Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, tại hội nghị ý kiến về dự thảo nghị định mới diễn ra ngày 22/6 sắp tới, Cục sẽ lấy ý kiến từ các tổ chức, cá nhân liên quan về việc bỏ thi bikini tại các cuộc thi nhan sắc. Vấn đề này đang tạo nên những luồng ý kiến trái chiều trong dư luận.
Không phải cứ hở là xấu
Bình luận về vấn đề này, PGS.TS – chuyên gia văn hóa Vũ Gia Hiền cho rằng, nếu như không có phần trình diễn bikini tại các cuộc thi hoa hậu thì nó bảo vệ nghệ thuật kín đáo nhưng thi hoa hậu cần cả đẹp bên trong lẫn đẹp bên ngoài, nếu như bỏ phần thi này thay bằng các trang phục khác thì dường như nó không còn là thi hoa hậu nữa.
|
Bikini đã trở thành một phần trình diễn quen thuộc trong các cuộc thi sắc đẹp. |
Không ai nhìn được vòng eo thông qua bộ quần áo, mà tiêu chuẩn của hoa hậu phải rất rõ ràng về kích thước cơ thể. “Đề xuất này cho thấy chúng ta đang nhìn xã hội ở chỗ cực đoan về mặt con người, cho rằng cứ hở là xấu nhưng không phải lúc nào hở cũng là xấu” – chuyên gia văn hóa Vũ Gia Hiền nói.
PGS.TS Vũ Gia Hiền cũng cho rằng, tiêu chuẩn về hoa hậu trên thế giới đã được xây dựng từ lâu, nếu như bây giờ bỏ đi phần thi bikini thì chúng ta phải xây dựng nên những chuẩn khác và phải chứng minh được những chuẩn mới này phù hợp với một cuộc thi hoa hậu. Nếu như không xây dựng được những chuẩn khác phù hợp mà lại bỏ đi phần thi áo tắm là cảm tính.
Thi bikini hạ thấp nhân phẩm phụ nữ
Ở một góc độ khác, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đồng tình với việc bỏ phần thi áo tắm trong các cuộc thi hoa hậu, bà cho rằng, trong một chừng mực nào đó, phần thi này hạ thấp nhân phẩm của người phụ nữ.
“Nó gợi lại cho tôi những tàn tích xa xưa của việc mua bán nô lệ, để hàng nghìn người soi mói, đánh giá những đường nét trên cơ thể của họ như thế rất phản cảm. Có nhiều cách để đánh giá vẻ đẹp của người phụ nữ, không nhất thiết phải thông qua phần thi áo tắm như vậy” – bà Hồng khẳng định.
Bỏ đi phần thi này có nghĩa sẽ thay đổi bản chất của cuộc thi hoa hậu, những giá trị khác của người phụ nữ sẽ được đề cao lên như trí tuệ, tính cách hay tài năng, trách nhiệm với cộng đồng.
Bà Hồng cho rằng, trong một cuộc thi hoa hậu thì vẻ đẹp hình thức cũng quan trọng nhưng có nhiều cách để đánh giá vẻ đẹp này thay vì màn trình diễn áo tắm phản cảm trước công chúng.
Bà Hồng đề xuất, để đánh giá vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ thì nên có một ban giám khảo riêng. Người ta có thể đo kích thước cơ thể hay đánh giá vẻ đẹp của gương mặt thí sinh tham dự nhưng những phần này không nên diễn ra trước mặt công chúng, không nên đưa lên truyền hình chiếu khắp nơi như lâu nay chúng ta vẫn làm.
Trước đó, ngày 5/6, Ban tổ chức Hoa hậu Mỹ bất ngờ tuyên bố bỏ phần thi áo tắm. Quyết định này được đưa ra nhằm thể hiện sự ủng hộ phong trào #Metoo đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới (phong trào chống quấy rối tình dục).
Theo Hạ Nguyên/Lao động