Tái hiện Ngày Toàn quốc kháng chiến bằng ngôn ngữ điện ảnh

Google News

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, chúng tôi tìm gặp đạo diễn Lê Lâm - người chiến sĩ của đội tự vệ năm xưa giờ đã gần chín mươi tuổi.

“Đô thành kháng chiến, sôi sục phố phường/Sông Hồng kia dâng sóng cùng quê hương/Lên đường kháng chiến tiêu diệt quân thù/Năm cửa ô reo bước quân ca vang”, mỗi khi nghe những ca từ trong bài hát “Sẽ về Thủ đô” của nhạc sĩ Huy Du vang lên thì ký ức về những năm tháng chiến đấu bảo vệ Hà Nội lại ùa về trong lòng những chiến sĩ đã từng sống, chiến đấu để bảo vệ Thủ đô.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946/19-12-2016), chúng tôi tìm gặp NSƯT, đạo diễn Lê Lâm - người chiến sĩ của đội tự vệ năm xưa giờ đã gần chín mươi tuổi để được nghe ông kể về những năm tháng tuổi trẻ, sống và chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Trong căn phòng nhỏ, ấm cúng của ông ở Khu tập thể Nam Đồng, quận Đống Đa (Hà Nội), hình ảnh từng góc phố, mỗi con đường của Thủ đô cách đây 70 năm lại hiện về trong tâm trí của người chiến sĩ có 45 năm trong quân ngũ.
Tai hien Ngay Toan quoc khang chien bang ngon ngu dien anh
Đạo diễn Lê Lâm. 
Chặng đường đầu tiên của chiến sĩ tự vệ Thổ Quan
Sinh ra và lớn lên tại làng Thổ Quan, gia nhập đội tự vệ khi mới 17 tuổi và chỉ hoạt động trong thời gian một năm tại đây nhưng đã giúp cho người thanh niên Hà Nội khi đó trưởng thành hơn, vững tin hơn trong chặng đường quân ngũ sau này.
Đạo diễn Lê Lâm coi đây là bước khởi đầu quan trọng và rất có ý nghĩa trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Sau Cách mạng tháng Tám, với lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, dân làng Thổ Quan rất quan tâm đến nhiệm vụ bảo vệ đất nước, xóm làng. Lớp thế hệ trẻ tuổi thì ham thích học tập quân sự, hăng hái tham gia tự vệ và mong ước được đi bộ đội. Hồi đó, số người tham gia tự vệ ở làng Thổ Quan rất đông, có những gia đình cả hai bố con, anh chị em ruột cùng tham gia đội tự vệ.
Tinh thần “nhà nhà vào tự vệ” đã ghi sâu trong tâm trí của chàng trai Lê Lâm hồi đó. Làng Thổ Quan khi ấy có một trung đội tự vệ chiến đấu gồm 3 tiểu đội nam và 1 tiểu đội nữ, quân số khoảng 50 người. Trung đội tự vệ Thổ Quan cùng với một số trung đội tự vệ các xã lân cận hợp thành một đại đội. Các chiến sĩ đội tự vệ khi đó ban ngày thì đi làm và đến tối thì tập trung tại đình Thổ Quan để học quân sự, cách sử dụng các loại vũ khí.
Để nâng cao trình độ mọi mặt và đáp ứng với tình hình chiến đấu thời đó, tự vệ Thổ Quan còn được tham gia diễn tập cùng với các đội tự vệ khác trên địa bàn toàn khu. Nhờ có các cuộc tập luyện thực tế ấy nên các chiến sĩ tự vệ bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc rất thuận lợi.
Tai hien Ngay Toan quoc khang chien bang ngon ngu dien anh-Hinh-2
 Đạo diễn Lê Lâm (thứ 4 từ trái qua) và đồng đội trong một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Tôi nhớ gần đến ngày nổ súng 19-12-1946, đội tự vệ Thổ Quan đã tập trung lực lượng cả ban ngày và làm nhiệm vụ theo lệnh của cấp trên. Công việc chủ yếu là chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, trong đó có những việc khẩn cấp như đắp ụ chiến đấu, đục lỗ châu mai, mở đường qua các tường nhà. Đúng ngày 19-12-1946, Trung đội được lệnh xuống Chùa Bộc, chiều tối lại di chuyển xuống Mọc Chính Kinh, gần khu vực pháo đài Láng. Chiều tối ngày 20-12-1946, chúng tôi được lệnh trở về làng Thổ Quan và làm nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chiến đấu bảo vệ phố Khâm Thiên. Sau trận chiến đấu ngày 30-12-1946, đội tự vệ Thổ Quan rút dần xuống Khương Thượng và chuyển sang là nhiệm vụ tiêu thổ kháng chiến, lập các chướng ngại vật ngăn chặn các cuộc tiến công của giặc Pháp”, đạo diễn Lê Lâm nhớ lại.
