Ở Ấn Độ những năm gần đây, kể từ sau vụ hiếp dâm tập thể một cô gái đi xe buýt cùng bạn trai ở New Delhi vào năm 2012 làm chấn động thế giới, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích Bollywood vì góp phần duy trì và củng cố cho một nền văn hóa thù ghét phụ nữ, nếu không muốn nói là trực tiếp kích động bạo lực giới.
Các nam anh hùng trong phim Bollywood luôn cơ bắp và bạo lực, trong khi hình tượng phụ nữ thường yếu đuối, hay bị quấy rối chọc ghẹo, “nói không là có”. Và hầu như bộ phim nào cũng phải có một màn múa hát phô trương thân thể của các nữ diễn viên không hề liên quan đến cốt truyện.
Theo một nghiên cứu năm 2014 của Viện Geena Davis, điện ảnh Ấn Độ tính dục hóa phụ nữ nghiêm trọng hơn nhiều nền điện ảnh khác: 35% phụ nữ trong các phim Bollywood xuất hiện với rất ít vải trên người.
Một số nghiên cứu của Kyra Lanis, Katherine Covell và Natalie J. MacKay thì chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng hình ảnh phụ nữ như những biểu tượng tình dục trong các quảng cáo với việc gia tăng hành vi bạo lực tình dục đối với họ.
Ở Việt Nam, không ít lần hình ảnh xã hội gia trưởng với người đàn ông nắm hết uy quyền được khắc họa trên truyền hình và điện ảnh. Gần đây nhất hình ảnh đó được thể hiện trong bộ phim Vợ ba.
Ngay khi vừa ra mắt, phim đã gây tranh cãi bởi nhân vật vợ thứ ba do diễn viên 13 tuổi Nguyễn Phương Trà My thủ vai. Ngoài các cảnh phòng the, Trà My còn phải diễn cả việc sinh đẻ của phụ nữ với tất cả sự quằn quại đau đớn có phần cường điệu.
Vợ ba phê phán quyền lực gia trưởng nhưng đồng thời vô tình phản ánh những điểm giao thoa quan trọng giữa nam và nữ, giữa nghệ thuật và hiện thực, giữa thẩm mỹ phương Tây và sự tiếp nhận của khán giả Á Đông. Bộ phim thiên về phía các giá trị nam/nghệ thuật/phương Tây, trong khi trục giá trị kia cần phải được bảo vệ.
Có nhiều câu hỏi đặt ra với Vợ ba: Bộ phim này đã khai thác chủ đề gia trưởng một cách sâu sắc chưa? Nó có xứng đáng là một sản phẩm nghệ thuật đạt được nhiều giải thưởng quốc tế?
Và có lẽ, câu hỏi quan trọng nhất là: Bộ phim có thể xoa dịu nỗi lo lắng có căn cứ về ảnh hưởng của phim ảnh đối với các hành vi xã hội, mà cụ thể là xâm hại trẻ em?
Phản biện chưa tới?
Tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Phương Anh không phản biện được chủ đề gia trưởng mà nó đặt ra.
Dựa trên một câu chuyện có thật, bộ phim gây xôn xao dư luận Vợ ba kể về cuộc đời của Mây, một cô gái mới 14 tuổi đã phải về làm dâu cho một gia đình địa chủ giàu có.
Ở gia đình của người chồng tên Hùng (Lê Vũ Long thủ vai), Mây trải qua những cảm xúc sợ sệt đau đớn, rồi an phận làm quen, và không phải là không thích thú, với tình dục, với việc sinh nở, và một thế giới nội trợ trồng dâu nuôi tằm nữ tính vừa ngột ngạt vừa gợi cảm hiện lên trong phim.
Trong lịch sử hay trong cuộc sống hàng ngày xưa và nay, có thật là phụ nữ nhẫn nhịn chịu đựng sự bất công gia trưởng mà không tích cực đấu tranh đến vậy không?
Mây được hai người vợ lớn là Hà (Trần Nữ Yên Khê) và Xuân (Mai Thu Hường) đùm bọc, để rồi cuối cùng vẫn phải đối diện với sự bế tắc tất yếu dành cho những bé gái được trao đổi như những công cụ tình dục và sinh sản trong chế độ gia trưởng.
Tuyến cảm xúc đồng tính của Mây và người vợ hai Xuân không thuyết phục. Nó được dễ dãi mặc định ngay ở đầu phim, khi Mây bị cuốn hút bởi vẻ đẹp hình thể của Xuân, như thể bộ phim này đang lợi dụng chủ đề đồng tính nữ trong văn hóa phương Tây để tạo ra một cảm giác phản biện.
Sử dụng đồng tính nữ trong điện ảnh có hai cái lợi. Một mặt tác phẩm có vẻ mang thông điệp phản biện. Mặt khác, việc phô bày thân thể nữ trên màn ảnh đảm bảo được sự câu khách, như xưa nay điện ảnh trong tay nam giới vẫn làm.
