Ra mắt từ ngày 1/4/2000, Gặp nhau cuối tuần lấy ý tưởng từ các chương trình hài kịch từng xuất hiện trước đó, như: Góc thư giãn, Gặp nhau và cười... ngay lập tức gây ấn tượng vang dội, trở thành món ăn tinh thần được chờ đón của khán giả cả nước. Chương trình góp phần đưa tên tuổi những nghệ sĩ như Xuân Bắc, danh hài Tự Long, Công Lý, Vân Dung, Phạm Bằng, Giang Còi... lên hàng sao.
Sau 17 năm, vật đổi sao dời, có những người ngày càng nổi tiếng, có người đã ra đi nhưng người xem truyền hình vẫn không thể quên ấn tượng về họ. Chúng tôi xin giới thiệu chân dung các nghệ sĩ gắn bó với Gặp nhau cuối tuần trong loạt bài Dàn sao Gặp nhau cuối tuần giờ ra sao? trên chuyên mục Đời sống showbiz vào 10h30 các ngày thứ tư, thứ sáu, chủ nhật hàng tuần.
Lớn lên ở mảnh đất quan họ, được thấm những giai điệu, vở chèo như Quan âm Thị Kính, Trương Viên…, được thừa hưởng gen nghệ thuật từ đằng ngoại, có chất giọng khá hay nhưng NSND Tự Long đến với nghệ thuật khá muộn màng so với nhiều nghệ sĩ được sinh ra trong môi trường nghệ thuật.
Làm hài nhưng vẫn giữ tâm huyết với chèo
Năm 1998, Tự Long tốt nghiệp chuyên ngành Diễn viên Chèo, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Sau năm 1999, Tự Long đầu quân về Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, truân chuyên từ những vai cầm cờ chạy hiệu mà lên. Năm 2000, chương trình Gặp nhau cuối tuần lên sóng VTV3. Đây được coi là cái duyên lớn với Tự Long. Cùng với Xuân Bắc, anh nhanh chóng nhận được nhiều sự yêu mến của khán giả. Cũng từ đó, cái tên Tự Long trở nên thân thuộc trên màn ảnh nhỏ. Có thể thấy, trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật, anh luôn là hình ảnh tiêu biểu của người nghệ sĩ lao động chịu khó và miệt mài.
Ngày trước khi làm Gặp nhau cuối tuần số lượng các nghệ sĩ đóng hài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những người làm hài bắt nguồn từ hề chèo như NSƯT Xuân Hinh, NSND Quốc Trượng... sau này sân khấu được mở rộng cho đến khi Gặp nhau cuối tuần được ra mắt. NSND Tự Long nhớ lại: "Tôi có chút khả năng mọi người lôi đi để làm, những cái năm đó làm bác sĩ hoa súng do anh Hoàng Nhuận Cầm dẫn đầu, hồi đấy ngây ngô lắm còn chưa biết diễn trước ống kính thế nào. Lúc bấy giờ không biết ngại, cảnh nào chưa làm được thì sửa, được mọi người tạo điều kiện thì cứ làm".
Gắn bó hơn 6 năm với Gặp nhau cuối tuần, Tự Long có không ít kỷ niệm mỗi lần quay chương trình. Điều làm anh nhớ nhất là những ngày đi quay, có những chương trình quay đến 14 đúp, bị đạo diễn nói cũng xấu hổ nhưng với anh cảm giác đấy cũng qua nhanh vì thấy mỗi lần như vậy anh càng có thêm kinh nghiệm.
Nam diễn viên kể: "Hồi đó tôi đang học chèoo, đó là cái lợi thế hơn người một chút của tôi. Gắn bó với bác sĩ hoa súng từ những ngày đầu tiên nên có cơ hội dấn thân nhiều hơn vào hài kịch. Đã trưởng thành, đã lớn lên cho mình nhiều cơ hội tốt hơn, rồi sau này còn trở thành thương hiệu của Gặp nhau cuối tuần".
Nhắc đến Gặp nhau cuối tuần thì không thể không nhắc đến Táo Quân - chương trình đưa tên tuổi của Tự Long in sâu trong tâm trí người hâm mộ. Hồi tưởng về những lần Táo Quân ghi hình đầu tiên anh vẫn nhớ như in sự ngô nghê, mộc mạc của mình và các đồng nghiệp khác. "Ngày xưa vất vả hơn và mọi người làm bằng tinh thần của nghệ sĩ chỉ biết cống hiến thôi. 15 năm tồn tại, Táo Quân trở thành món không thể thiếu được. Sau đó mọi người có nhiều ý kiến, lại sợ diễn như Gặp nhau cuối tuần, nghĩ là sân chơi để vui với nhau thôi. Nhưng thực sự sân khấu đó được công chúng hưởng ứng nhiệt liệt, giúp gắn kết các nghệ sĩ trẻ với nhau, từ anh Quang Tèo, Giang Còi rồi Hiệp Gà cũng trưởng thành từ đó", anh chia sẻ.
