Vì sao Lục Tiểu Linh Đồng tôn thờ hình tượng Tôn Ngộ Không?

Google News

Khi nói về Tôn Ngộ Không và Tây du ký, khán giả lập tức nghĩ đến Lục Tiểu Linh Đồng cùng bản phim năm 1986.

"Tây du ký" là tác phẩm được tái hiện nhiều lần trên sân khấu và màn ảnh. Riêng phim Tây Du Ký năm 1986 được chiếu lại đến 3000 lần trong suốt 30 năm qua.

Khi nói về Tôn Ngộ Không và Tây du ký, khán giả lập tức nghĩ đến Lục Tiểu Linh Đồng cùng bản phim năm 1986. 30 năm trở lại, đây là dự án hoàn hảo nhất trong lòng khán giả.

Nhưng văn hóa Khỉ trong làng sân khấu và truyền hình Trung Hoa không chỉ mới có 30 năm.

Vì sao Lục Tiểu Linh Đồng tôn thờ hình tượng Tôn Ngộ Không?
Hình ảnh cha Lục Tiểu Linh Đồng - ông Lục Linh Đồng khi còn trẻ và quá trình tập luyện hóa thân thành Tôn Ngộ Không. Ảnh: Baidu.

Từ đầu thế kỷ 20, có hai phái thường biểu diễn Kịch Khỉ trên sân khấu, Bắc phái hầu vương và Nam phái hầu vương. Nhưng phái Bắc dần bị mai một, Nam phái hầu vương được ca tụng, nhắc đến nhiều hơn. Nguồn gốc Nam phái nằm ở Thiệu Hưng (Trung Quốc). Và cụ cố của Lục Tiểu Linh Đồng (tên thật Chương Kim Lai) là người sáng lập.

Từ thời cụ cố, đến cụ và cha, anh ông đều hóa thân thành Tôn Ngộ Không trên sân khấu. Cụ cố - Chương Đình Xuân được gọi là “Hoạt hầu vương”, Cụ - Chương Ích Sinh là “Hoạt hầu so đấu”, cha - Chương Tông Nghĩa - “Nam hầu vương”.

Trong đó, ông Chương Tông Nghĩa (nghệ danh Lục Linh Đồng) là nhân vật thần thánh của văn hóa Khỉ trong những năm giữa thế kỷ 20. Ông đến với sân khấu từ khi 6 tuổi, 12 tuổi lần đầu lên sân khấu đóng Tôn Ngộ Không. Tỏa sáng qua những vở kịch Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Hỏa Diệm Sơn, Tôn Ngộ Không đại náo càn khôn, Lục Linh Đồng là tượng đài sân khấu kịch.

Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đều hết lời ca tụng. Trong sự nghiệp, ông đã nhận nhiều giải thưởng danh giá.

Lục Linh Đồng dành cả thời thơ ấu theo học võ thuật ở Sơn Đông. Sau đó, ông nuôi khỉ để có thể hiểu phần nào cuộc sống, thói quen loài vật này. “Tuổi thơ gắn liền với văn hóa hầu hí là niềm tự hào của tôi” - ông nói. Lục Linh Đồng qua đời vào tháng 1/2014, ở tuổi 88.

Sau thế hệ ông, Lục Tiểu Linh Đồng là người mang văn hóa hầu hí trở thành kinh điển trên màn ảnh nhỏ.

Sina từng đánh giá về gia tộc nhà họ Chương: “Một nhà hầu hí ngàn nhà xem, bốn đời hầu vương trăm năm thành truyện”.

Vì sao Lục Tiểu Linh Đồng tôn thờ hình tượng Tôn Ngộ Không?
Anh trai Lục Tiểu Linh Đồng - Tiểu Lục Linh Đồng (trái) và cha - Lục Linh Đồng (phải) đều sống chết với công cuộc truyền bá văn hóa Hầu vương. Năm 16 tuổi, Tiểu Lục Linh Đồng qua đời vì bệnh máu trắng. Ảnh: Sina.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn, Lục Tiểu Linh Đồng lại lo lắng về công cuộc tìm người kế thừa. Khi ông - nghệ sĩ trẻ nhất của gia tộc cũng đã ở tuổi 57.

“Nghệ thuật hầu hí không chỉ thuộc về chúng ta - gia tộc Chương, mà còn thuộc về Trung Quốc, thuộc về thế giới. Nửa đời trước, tôi gắn mình với vai trò truyền thừa văn hóa Khỉ, nửa đời sau này tôi chỉ đau đáu đi tìm người kế thừa” - Lục Tiểu Linh Đồng chia sẻ.

Những năm qua, trên màn ảnh đã có không ít phiên bản Tôn Ngộ Không. Song, nhìn nhận từ góc độ người gắn bó cả đời với nhân vật này, ông bày tỏ sự thất vọng.

“Tất cả phiên bản tái hiện đều xuyên tạc nhân vật so với ý muốn của tổ tông vì yếu tố lợi nhuận. Văn hóa truyền thống bị biến dạng không phải là truyền nhân tôi kiếm tìm. Họ cũng không phải là người có tâm truyền bá văn hóa Khỉ đến với thế giới”.

Vì sao Lục Tiểu Linh Đồng tôn thờ hình tượng Tôn Ngộ Không?
Lục Tiểu Linh Đồng cùng cha lúc sinh thời. Hai thế hệ, một người đã qua đời, một người bước sang tuổi U60. Ảnh: Chinanews.

Ông thừa nhận, việc chỉ sinh một cô con gái đã khiến gia tộc họ Chương không thể có đời thứ 5 tiếp nối truyền thống.

“Tôi không bỏ cuộc. Cũng giống như Tôn Ngộ Không, nhân vật này là hình tượng của cái đẹp, bất khuất, vĩnh viễn không bao giờ nói thất bại, tinh thần lạc quan không bị gục ngã. Tôi tin rằng, mình sẽ tìm được người kế thừa cho văn hóa Trung Hoa”- Lục Tiểu Linh Đồng nói.

Theo Tri Thức Trực Tuyến