Tâm sự cuộc đời của diễn viên xiếc

Google News

Dù là diễn xiếc với động vật hoang dã hay với động vật thuần như chó, mèo, lợn...thì với các diễn viên, vẫn còn trăm thứ phải lo và họ vẫn đang phải 'quẫy mình' để sống.

Một con thú bị bệnh, cả đoàn ‘thất nghiệp’

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Hoàn – Trưởng đoàn xiếc thú – Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, sân khấu xiếc phải có đủ 2 phần: Xiếc người – xiếc thú. Thú vừa là tài sản, vừa là nghệ sĩ biểu diễn vô cùng quan trọng. Một khi đã đi vào huấn luyện thú không có lý do gì để được nghỉ. Đời nghệ thuật của thú cũng đòi hỏi sự tập luyện không ngừng, bỏ lơ vài hôm không tập, thú có thể quên ngay dù tuổi diễn bình quân của voi, khỉ, gấu,.. từ 10-20 năm. Thế nên, đợt dịch vừa qua, các nghệ sĩ xiếc thú vẫn phải miệt mài chăm sóc, tập luyện cho chúng.

Tam su cuoc doi cua dien vien xiec

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Hoàn – Trưởng đoàn xiếc thú – Liên đoàn Xiếc Việt Nam.


Và càng dịch dã, chế độ chăm sóc và đầu tư cho xiếc thú lại càng cao. Kể cả khi chỗ ở của diễn viên còn chưa được tươm tất thì đoàn vẫn phải đảm bảo cho từng con thú, bởi nếu chúng bị bệnh, cả đoàn coi như ‘thất nghiệp’ và còn không đủ tiền để mua chúng vì lương của nghệ sĩ chỉ từ 3 triệu đồng.

Nguy hiểm là một phần nghề nghiệp

Ai cũng phải thừa nhận, biểu diễn xiếc là một trong những nghề nguy hiểm. Trong đó, xiếc thú càng đặc biệt nguy hiểm bởi người nghệ sĩ nhiều khi không thể kiểm soát được bạn diễn của mình. Dù thuần tới mấy, biểu diễn hàng vài chục năm cùng các nghệ sĩ nhưng khi mang đi môi trường hoặc có ánh sáng lạ, hoặc đang biểu diễn mất điện khiến con thú giật mình thì nguy hiểm thực sự khôn lường với các nghệ sĩ huấn luyện.

Tam su cuoc doi cua dien vien xiec-Hinh-2

Xiếc thú càng nguy hiểm càng thu hút sự tò mò của người xem.

NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ, nếu đếm số lần nguy hiểm đến tính mạng trong suốt cả một đời làm nghề thì nhiều lắm, nhưng nếu sơ sơ cũng trên chục lần anh suýt chết vì bị chính những chú trăn mình thuần dưỡng bấy lâu nay cuốn chặt đến nỗi bị ngạt thở, người đổ gục xuống. Những chú trăn dù đã được anh hằng ngày vuốt ve, nuôi dưỡng và chăm sóc nhưng những lúc bản năng của chúng trỗi dậy là khi người nuôi thú gặp phải những hiểm nguy khôn lường.

Lúc Tống Toàn Thắng bị trăn quấn vào cổ, anh đã bắt đầu co giật vì ngạt và chỉ còn mơ hồ nghe tiếng hô hoán của đồng nghiệp đang xông vào cứu. Lần đó anh biểu diễn tại Việt Nam. Còn lần đi biểu diễn tại sân vận động ở Thái Lan, có hàng chục nghìn khán giả xem kín rạp. Phần mở đầu, phần thứ hai anh đã hoàn thành một cách xuất sắc, đã mời khán giả lên để ngắm và sờ vào những chú trăn yêu của mình. Nhưng gần kết thúc, anh bị con trăn cắn "ngập răng" nhưng vẫn cố diễn nốt vì chỉ còn vài phút là hạ màn. Vào cánh gà, anh phải vuốt ve mãi chú trăn mới chịu tha cho. 

