Trao đổi với VietNamNet, NSND Trịnh Kim Chi cho biết ngày 10/4 có một bài đăng trên Facebook với nội dung kêu gọi quyên góp cho người đã mất.
Cụ thể, tài khoản này viết: "Một người mất có hoàn cảnh khó khăn nên đưa vào Chùa Nghệ sĩ tại Gò Vấp. Sau đó, muốn đưa xác đi thì nhà chùa không cho mang ra và đòi phí mai táng là 32 triệu đồng…".
|
NSND Trịnh Kim Chi phủ nhận tin Chùa Nghệ sĩ đòi phí mai táng. |
Theo NSND Trịnh Kim Chi, đây là thông tin sai sự thật. Chị quyết định lên tiếng trên trang cá nhân để thay mặt Chùa Nghệ sĩ đính chính, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chùa.
"Trước nay chùa không nhận mai táng bất cứ đám tang nào bên ngoài. Trừ trường hợp nghệ sĩ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, nhà chùa sẽ lo hậu sự nhưng cũng hoàn toàn miễn phí. Chi phí lễ tang được Ban Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM chi trả theo quy định", nghệ sĩ Trịnh Kim Chi nói.
NSND Trịnh Kim Chi cũng liên hệ trực tiếp với người đăng bài viết nhưng không nhận được phản hồi. Nữ nghệ sĩ tiếp tục liên hệ chủ tài khoản nhận quyên góp trong bài đăng thì chỉ được trả lời qua loa. Khi chị bình luận trực tiếp vào bài viết, người này liền ẩn nội dung.
NSND Trịnh Kim Chi cho biết, tài khoản đăng bài hiện đã nhận lỗi vì đưa thông tin sai lệch khi chưa kiểm chứng.
|
Bên trong khuôn viên Chùa Nghệ sĩ. |
Chùa Nghệ sĩ còn có tên Nhựt Quang Tự hay Phật Quang Tự. Năm 1958, nghệ sĩ cải lương Phùng Há vận động Hội Ái hữu nghệ sĩ mua mảnh đất lớn tại quận Gò Vấp với mục đích làm nơi chôn cất cho các nghệ sĩ sau khi qua đời.
Do kinh phí hạn hẹp, đất bị bỏ không gần 10 năm. Trong thời gian nghệ sĩ Phùng Há chưa có đủ kinh phí để xây dựng, ông bầu Năm Công xin được dựng am trên đất để tu hành. Năm 1970, ông bầu Xuân của gánh hát Dạ Lý Hương bỏ ra 100 cây vàng mua lại am thờ của bầu Năm Công và xây dựng thành ngôi chùa.
Ngoài 988 hũ cốt và 353 ngôi mộ, nơi này còn cưu mang những người với thân phận khác nhau hàng chục năm trời. Hiện có 9 người làm công quả, trong đó 4 người sống nương nhờ tại đây.
Theo Tuấn Chiêu/ Vietnamnet