Tại sao Trung Quốc không còn sao võ thuật kế cận?

Google News

Lớp diễn viên võ thuật Hoa ngữ thời nay gây thất vọng vì thiếu chất riêng, không quyết liệt với nghề như thế hệ đi trước.

Điện ảnh Hoa ngữ vài năm trở lại đây chứng kiến sự lên ngôi của thế hệ đả nữ mới là Vương Trí, Trương Lam Tâm, Mẫu Kỳ Di Nhã. Họ được đánh giá có khả năng thay thế Dương Tử Quỳnh hay Dương Lệ Thanh.

Nhưng đáng tiếc, vì nhiều nguyên nhân, họ trở nên "sớm nở tối tàn", con đường sự nghiệp không chạm tới kỳ vọng của khán giả.

Vương Trí sau khi kết hôn và sinh con, từ năm 2017, cô dần nói lời giã từ dòng phim võ thuật - hành động, Trương Lam Tâm - người được Thành Long o bế, ghi điểm với phim Biệt đội mãnh hổ hay Tẩu thoát ngoạn mục rồi mờ nhạt dần. Trong khi đó, Mẫu Kỳ Di Nhã chuyển sang dòng phim cổ trang sau nhiều thất bại...

Tai sao Trung Quoc khong con sao vo thuat ke can?

Vương Trí, Mẫu Kỳ Di Nhã không mặn mà với dòng phim võ thuật dù được đánh giá cao. Ảnh: Getty.

Theo SCMP, các ngôi sao theo đuổi thể loại phim võ thuật có khía cạnh, đặc điểm riêng để họ trở nên tuyệt vời hơn, nhưng là của thế hệ trước. Trong thời đại bây giờ, các ngôi sao võ thuật không nêu bật được chất khác biệt của mình.

Nhắc đến Vương Vũ, khán giả nghĩ ngay về ngôi sao được mệnh danh "Ông vua võ thuật thế hệ đầu" của làng phim Hoa ngữ hay "Độc tí đao vương" - phỏng theo nhân vật giỏi võ, bị mất một tay của ông trong phim cùng tên, Thành Long mang sự hài hước vào thể loại này, Lâm Thanh Hà với màn khóa môi đồng tính kinh điển với Vương Tổ Hiền, Khương Đại Vệ coi trọng thể thao hơn sức mạnh vũ phu...

Bài học khó từ các tên tuổi ngôi sao

Phim võ thuật tạo dựng tên tuổi và vị thế của điện ảnh Hoa ngữ trên thị trường châu lục. Điểm thu hút của dòng phim nằm ở tính chân thực trong từng phân cảnh giao đấu.

Trong cuốn sách Kung Fu: Cinema of Vengeance (1974), Khương Đại Vệ - "chàng đại hiệp" trên màn bạc Hong Kong thập niên 1970 - cho biết: "Khi đóng phim võ thuật, diễn viên phải biết cách siết tay, rồi tấn công vào đâu, điều khiển lực để phát huy tối đa sức mạnh của đòn đấm, nhưng vẫn không làm tổn thương đối phương".

Siêu sao võ thuật khẳng định nếu không nắm vững những kỹ năng chiến đấu, cảnh giao đấu hiện ra trên màn ảnh rất gượng gạo, thiếu chân thực.

Chia sẻ về quá trình khổ luyệt để đạt tới cảm giác mãn nhãn bằng các pha dụng võ, Khương Đại Vệ tâm sự: "Tôi đã xem rất nhiều phim kung fu từ lúc bắt đầu diễn xuất cho hãng Thiệu thị Huynh đệ. Tôi xem tác phẩm của Vương Vũ và các phim võ thuật khác của Đài Loan, nhưng tôi không cố học hỏi cho giống họ, tôi muốn mình trở nên khác biệt. Đừng làm theo người khác, đó là triết lý của tôi".

Tai sao Trung Quoc khong con sao vo thuat ke can?-Hinh-2

Hồng Kim Bảo thích pha trò hài hước dù trong các phim võ thuật. Ảnh: Pinterest.

Ở Hồng Kim Bảo, khán giả nhìn thấy những mảng miếng hài hước trong mỗi phân cảnh ông góp mặt. Đặc điểm này xuất phát từ tính cách của ngôi sao Hong Kong.

Hồng Kim Bảo chia sẻ trên Cinema AZN về lý do làm phim hài hành động: "Từ bé, tôi đã là chàng trai vui tính tại Trường Opera Trung Quốc. Tôi thích làm mọi người hạnh phúc. Ngày còn học, bất cứ khi nào bước lên sân khấu, tôi sẽ pha trò vui nhộn và mọi người sẽ cười. Vì vậy, đối với bộ phim võ thuật đầu tiên, tôi quyết định làm thể loại hài kung fu, có cả tiếng cười và hành động".

Trước khi Lý Tiểu Long gia nhập làng phim, Vương Vũ là sao võ thuật được trả cát-xê cao nhất. Ông ảnh hưởng phòng vé hàng đầu Hong Kong với các phim Giang hồ kỳ hiệp, Kim Yến Tử, Võ hiệp, Huyết trích tử, Thất hồn...

Nhưng nhắc Vương Vũ, khán giả vẫn ấn tượng nhất là hình ảnh võ sĩ bị mất một tay trong Độc tí đao vương. Ông chia sẻ về nhân vật biểu tượng: "Tôi từng tranh cãi với đạo diễn Trương Triệt. Tôi cho rằng bộ phim sẽ không thể ghi hình bởi tôi không thuận tay trái. Tôi nói, nếu không có cánh tay phải, tôi sẽ không thể chiến đấu".

