"Quỳnh búp bê" có “khóc thuê” cho gái mại dâm?

Google News

Những câu chuyện không có gì mới, số phận các cô gái làng chơi chưa nhiều chi tiết đắt giá, hao hao những bài báo dài kỳ về số phận những cô gái mại dâm. Liệu phim "Quỳnh búp bê" có lặp lại mô típ “bình mới rượu cũ” hay không?

Bộ phim Quỳnh búp bê khai thác cuộc đời của ba cô gái là Quỳnh, Lan và My. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng cuối cùng số phận đẩy đưa họ vào cùng một "động quỷ", nơi mà chất đầy nỗi tủi nhục, xót xa và đau đớn, mọi cánh cửa cuộc đời đều đóng sập, không lối thoát.
Lẽ dĩ nhiên “đường dài mới biết ngựa hay, phim hay phải chờ đoạn kết”, nhưng nhân vật Lan “cave” vẫn là hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha già ốm yếu, em thơ còn tuổi đi học, vẫn những câu chuyện có phần cũ mèm “biết rồi khổ lắm nói mãi”.
Bộ phim "Quỳnh búp bê" đang gây sốt màn ảnh nhỏ (Ảnh: Fanpage phim) 
Chính vì thế xoay quanh bộ phim đang hot trên, vẫn có những ý kiến, câu hỏi bỏ ngỏ: Liệu Quỳnh búp bê có “khóc thuê”, kêu nghèo kể khổ cho gái mại dâm hay không?
Tranh luận về ý kiến trên, dưới góc nhìn của một chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình – nhà tâm lý, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng:
“Trong lúc Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, các cơ quan ban ngành đang cân nhắc mại dâm thành một nghề thì theo tôi, bộ phim đưa ra một diễn đàn tranh luận về đề tài này là việc nên làm.
Tôi nghĩ rằng, nếu ai đó có ý kiến Quỳnh búp bê đang “khóc thuê” cho gái mại dâm là thể hiện sự kì thị đối với nghề đó. Trong xã hội, cuộc đời còn nhiều trường hợp tệ hơn, bi đát hơn, chứ việc gì phải khóc thuê”.
“Theo tôi, không nên quy chụp bộ phim theo hướng tiêu cực. Đối với tôi, bộ phim có những ý nghĩa tích cực nhất định, khi khai thác những câu chuyện đời thực qua yếu tố truyền hình. Những người làm nghề đấy đa phần là cô gái có xuất thân nghèo khó, hoàn cảnh xô đẩy đến bước đường cùng, nhưng có một bộ phận họ làm đơn giản vì họ thích, dẫu chỉ là một bộ phận rất nhỏ thôi.
Để từ đó đưa ra những góc khuất trong câu chuyện của những người yếu thế và bị ruồng bỏ trong xã hội. Mới chỉ mấy tập đầu bộ phim lên sóng còn chưa nói trước được điều gì, nhưng miễn là phim không đi theo xu hướng “nhấm nháp” những bạo lực, những cảnh nóng bỏng, khai thác sâu những phân cảnh rùng rợn đem lại cảm giác mạnh”.
Trước ý kiến đó, diễn viên Lan Phương cũng đưa ra quan điểm: Theo tôi, quan trọng là cách thể hiện và cách kể chuyện trên màn ảnh, không phải là “khóc thuê” mà nó có thực sự chân thực hay không, nếu câu chuyện vẫn được kể một cách hấp dẫn thì vẫn thu hút được tôi, vì những câu chuyện có thể cũ ngoài đời sống nhưng lại mới trên truyền hình.
Với tư cách người trong cuộc, trực tiếp nhập vai Lan “cave già” trong phim, nữ diễn viên Thanh Hương có lời trần tình và đưa ra góc nhìn của mình: Dùng từ "khóc thuê" là không công bằng cho Quỳnh búp bê bởi trong phim có nhiều tính cách, hoàn cảnh khác nhau.
Ví dụ, với vai My, phim khai thác mảng tối và My cũng bị khán giả ghét. Có những nhân vật được khán giả thương nhưng cũng có những nhân vật bị ghét đó cũng là cái nhìn khách quan. Bộ phim chỉ mới bắt đầu thì khóc thuê hay không hãy chờ hết phim mới có thể nói được.
Theo Thảo Anh-Thùy Linh/Lao Động