Clip NSND Tống Toàn Thắng biểu diễn với trăn:

Gần đây, xiếc thú ở Việt Nam chỉ còn những tiết mục biểu diễn với các loài thú như khỉ, gấu, ngựa, voi, trăn... chứ không còn xiếc sư tử, hổ, báo. Nhiều diễn viên bị trăn cắn, gấu tát, khỉ cào, ngã ngựa... nhưng rồi vẫn tận tụy bên con vật, không ít người dấn thân, ăn ngủ cùng sư tử, hổ, voi, báo, gấu. 

“Diễn viên xiếc thú luôn chuẩn bị tinh thần đối mặt với hiểm nghèo, họ có thể bị văng ra khỏi sân khấu bất cứ lúc nào, mức độ nặng nhẹ là do phản xạ của từng người. Với xiếc thú, có yếu tố nguy hiểm người xem mới phấn khích nên diễn viên phải xem hiểm nguy là một phần nghề nghiệp của mình. Và mức độ rủi ro của xiếc thú và xiếc người là như nhau. Diễn viên xiếc là người mà bộ sưu tập sẹo có lẽ hơn bất cứ ngành nghề nào”, nghệ sĩ Bùi Kim Cương chia sẻ. 

Vài năm trở lại đây xuất hiện làn sóng bảo vệ quyền của các loài động vật. Nhìn chung, duy trì hay xóa sổ nghệ thuật xiếc thú vẫn đang là vấn đề tranh cãi nóng bỏng giữa các tổ chức bảo vệ động vật và phe đối lập. Tất nhiên, những nghệ sĩ xiếc thú cũng cảm thấy chênh vênh. Bởi, đặc thù nghề xiếc, càng chinh phục, càng thuần được những con thú vốn dữ dằn, to khoẻ thì tiết mục đó càng được thu hút.

'Quẫy mình' còn hơn 'chết lâm sàng'

Tam su cuoc doi cua dien vien xiec-Hinh-3

Dù là diễn xiếc với động vật hoang dã hay với động vật thuần như chó, mèo, lợn... thì với các diễn viên, vẫn còn trăm thứ phải lo. 

Chênh vênh nhưng vẫn phải “quẫy mình” còn hơn là “chết lâm sàng”. Liên đoàn Xiếc Việt Nam hiện nay cũng đã có các tiết mục như xiếc trâu, xiếc lạc đà, xiếc dê, xiếc lợn và sắp tới sẽ xây dựng xiếc ngỗng. Sử dụng và huấn luyện các con vật của nhà nông sẽ giúp chúng các nghệ sĩ xây dựng đầu tư các tiết mục gắn liền với nghệ thuật dân gian truyền thống, ví như con trâu sẽ được huấn luyện những trò diễn dân gian, tái hiện cảnh lao động sản xuất bằng ngôn ngữ xiếc...

Thế nhưng để chinh phục những động vật này cũng không phải đơn giản và bớt được gánh nặng đầu tư công sức và tiền của cho những người làm nghề. Trước đây, Liên đoàn xiếc Việt Nam có 2 đàn lợn được nuôi dạy, huấn luyện để đưa vào biểu diễn. Cả năm trời, các nghệ sĩ lăn lộn tập luyện không ngừng nghỉ.

Những chú lợn như là một phần cuộc sống hàng ngày của các nghệ sĩ vậy mà khi có dịch tả lợn châu Phi, một con trong đàn đột nhiên chết, lo sợ dịch bệnh lây lan sẽ ảnh hưởng tới các con thú khác nên Liên đoàn Xiếc Việt Nam đành phải thanh lý cả đàn. Thế là công sức của các nghệ sĩ, tiền đầu tư chăm sóc đổ xuống sông xuống bể. Tiết mục bị ‘gãy’, nghệ sĩ chênh vênh vì không có bạn diễn, tinh thần đi xuống cũng là điều dễ hiểu.

Theo Tình Lê /Vietnamnet