Bộ phim "Giao mùa" được phát sóng ngay sau khi phim “Sống chung với mẹ chồng” kết thúc trên VTV1 vào khung giờ vàng từ thứ 4 đến thứ 6 hàng tuần. Dù chưa tạo được sự xôn xao, bàn tán trong cộng đồng mạng như "Sống chung với mẹ chồng" nhưng "Giao mùa" là bộ phim mang nội dung, thông điệp rất rõ ràng về thế hệ trẻ, lứa thanh niên khao khát lập nghiệp và khẳng định mình trên chính quê hương của mình.
|
Một cảnh trong bộ phim "Giao mùa". |
Phim có sự tham gia của các diễn viên như: NSND Lan Hương; NSUT Thanh Quý, NSUT Tiến Đạt, các nghệ sỹ Lê Mai, Thanh Chi, Minh Phương, Phú Thăng; Huyền Lizze, Công Dũng… và đạo diễn bộ phim là Trần Hoài Sơn, người trước đó đã tạo sức hút với khán giả truyền hình qua bộ phim “Vệt nắng cuối trời”.
Đạo diễn Trần Hoài Sơn đã chia sẻ xung quanh bộ phim và những vấn đề bếp núc khi làm phim với PV.
|
Đạo diễn Trần Hoài Sơn và NSND Lan Hương trong buổi họp báo ra mắt phim. |
Khó khăn của anh khi làm một bộ phim mang màu sắc Hà Nội như "Giao mùa" là gì, anh có thể chia sẻ?
- Cái khó khăn nhất là hiện nay xã hội đi nhanh quá, mà không gian của bộ phim rất chậm. Từ những buôn bán nhỏ, những nề nếp nhỏ khiến tôi chọn bối cảnh khó khăn hơn vì thay đổi quá nhiều.
Nếp không khí của người xưa tìm ở hiện tại rất là khó. Những quán xá, cửa hàng, thậm chí phương thức bán hàng của ngày hôm nay nó khác với ngày xưa. Bây giờ họ làm cả cái gói xong rồi bán, ngày xưa là nó có dấu ấn của từng cá nhân trong từng sản phẩm.
Nhận xét một cách công bằng, những nét đặc trưng về Hà Nội vẫn chưa toát lên, chưa được đặc tả trong phim "Giao mùa". Nếu để khán giả xem thì chỉ cần những nét văn hóa nhỏ hoặc những chi tiết thì họ sẽ “À, đây là phim về người Hà Nội, cuộc sống của người Hà Nội”. Anh có thể lý giải thêm về điều này?
- Khi làm phim tôi không hướng đến việc đặc tả “đâu là người Hà Nội” “thế nào là người Hà Nội” mà thông điệp của bộ phim là “đây là vùng đất tập trung tinh hoa của cả nước”. Trước đây mọi người nói đến Hà Nội là nói đến những người được sinh ra ở đây, nhưng phim Giao mùa hướng đến một câu chuyện khác. Đấy là “vùng đất này là khát vọng của những người trẻ cả nước, họ về đây làm việc. Những người tạo nên giá trị, vẻ đẹp cho vùng đất này sẽ là người Hà Nội.
Có câu chuyện nào của cá nhân anh, của người thân anh xuất hiện trong bộ phim này?
- Một bộ phim lồng ghép rất nhiều những câu chuyện nhỏ, bản thân tôi có những câu chuyện ở đấy. Nhưng để nói về câu chuyện của cá nhân thì lớn nhất là câu chuyện của bác Thanh Bình – tác giả kịch bản. Bác ấy viết câu chuyện này hơn mười mấy năm, bác kể lại mọi thứ, mọi người sống cuộc sống quanh bác và rất buồn khi phải nói tác giả kịch bản nay đã không còn.
Gia đình nhà ông Đạt, bà Hạnh, cậu Trung có 50% là chuyện gia đình nhà bác ấy. Chuyện nhà bà Sương là chuyện có thật, chuyện của những người mà bác ấy biết. Nên để nói về chất liệu cuộc sống thì công rất lớn là của tác giả kịch bản. Ngoài ra câu chuyện của tôi hay những người khác trong ê kíp chỉ là mỗi người góp sức vào một góc độ, góp những câu chuyện nhỏ của mình.
"Giao mùa" đến nay đã chiếu hơn 10 tập, nhưng có vẻ như im ắng, không giống với bộ phim “Sống chung với mẹ chồng”. Fanpage trang phim của “Giao mùa” gần như không có sự tương tác của khán giả, theo anh vì sao lại vậy?
- Có lẽ câu chuyện “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” đều là một cách làm rất là mới của truyền thông, thể hiện câu chuyện nằm ngoài nội dung của bộ phim, đấy là công việc của nhà sản xuất. Việc VFC làm truyền thông cho hai bộ phim đó là điều rất là đáng học. Trước hai bộ phim đó thì phim của VFC cũng không làm truyền thông nhiều và phim của xã hội hóa cũng vậy.
