 540 nghìn đồng/ tháng từ Hãng phim truyện nơi anh công tác từ lâu. |
VietNamNet đã liên lạc với ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam để hỏi về các vấn đề liên quan nhưng ông Thắng từ chối nói chuyện qua điện thoại và hẹn tiếp phóng viên vào chiều 17/1 để giải đáp thắc mắc.
Theo Hoàng Vy/Vietnamnet