Thời gian này, đơn vị tự vệ của ông còn được giao nhiệm vụ trực chiến ở dãy nhà cạnh ngõ chùa Liên Hoa để bảo vệ trận địa giữa phố Khâm Thiên. Tại đây, tiểu đội của ông được bố trí xen kẽ với bộ đội, mỗi nhóm gồm 4 người (2 tự vệ và 2 bộ đội).
Sau gần 10 ngày căng thẳng chờ đợi, cụm chiến đấu ở đây đã nổ súng chặn đánh địch quyết liệt vào ngày 30-12-1946. Từ sáng sớm, quân địch đã bắn pháo dồn dập vào khu vực trận địa. Sau đó chúng dùng mũi tiến công bằng xe tăng, xe bọc thép và bộ binh đánh theo hai hướng Khâm Thiên và Hàng Bột nhằm khép chặt gọng kìm tại ngã tư Ô Chợ Dừa. Lực lượng của ta khi ấy dù vũ khí thô sơ, ít ỏi nhưng với ý chí “thà chết chứ không làm nô lệ” và lợi dụng địa hình có lợi, các chiến sĩ bộ đội và tự vệ đều dũng cảm kiên cường chiến đấu ngăn chặn địch. Bản thân chàng trai tự vệ Lê Lâm cũng nhiều lần nổ súng tiêu diệt địch.
Khí thế chiến đấu bảo vệ Thủ đô của quân và dân ta thời ấy hết sức sục sôi và vô cùng mạnh mẽ. Sát cánh với các chiến sĩ quân đội và tự vệ còn phải kể đến lực lượng những người cao tuổi, phụ nữ đã không quản ngại gian khổ, hy sinh để làm nhiệm vụ cấp dưỡng, cứu thương, phục vụ các đơn vị tham gia chiến đấu.
“Tôi nghĩ, chính tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” và “Toàn dân đoàn kết một lòng chung sức đánh giặc” ấy mà Hà Nội đã lập nên chiến công oanh liệt “60 ngày đêm lịch sử” mở đầu cho cuộc toàn quốc kháng chiến đầy cam go, thử thách”, đạo diễn Lê Lâm nhớ lại.
Mang tinh thần Toàn quốc kháng chiến vào phim
Ấn tượng khó phai về cuộc toàn quốc kháng chiến và những ngày trực tiếp cầm súng chiến đấu ở Hà Nội đã ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm trí người nghệ sĩ, chiến sĩ, đạo diễn Lê Lâm trong suốt cuộc đời quân ngũ. Vì thế, khi trở thành đạo diễn điện ảnh, được cấp trên giao nhiệm vụ làm bộ phim tài liệu, sử thi “Chặng đường tới Điện Biên”, đạo diễn Lê Lâm đã dồn hết tâm huyết và vốn sống của mình trong những ngày cầm súng chiến đấu ở Hà Nội và 8 năm kháng chiến tiếp theo ở Việt Bắc để thổi hồn vào bộ phim này. Hơn thế nữa, trong phim “Chặng đường tới Điện Biên”, đạo diễn Lê Lâm còn khắc sâu trong lòng người xem về thiện chí yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, tiêu biểu là Bác Hồ.
Tai hien Ngay Toan quoc khang chien bang ngon ngu dien anh-Hinh-3
 Đạo diễn Lê Lâm đang dàn dựng phim “Chặng đường tới Điện Biên”.
Trong giai đoạn đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Bác Hồ đã tìm mọi cách nhân nhượng đối phương, tránh thảm họa chiến tranh, gây đau thương, mất mát cho đồng bào. Nhưng với dã tâm xâm lược của kẻ thù, cuối cùng, quân và dân Việt Nam đã buộc phải cầm súng chiến đấu, cả nước đồng lòng bước vào vào trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc theo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-12-1946: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”.
Bộ phim đầy tâm huyết “Chặng đường tới Điện Biên” của đạo diễn Lê Lâm đã được đồng nghiệp, người xem trong và ngoài nước đánh giá cao. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5 tổ chức ở Hà Nội năm 1980, bộ phim đã đạt giải Bông sen Bạc.
>>> Xem trailer phim "Sống cùng lịch sử" (nguồn YouTube):
Theo Khánh Huyền/ Báo QĐND