Những con số ấn tượng
Trong lễ tổng kết tình hình hoạt động năm 2016 tại TPHCM, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phía Nam đã công bố tổng số tiền tác quyền thu được năm qua đạt hơn 52,1 tỉ đồng, tăng 17% so với năm 2015. Trong đó, số tiền sử dụng quyền tác giả thu được từ các tỉnh với tổng số 996 đơn vị là hơn 4,2 tỉ đồng, tăng 18% so với năm ngoái. Số tiền chi trả cho tác giả là 34,8 tỉ đồng. Số tiền còn lại sẽ tiếp tục được Trung tâm rà soát và phân phối vào các quý tiếp theo của năm nay.
Hiện nay, tổng doanh thu từ karaoke phòng, phòng thu âm và karaoke file midi, các website, ứng dụng nhạc cao nhất, trong khi thu từ lĩnh vực biểu diễn rất thấp. Số lượng thành viên ủy quyền tại chi nhánh phía Nam riêng trong năm 2016 là 159 tác giả. Tính đến nay, tổng số thành viên đã ủy quyền tại đây là 2.326 tác giả trên tổng số thành viên của VCPMC cả nước là 3.550 tác giả, bao gồm trong nước và hải ngoại.
|
Chương trình biểu diễn của Khánh Ly tại TPHCM vẫn “treo” tác quyền. Ảnh: TL. |
Ngoài các website nhạc lớn như zing.mp3.vn, nhaccuatui.com, nhacso.net…, hai website lớn như guvera.vn, YouTube đã tiến hành ký hợp đồng và trả tiền sử dụng quyền tác giả. Đối với lĩnh vực ứng dụng nghe nhạc trên thiết bị thông minh, Trung tâm đang tiếp tục rà soát các app trên hệ điều hành Android, IOS, lên kế hoạch để yêu cầu các đơn vị này trả tiền sử dụng nhạc, đồng thời đề nghị Google, Apple gỡ bỏ các ứng dụng không thực hiện quyền tác giả hoặc các ứng dụng không xác định được chủ sở hữu.
Năm 2016 là năm Trung tâm tiếp tục gặp khó khăn từ các đơn vị truyền hình trả tiền, do chưa thống nhất được phương án cụ thể và mức nhuận bút. Sau quá trình đàm phán, thảo luận với các đài thuộc lĩnh vực truyền hình cáp, kỹ thuật số và vệ tinh, cùng sự tham gia của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, Trung tâm đang tiến hành đàm phán để thống nhất mức tiền sử dụng quyền tác giả, dự kiến ký kết trong năm 2017.
Vẫn còn nhiều đơn vị lách luật
Cũng trong năm 2016, VCPMC đã đứng ra giải quyết thành công nhiều trường hợp vi phạm bản quyền, như: Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đề nghị gỡ bỏ 1 video trên YouTube do sử dụng bài hát “Oẳn tù tì” khi chưa có sự cho phép của ông; nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị gỡ bỏ clip quảng cáo vi phạm bản quyền bài hát “Xúc xắc xúc xẻ”; nhạc sĩ Lương Bằng Quang đề nghị VietJet bồi thường vì sử dụng tác phẩm “Tung bay” của anh trong video quảng cáo và đề nghị nhóm “Mặt trời đỏ” xin lỗi tác giả vì sử dụng “Dáng tiên xuân ngời” không xin phép. Tác giả Chu Công Cương đề nghị gỡ bỏ 4 video vi phạm trên YouTube sử dụng tác phẩm “Biển đảo Tổ quốc em”.
Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, sắp tới Trung tâm sẽ tiến hành khởi kiện 5 đơn vị cố tình tránh né, không thực hiện nghĩa vụ tác quyền. Đó là các đơn vị tổ chức chương trình Độc và Đẹp 52, chương trình Yan BeatFest... và liveshow Khánh Ly (diễn ra ngày 2.12.2016 tại SVĐ Quân khu 7, TPHCM) cùng Công ty Phong Việt và Công ty TNHH Cổng ý tưởng.
Theo ông Cẩn, các đơn vị, cá nhân này đã lợi dụng mẫu “đơn cam kết số 14” khi đăng ký tổ chức biểu diễn, phát hành băng đĩa nhạc để né tránh việc xin phép, trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả. Hiện Trung tâm đang gửi văn bản đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trên cả nước khi tiếp nhận hồ sơ cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật cũng như cấp phép ghi âm, ghi hình, cần yêu cầu “hợp đồng sử dụng quyền tác giả âm nhạc”. Sự chuyển biến tích cực trên sẽ góp phần đưa các quy định pháp luật về quyền tác giả phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi, đáp ứng nguyện vọng của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Theo Minh Thi/Lao Động