Thời điểm ấy, Trương Triệt đã đưa ra lời khuyên khiến Vương Vũ thức tỉnh. Vị đạo diễn cho rằng Vương Vũ sẽ không mất đi kỹ năng võ thuật nếu mất cánh tay phải, và ông có thể dùng tay trái bằng cách học từ tay phải. "Nghe đến đó, tôi đã đồng ý", Vương Vũ nhớ lại.

Để hóa thân trọn vẹn vào nhân vật, ngôi sao gốc Đài Loan đã làm quen với tay trái trong mọi sinh hoạt hàng ngày, từ tắm rửa, cầm bát ăn cơm cho tới đi vệ sinh. Sau hai tuần, Vương Vũ đã có thể dùng tay trái thực hiện cảnh hành động.

"Mỗi khi quay đều coi đó là phim cuối cùng"

Được công nhận là một trong những diễn viên Trung Quốc xuất sắc của lịch sử, tên tuổi Củng Lợi đã vươn ra thế giới, lên hàng Hollywood - điều mà bất kỳ đàn em nào cũng phải khao khát. Dẫu vậy, Củng Lợi vẫn luôn khiêm tốn.

Trong sự nghiệp, Củng Lợi đã tham gia duy nhất bộ phim võ thuật mang tên Thiên Long Bát Bộ (1994). Minh tinh chia sẻ cơ duyên đóng phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung là trải nghiệm khó quên của cô.

"Nếu tôi học võ như Lý Liên Kiệt, có lẽ nhiều thứ đã thay đổi. Ví dụ những cú đá của tôi sẽ điệu nghệ và đẹp mắt hơn. Tôi có thể biến hóa nhiều phong cách khác nhau và tôi giỏi trong ngôn ngữ hình thể, đó là nhờ quá trình tập luyện khiêu vũ. Nhưng sẽ là thách thức nếu tôi phải thể hiện chính xác phong cách võ thuật cổ điển Trung Quốc", cô thổ lộ trên HK TV & Entertainment Times.

Nữ diễn viên cho rằng không đơn giản để gọi là "ngôi sao võ thuật Trung Quốc". Cô thừa nhận để chạm đến tầm cao đó, phải mất rất nhiều thời gian học hỏi và rèn luyện.

Trong Thiên Long Bát Bộ, Củng Lợi đóng vai một nữ võ sĩ. Củng Lợi cho rằng cô chỉ đang diễn cho ra chất kung fu một phần nào đó, chứ chưa phải là động tác võ thực thụ.

"Tuy chỉ diễn, tôi thỉnh thoảng vẫn bị thương trong quá trình làm việc trên dây và các cảnh đánh nhau. Nhưng tôi rất vui khi đóng phim này, vì đây là lần đầu tôi bén duyên với dạng vai như thế", cô nói.

Tai sao Trung Quoc khong con sao vo thuat ke can?-Hinh-3

Củng Lợi có những trải nghiệm đáng nhớ khi đóng phim võ thuật. Ảnh: Getty.

Nữ hoàng võ thuật Từ Phong của phim Hiệp nữ bộc bạch: "Mọi người đều biết tôi là ngôi sao võ thuật nhưng hầu như không biết võ thuật. Vậy 15 năm đóng phim võ thuật tôi đã thể hiện ra sao? Mỗi khi quay phim, tôi đều coi đó là phim cuối cùng, cơ hội cuối cùng để cố gắng hết mình. Sau đó, tôi có cơ hội làm phim thứ hai, thứ ba, thứ tư...".

Tuyết Ni, cựu diễn viên có lối diễn võ thuật Quảng Đông điêu luyện, trấn an bản thân không được sợ hãi trước các cảnh quay. Với người bản chất năng động như Tuyết Ni, bà cho rằng cứ nghĩ đơn giản thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ.

"Các diễn viên đóng thế đã quay những pha nhào lộn. Tôi không thể làm chuyện đó, nhưng tự mình thực hiện bước nhảy trên tấm bạt lò xo và cảnh hành động trên dây. Tôi cũng tự tin khi nhảy từ mái nhà xuống đất", Tuyết Ni nhớ lại.

Lâm Thanh Hà cũng vật lộn không kém với thể loại phim võ thuật. Và dĩ nhiên, kết quả được đền đáp xứng đáng bằng danh tiếng và cát-xê cao ngất ngưởng dành cho minh tinh.

Khi được hỏi về những cảnh nguy hiểm, Lâm Thanh Hà cho biết: "Có một phân đoạn trong Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại đó là tôi phải nhảy từ khoảng cách gần 5 tầng lầu xuống đất. Khi đó, chỉ có một sợi dây giữ tôi lại. Bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu dây bị đứt. Còn tôi thì không dám nghĩ nhiều".

Lâm Thanh Hà kể có hơn 5 người đàn ông kéo bà bằng sợi dây lúc quay. Bà mô tả cảnh đó thật sự khó xử, nhưng buộc phải làm vì đạo diễn yêu cầu.

"Lúc xem lại phim, tôi phải cố nhìn kỹ khuôn mặt mình ra sao trong cảnh liều mạng ấy. Tôi đã xem đi xem lại vài lần, nhưng cũng không thể thấy rõ vì tóc tôi đã che tất cả", Lâm Thanh Hà hồi tưởng.

Theo Quốc Minh/ Zingnews