Showbiz Việt có nên áp dụng cách tẩy chay triệt tiêu như Hàn Quốc?

Google News

Tẩy chay ở Hàn Quốc mang tính chất triệt tiêu mạnh mẽ, do đó sự quay lưng của công chúng giống như một bản án tử. Trong khi đó, ở showbiz Việt sự tẩy chay vẫn mang tính nửa vời.

Group chat tình dục, tin nhắn môi giới mại dâm và clip sex đang làm chấn động showbiz Hàn. Những ngôi sao showbiz từng ở đỉnh cao danh vọng, khiến hàng triệu người phát cuồng nay buộc phải tuyên bố giải nghệ, thất thần xin lỗi, quỳ khóc… thậm chí bị cào cấu tại sân bay.
Nhưng làn sóng phản đối vẫn chưa dừng lại. Bởi lẽ, công chúng xứ sở kim chi không hề chóng quên và dễ tha thứ. Thái độ này cũng sẽ không gây bất ngờ vì đó là văn hóa tẩy chay tại Hàn Quốc, điều mà nhiều chuyên gia cho rằng không tồn tại ở showbiz Việt.
Zing.vn đã đăng tải 2 bài viết về chủ đề văn hóa tẩy chay: Vướng scandal, Seungri mất tất cả, tại sao Phạm Anh Khoa vẫn trở lại? và Gạ tình, PR bẩn hay cưỡng hiếp, quay clip sex mới đáng bị tẩy chay?. Trong phần bình luận, nhiều độc giả khẳng định công chúng Việt cần có thái độ tẩy chay mạnh mẽ hơn nữa thay vì "giơ cao đánh khẽ" như hiện nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng văn hóa tẩy chay ở Hàn Quốc có phần cực đoan, do vậy, không nên học theo.
Showbiz Viet co nen ap dung cach tay chay triet tieu nhu Han Quoc?
Seungri với gương mặt thất thần xin lỗi khán giả sau loạt candal chấn động showbiz Hàn. 
Để rộng đường dư luận, Zing.vn đăng tải bài viết của thạc sĩ quan hệ quốc tế Bùi Nguyên Bảo bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Anh hiện là nghiên cứu sinh tại Học viện Ngoại giao, giảng viên bộ môn quan hệ quốc tế, đồng thời cũng là người có kinh nghiệm trong nghiên cứu truyền thông và văn hóa giới trẻ.
Ở Hàn Quốc, tẩy chay mang tính triệt tiêu
Từ góc độ quốc tế, tôi cho rằng mỗi xã hội đều tồn tại những nguyên tắc văn hóa để chi phối nhận thức và hành vi của con người. Đôi khi những nguyên tắc đó không diễn biến theo trình độ phát triển.
Có những đất nước cởi mở về văn hóa nhưng bảo thủ về chính trị. Ngược lại, có nước cởi mở về chính trị, nhưng bảo thủ về văn hóa. Hoặc cũng có những quốc gia dân chủ tôn trọng tự do ngôn luận nhưng lại có những vùng giới nghiêm không ai được động đến, ví như các luật bảo vệ hoàng gia.
Văn hóa tẩy chay cũng vậy, luôn khác nhau ở những nước khác nhau. Hàn Quốc không giống Việt Nam, và Hàn Quốc không giống Mỹ.
Showbiz Viet co nen ap dung cach tay chay triet tieu nhu Han Quoc?-Hinh-2
Bùi Nguyên Bảo có bằng thạc sĩ quan hệ quốc tế, hiện là nghiên cứu sinh tại Học viên Ngoại giao. 
Trước hết chúng ta cần phải xác định rằng văn hóa tẩy chay với tư cách là một sản phẩm có tính cộng đồng đôi khi lại phụ thuộc vào đặc tính địa lý, và không có nhiều liên quan đến sự phát triển, sau hay trước của kinh tế - giáo dục.
Đó là lý do vì sao dù là một nền kinh tế - công nghiệp - giải trí phát triển, thậm chí rất phát triển nhưng xã hội Hàn Quốc vẫn tồn tại những quy tắc ngầm mà ở những nước có trình độ phát triển thấp hơn lại... có phần dễ thở hơn.