|
Cho đến giờ NSND Tự Long vẫn không quên được như kỷ niệm với Gặp nhau cuối tuần. |
Ngoài thành công ở sân khấu hài, Tự Long còn là một nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật chèo khi được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2012 và giành 10 huy chương trong sự nghiệp. Năm 2015, anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Về Nhà hát Chèo Quân đội, Tự Long cho biết, anh về đây cũng rất vất vả chứ không sung sướng như mọi người nghĩ. 2 năm sau đầu thử việc, đến năm 2003 được chuyển sang ký hợp đồng và được gọi là công nhân viên quốc phòng, từ đây Tự Long mới chính thức là người của quân đội.
Tự Long chia sẻ: “Tôi thích hát, đưa các làn điệu vè vào nhằm góp phần quảng bá nền nghệ thuật dân tộc. Chèo có sức sống là người dân, câu hò của nó gắn liền với đồng ruộng. Thực ra mọi người ít xem chèo trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tôi học chèo thuần túy, tôi yêu chèo và những làn điệu chèo vẫn chảy trong dòng máu, tôi nghĩ sẽ không bao giờ xa rời nó. 7 huy chương vàng bạc trong nghệ thuật chèo chưa kể các huy chương vàng bạc dành riêng cho ngành sân khấu là phần thưởng lớn cho tôi. Tôi làm bất kỳ điều gì miễn được làm nghề, được sống với nghề”.
>>>> Mời quý độc giả xem trailer "Ơn giời cậu đây rồi". Nguồn: VTV go:
Đánh giá hài nhảm nằm ở cảm tính của khán giả
Theo anh hài 2 miền có sự khác biệt cơ bản do văn hóa và đối tượng khán giả nên dư luận đừng quy chụp hài miền nào là nhảm hay miền nào hay hơn vì mỗi miền lại phục vụ khán giả khác nhau. Miền Bắc không phải ai cũng diễn hay vẫn có người diễn dở trong khi miền Nam đâu phải ai cũng diễn dở còn rất nhiều người thành danh và được khán giả miền Bắc yêu mến nên mọi sự so sánh đều là khập khiễng.
Còn về hài nhảm thì ở đâu cũng có không cứ vùng miền nào. Để đánh giá đâu là nhảm thì lại nằm ở cảm tính của khán giả chứ không có một thước đo nào có thể đong đếm đâu là chính chuyên đâu là hài nhảm. Tuy nhiên nói đi nói lại thì hài nhảm cũng ảnh hưởng không ít tới các nghệ sĩ chân chính. Và khi khán giả quay lưng lại với những sản phẩm gắn mác hài nhảm thì hậu quả thuộc về chính những người sản xuất.
Táo Quân là một món ăn tinh thần của khán giả trong hơn 10 năm nay, tạo được thương hiệu dấu ấn riêng rất khó phai nhòa. Nói về chuyện đả kích và bị cắt thì NSND Tự Long không muốn bàn luận quá nhiều vì đây là chuyện của những nhà quản lý nhưng dưới góc độ của một nghệ sĩ thì việc cắt gọt bớt chương trình cũng không ảnh hưởng quá nhiều bởi cơ bản Táo Quân là chương trình tổng kết cuối năm về các sự kiện. Có những sự việc đã được báo chí mổ xẻ quá nhiều, nhắc đi nhắc lại cũng không hay.
Táo Quân cũng là chương trình được nhiều sự chú ý của khán giả cả nước nên ê-kíp rất mong muốn các anh chị em nghệ sĩ hai miền cùng thực hiện nhưng điều này dường như bất khả thi vì cuối năm ai cũng đều bận trong khi quay Táo Quân suốt 20 ngày, khó có nghệ sĩ miền Nam nào có thể bỏ việc ra Hà Nội tham gia.
Nhìn nhận về thế hệ các nghệ sĩ trẻ kế cận Tự Long chia sẻ: "Các bạn trẻ bây giờ được tiếp cận với công chúng dễ hơn nhờ internet đó là một cái tốt. Tuy nhiên, một điều mà các bạn vẫn chưa bằng thế hệ trước là sự sâu sắc. Còn tôi không sợ mình bị lãng quên, cái gì thoải mái thì làm, mệt thì nghỉ, vì còn nhiều việc ở cơ quan ở ngoài cuộc sống. Xuân Bắc Tự Long đã có dấu ấn rồi làm gì cũng phải suy nghĩ kỹ xem có phù hợp không, không thể tùy tiện".
Theo My Lan/ Dân Việt