Điều này nằm ngoài câu chuyện của đạo diễn, đó là câu chuyện của nhà sản xuất. Một điểm về lý do khách quan là sự bội thực gameshow, khán giả đã quá chán với những format (khung) biết trước. Sự giải trí trên truyền hình, gameshow không có gì mới. Phim ảnh có những câu chuyện mới, những câu chuyện gần gũi với cuộc sống thì khán giả sẽ quay lại.
Bộ phim đã chiếu được hơn 10 tập, nhìn lại dàn diễn viên trong bộ phim "Giao mùa" anh có hài lòng?
- Làm xong rồi thì bây giờ không thể nói là không hài lòng. Nếu nói không hài lòng thì sẽ tổn thương một số người. Bản chất của bọn tôi làm phim cũng giống như đội bóng đi mua cầu thủ, không phải lúc nào cũng được cái mà mình muốn. Cảm giác hài lòng hay không hài lòng phải chấm dứt ngay khi bắt đầu bấm máy. Đến khi bấm máy rồi thì công việc của người đạo diễn là để ê kíp phát huy hết khả năng của mình. Giống như người đầu bếp, họ phải chế biến thức ăn trong những nguyên liệu mình có, chứ không phải chế biến theo những gì mình muốn. Cơ bản, tổng thể thì tất cả diễn viên, ê kíp đã rất cố gắng để ra được bộ phim.
Sau những vụ lùm xùm về các diễn viên “thả thính” bạn diễn. Anh là đạo diễn của rất nhiều phim, đã nghe đồn hay có khi nào phải giải quyết những việc như vậy chưa?
- Tôi không gặp trường hợp nào trong quá trình làm việc. Bởi tôi làm phim quan điểm rằng mỗi một bộ phim là project (dự án), mỗi project đấy có một nguyên tắc. Nguyên tắc ở đây là ngay từ đầu đã đặt ra với nhau, nó như hợp đồng, khi chúng ta làm việc phải đáp ứng được những yêu cầu để phục vụ cho bộ phim, còn cái gì là cái riêng thì mọi người phải tuân thủ.
Đó chỉ là những chuẩn mực xã hội thôi, chưa bao giờ có chuyện đạo diễn phải tham gia can thiệp vào chuyện thả thính hay chuyện tình cảm của nam diễn viên chính, nữ diễn viên chính. Công việc và trách nhiệm của đạo diễn là làm thế nào để cho bộ phim hay, tốt lên, chứ không phải đi giải quyết những việc thuộc phạm trù cá nhân, riêng tư. Vì mình không phải bố mẹ họ và họ cũng trên 18 tuổi rồi.
Thế nhưng được biết một số đạo diễn đưa ra nguyên tắc ngầm “nam – nữ diễn viên chính không được phép có tình cảm và để ảnh hưởng đến ê kíp làm phim”. Ý kiến của anh như thế nào?
- Về lý mà nói chúng ta vẫn là một tổ chức xã hội, đấy là vi phạm hiến pháp. Nếu là họ là trai chưa vợ, gái chưa chồng thì sao mà cấm được. Đoàn phim cũng giống như một tập thể xã hội, việc đầu tiên là phải tuân thủ pháp luật. Nói như vậy vẫn là theo quan niệm gia đình chứ không phải theo một tổ chức xã hội.
Bản thân tôi thì chưa bao giờ gặp chuyện đó. Và kinh nghiệm để không gặp chuyện ấy vì khi bắt đầu làm một bộ phim sẽ có rất nhiều những thỏa thuận và quy định dựa trên cở sở có lợi cho tất cả: diễn viên cũng như ê kíp.
Để duy trì đoàn phim thì kinh nghiệm của tôi là nói với họ: “Diễn viên là linh hồn của bộ phim, tập thể đoàn làm phim là xương sống của bộ phim”. Xương sống là vì sao, nay người này đến mai người kia đi, tập thể đoàn làm phim phải duy trì được không khí làm việc tích cực. Khi diễn viên diễn không ai nói một câu nào, không ai làm gì hết. Xương sống phải làm cho diễn viên cảm thấy thoải mái, tự tin khi làm việc cùng và ngược lại diễn viên cũng phải hành xử phù hợp với tập thể đó.
Có thể đạo diễn già hơn 60 tuổi, nhất là các cụ trưởng thành từ diễn viên thì các cụ hay có cách là người thợ cả, coi mọi người như con và áp đặt, biến mọi chuyện thành gia đình. Trong khi những đạo diễn trẻ như chúng tôi sẽ có cách hành xử khác. Cụ thể chúng tôi sẽ xử theo luật, làm việc với nhau vẫn trên nguyên tắc.
Nếu tôi nói với hai bạn diễn viên trẻ “Hai người không được yêu nhau nhé”, họ sẽ bảo “Ông điên à? Ông vi phạm pháp luật” vì đôi khi mình còn ít tuổi hơn họ. Nhưng với đạo diễn lớn tuổi thì có thể nói được, vì mọi người coi ông ấy như bố. Nên mọi việc cứ xử theo luật, cứ luật mà chơi.
Cám ơn anh!
Theo Thanh Hà - Nguyễn Nhung/Dân Việt