Trang phục, hành vi chưa phù hợp
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng được mời lên làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM về trang phục biểu diễn tại đêm nhạc chủ đề Ngày em thắp sao trời diễn ra tối 4/5. Anh xuất hiện trong trang phục giống quân phục, có biểu tượng giống một loại huy chương được lưu hành trước năm 1975... Đàm Vĩnh Hưng đã giải thích, xin lỗi về sự cố trang phục nhưng công chúng không nguôi giận.
Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM vào cuộc, kết quả thẩm định cho thấy, trang phục cách điệu theo phong cách quân đội nước ngoài, phụ kiện huân, huy chương của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không phù hợp chương trình, không phù hợp với giá trị văn hóa Việt Nam, dễ liên tưởng đến các vấn đề nhạy cảm về chính trị, gây phản cảm, tạo dư luận xấu.
Năm 2022, đơn vị tổ chức đêm nhạc SpaceSpeaker live concert - The Kosmik bị phạt 110 triệu đồng, đình chỉ hoạt động tổ chức biểu diễn trong 18 tháng vì tổ chức biểu diễn nghệ thuật không đúng nội dung ghi trong văn bản chấp thuận; sử dụng trang phục, âm thanh, từ ngữ, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn trái với thuần phong mỹ tục. Trước đó, nhiều ca sĩ phải nộp phạt khi ăn mặc quá “thiếu vải” trên sân khấu như Angela Phương Trinh, Hương Tràm, ca sĩ Thu Minh, Minh Hằng...
Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết, sẽ đề xuất cấp thẩm quyền xử lý phù hợp đối với trường hợp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Gần đây, một số ca sĩ thực hiện quay hình MV các ca khúc bolero cũng gây chú ý khi diện trang phục “lạ” với bối cảnh quay hình có xe tăng, cảnh thời chiến... Đại diện phòng Nghệ thuật Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết, đã trao đổi với các cơ quan liên quan nhằm xác định việc sử dụng trang phục có phù hợp hay không, các ca khúc thể hiện đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hay chưa.
Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, nghệ sĩ sử dụng trang phục không đúng, không phù hợp có thể gây phản cảm, thậm chí vi phạm các quy định về nghệ thuật biểu diễn.
|
Ca sĩ Ngọc Mai và Đàm Vĩnh Hưng gây tranh luận ồn ào vì hình ảnh lạ trên trang phục và bối cảnh
|
Tối 27/5, ca sĩ Ngọc Mai và NSƯT Quốc Nghiệp gây xôn xao khi xuất hiện trong video có hình ảnh nhạy cảm tại nước ngoài. Dù lên tiếng giải thích và cho rằng do không để ý xung quanh, không kiểm soát những chi tiết lọt vào khung hình nhưng Quốc Nghiệp, Ngọc Mai vẫn bị chỉ trích gay gắt.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang xác minh vụ việc này.
Nóng lại chuyện nhận thức của nghệ sĩ
GS.TS Bùi Quang Thanh (Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Phát triển văn hóa dân tộc) cho rằng, trang phục nhạy cảm, không phù hợp có thể coi là biểu hiện của sự kệch cỡm, thiếu văn hóa, không nên hiện diện trước truyền thông đại chúng. “Từ những ồn ào về trang phục, cách ứng xử của nghệ sĩ, cơ quan chức năng cần xây dựng quy chế, chế tài để bảo vệ thuần phong mỹ tục, định hướng thẩm mỹ với nghệ sĩ. Nên có những nghiên cứu và dự báo xu hướng vận động của thực tiễn để xây dựng chính sách, thay vì chạy theo chữa cháy”, GS.TS Bùi Quang Thanh nói.
Trách nhiệm nêu gương
NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng, khi lên sân khấu biểu diễn nghệ sĩ cần chuẩn bị kỹ lưỡng về trang phục để phù hợp với nội dung bài hát, tác phẩm. Đây không chỉ là trách nhiệm của nghệ sĩ mà còn là trách nhiệm của đơn vị tổ chức. Nghệ sĩ mong muốn trở nên nổi bật nên không ngại tìm tòi, trải nghiệm cái mới; tuy nhiên không thể chạy theo xu hướng mà bỏ qua những giá trị cốt lõi là mang lại những giá trị tích cực cho công chúng.
TS. Phạm Việt Long, nguyên Chánh văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) khẳng định, sự gia tăng của các vụ vi phạm gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự suy giảm nghiêm trọng trong chất lượng hoạt động nghệ thuật và sự hỗn loạn trong tổ chức biểu diễn. “Sự việc của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy tắc ứng xử, không chỉ để bảo vệ nghệ sĩ mà còn để gìn giữ giá trị văn hóa và đạo đức xã hội”, TS. Phạm Việt Long nêu.
Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định cấm hoạt động nghệ thuật biểu diễn sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội. Nghệ sĩ sẽ bị phạt tiền nếu mặc trang phục, trang điểm, hóa trang không đúng theo quy định hoặc tự tiện thay đổi trang phục được duyệt.
|
Nhiều nghệ sĩ bị phạt vì trang phục biểu diễn không phù hợp với thuần phong mỹ tục. |
|
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn không có dấu hiệu giảm xuống. Nhiều người cho rằng, với các đơn vị tổ chức hay cá nhân, việc phạt tiền chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, nếu phạt tiền kèm theo hình phạt bổ sung như cấm diễn, cấm tổ chức trong thời gian dài sẽ khiến đơn vị tổ chức, nghệ sĩ ý thức sâu sắc hơn về việc này.
“Để giải quyết những vấn đề về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng, cơ quan quản lý văn hóa. Việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các nghệ sĩ, nhà sáng tạo, cũng như công chúng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa là hết sức quan trọng”, TS. Phạm Việt Long nói.
Theo Gia Linh - Ngọc Ánh/Tiền Phong