Ở Hàn Quốc, văn hóa tẩy chay luôn diễn ra rất gay gắt, thậm chí còn mang tính chất triệt tiêu, hủy hoại. Do vậy, một khi đã vướng scandal, bê bối, gần như không thể làm lại.
Tẩy chay ở những nước như Hàn Quốc thường đặt dấu chấm hết cho nghệ sĩ, thậm chí cả chính trị gia hay bất cứ ai. Tất nhiên khi là một thành phần của cộng đồng đó, với văn hóa tẩy chay tận cùng như vậy, nghệ sĩ buộc phải chấp nhận và tồn tại.
Nhưng điều đó không có nghĩa, tẩy chay là văn hóa tiêu cực. Dù có tính triệt tiêu, thậm chí hủy hoại, cần phải xác định rằng, tẩy chay thường là hệ quả của việc một cá nhân, nhóm người đã đi quá giới hạn pháp luật và đạo đức - hai điều chi phối quan hệ xã hội. Và ở Hàn Quốc, điều đó không được dung thứ.
Tẩy chay nửa vời tạo ra độ nhờn trong nhận thức
Trong khi đó, ở Việt Nam, có lúc, có chỗ, có khi chúng ta nghe thấy kêu gọi tẩy chay mặt hàng này, người kia, nghệ sĩ nọ. Về bản chất, văn hóa tẩy chay là có tồn tại, chỉ có điều nó không mang giá trị triệt tiêu như ở Hàn Quốc. Thay vào đó, văn hóa tẩy chay của công chúng Việt thường chỉ mang tính cảnh tỉnh, và là cảnh tỉnh ngắn hạn.
Ví dụ một cô diễn viên lộ clip nóng hay giật chồng, ngoại tình, một nghệ sĩ bị tố gạ tình, quấy rối. Những scandal đó được coi là sự hoen ố, nhưng sau đó dần dần mọi việc lại qua đi, và cô ấy hay anh vẫn có thể xuất hiện trở lại bình thường.
Tất nhiên, cũng có trường hợp việc bị nêu tên, bêu rếu, tẩy chay lại chính là cách họ hâm nóng tên tuổi. Đó chính là kết quả của văn hóa tẩy chay không mang tính triệt tiêu. Vì không mang tính triệt tiêu nên đôi khi không khiến người công chúng e ngại, thậm chí sợ hãi.
Showbiz Viet co nen ap dung cach tay chay triet tieu nhu Han Quoc?-Hinh-3
Group chat tình dục của các thần tượng Kpop đang làm chấn động showbiz Hàn Quốc. 
Do vậy, nhiều nghệ sĩ trở lại dễ dàng sau scandal, nhưng điều đó không hẳn chứng tỏ cộng đồng chấp nhận họ mà đơn thuần là do sức mạnh của sự tẩy chay từ công chúng chưa đủ lớn. Nó cũng là một thực tế của xã hội, khi áp lực dư luận vẫn còn chỉ có tính nửa vời, tạo ra độ nhờn trong nhận thức và hành động cá nhân.
Có nên học hỏi lẫn nhau?
Trước hết cần kết luận văn hóa tẩy chay phụ thuộc vào yếu tố địa lý và mức độ cởi mở của xã hội. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt giữa showbiz Việt và showbiz Hàn trong thái độ, phản ứng của công chúng đối với nghệ sĩ.
Có thể nhiều người cho rằng công chúng Việt nên học hỏi văn hóa tẩy chay của Hàn Quốc, nghĩa là khi khán giả khắt khe hơn, nghệ sĩ cũng giữ gìn hình ảnh hơn. Nhưng, tôi nghĩ rằng, không nên bên nào học theo bên nào.
Thay vào đó, mỗi cá nhân đang sống ở xã hội nào sẽ chấp thuận nó như một sự khách quan để điều chỉnh bản thân mình đừng đi quá giới hạn của cộng đồng, quá vùng giới nghiêm.
Cá nhân tôi ủng hộ truyền thống "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại" của người Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng rất cần các nghệ sĩ, với tư cách là người của công chúng hãy luôn ý thức được sự ảnh hưởng của mình đối với xã hội. Khi là "thần tượng" của nhiều người càng không bao giờ được dễ dàng để bản thân tầm thường hóa, nhất là tầm thường hóa về đạo đức.
Theo NCS quan hệ quốc tế Bùi Nguyên Bảo/Zing