Chính vì thế mà nếu chủ đề đồng tính nữ không thuyết phục, thì việc sử dụng nó vẫn chỉ là đang tiếp tục “vật hóa” (Sexual Objectification) cơ thể phụ nữ - coi phụ nữ như những đồ vật tình dục, để phục vụ cho cái nhìn nam giới (ở đây có hiểu rộng là khán giả) – đúng như các nhà nữ quyền vẫn phê bình.
Theo các nhà nữ quyền và tâm lý học, hiện tượng vật hóa phụ nữ trong văn hóa gia trưởng, bao gồm sự tái hiện trên truyền thông, gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sự vật hóa phụ nữ góp phần gây ra những vấn đề tâm lý như các bệnh rối loạn ăn uống, trầm cảm, và rối loạn chức năng tình dục.
Cái tinh thần thật sự phê phán quyền lực gia trưởng thì lại không được làm rõ trong phim.
Các nhân vật nam như Hùng, tuy bản chất là sử dụng phụ nữ như nô lệ, hiện lên trong phim khá “ngầu”: lạnh lùng, ít nói, biết kiềm chế khi thị uy, nhận được tình yêu của người vợ cả Hà trong quan hệ tình dục, và đặc biệt là không phải đối diện với bất cứ một sự phản kháng nào từ các nhân vật nữ.
Cái chất vừa hiền vừa dâm của Vợ ba gợi nhớ sự đanh thép hài hước “chém cha cái kiếp lấy chồng chung” của Hồ Xuân Hương và nhắc nhở rằng đối với người nghệ sĩ, ranh giới giữa phản biện và dung tục rất mong manh.
Nếu không cẩn thận thì sự phản biện chỉ là giả tạo và nghệ thuật chỉ đang lợi dụng các chủ đề có thật để tiếp tay cho sự bất công.
Sự dấn thân có cần thiết?
Trong Vợ ba, phải khen rằng Trà My diễn xuất tốt và rất có tiềm năng. Cái duyên của đạo diễn Nguyễn Phương Anh khi tìm được một diễn viên phù hợp, hay cái “may mắn” của Trà My khi được nhìn nhận là một điều đáng trân trọng.
Với vai diễn này, Trà My và mẹ em tự nguyện dấn thân. Trà My đóng phim dưới sự giám hộ của mẹ. Đoàn làm phim trong quá trình quay cũng sử dụng nhiều nhân sự nữ, và luôn ý thức đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý các diễn viên nhỏ tuổi.
Tuy nhiên, Vợ ba không phải là một công việc dễ đối với Trà My. Như đã trả lời phỏng vấn, phản ứng ban đầu của Trà My với những cảnh tình dục là “tởm”, không muốn đóng. Và cái khó nhất về chuyên môn là cảnh sinh con, khi em phải “thể hiện sự đau đớn quằn quại mà mình chưa trải qua bao giờ”.
Ở Việt Nam, Vợ ba không dành cho người dưới 18 tuổi. Rõ ràng về lý, Trà My không được phép xem bộ phim này, vì năm nay em mới 15 tuổi (còn khi đóng phim này em chưa bước sang tuổi 13). Nhưng trên thực tế, mới đây Trà My tiết lộ em đã xem bộ phim này 5 lần.
Bỗng dưng ta thấy có một thiếu sót trong luật thể hiện sự không nhất quán khi quy định ngưỡng tuổi: Nếu ta cấm trẻ em dưới 18 tuổi xem một bộ phim nào đó thì theo logic, ta cũng cần cấm trẻ em dưới 18 tuổi quay bộ phim ấy.
Trẻ em được phép đóng phim, nhưng mặt khác lại không được phép xem phim mình đóng?
Theo một báo cáo năm 2018 của Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) và Mạng lưới bảo vệ trẻ em toàn cầu ECPAT International, luật Việt Nam cấm sử dụng trẻ em dưới 16 tuổi cho các ấn phẩm khiêu dâm.
Thế nhưng, luật lại không định nghĩa cụ thể thế nào là khiêu dâm liên quan đến trẻ em.
Đây là một câu hỏi hoàn toàn chính đáng: Liệu những hình ảnh tái hiện trẻ em quan hệ tình dục với đàn ông lớn tuổi có góp phần kích thích các hành vi xâm phạm ngoài đời hay không?
Ở Việt Nam, vấn đề gây lo ngại hiện nay theo nghĩa nào đó còn nghiêm trọng hơn, vì ta không chỉ đang nói đến sự vật hóa và xâm hại phụ nữ, mà còn là trẻ em, đặc biệt là các bé gái.
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trong những năm gần đây ở Việt Nam có xu hướng gia tăng. Đó là chưa kể nhiều vụ xâm hại không được khai báo.
Vì Vợ ba phản biện xã hội nửa vời và với sự dấn thân không cần thiết của một nữ diễn viên 13 tuổi, ta không có lý do gì để biện minh cho nó trong bối cảnh nhiều người lo lắng về vấn nạn lạm dụng trẻ em mà phim ảnh có thể đã góp phần dung dưỡng, tiếp tay.
Theo Đỗ Thùy Linh/Zing