|
Bà Kha Thị Đàng - Vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ. |
Một thời gian ngắn, sau khi có quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc hát sáng tác trước 1975 để thẩm định lại vấn đề tác giả là Con đường xưa em đi của tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương, Cánh thiệp đầu xuân của tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ, Rừng xưa , Chuyện buồn ngày xuân của tác giả Lam Phương, Đừng gọi anh bằng chú của tác giả Diên An, đến ngày 4/4/2017 Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD- Bộ VHTT-DL) đã khẳng định 5 ca khúc sẽ bị cấm lưu hành vĩnh viễn, trong đó có ca khúc Con đường xưa em đi của tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương. Thông tin trên đã gây ồn ào trong dư luận và nhận phải nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Lý do cấm lưu hành vĩnh viễn 5 bài hát trong đó có Con đường xưa em đi được ông Nguyễn Đăng Chương- Cục trưởng Cục NTBD nói rõ với báo chí như sau “Những bản nhạc đã bị sửa lời thì không có giá trị, nên sẽ bị cấm lưu hành vĩnh viễn là đương nhiên vì nó vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan. Còn những bài hát gốc, đúng lời, đúng tác giả thì sẽ được xem xét cho lưu hành”.
Trước khẳng định đó của ông Nguyễn Đăng Chương, dư luận đang đặt ra câu hỏi: Vậy thì bản gốc của bài hát Con đường xưa em đi đang ở đâu, căn cứ vào văn bản nào để so sánh nội dung của bài hát đang lưu hành không giống với bản gốc của tác giả? Tại sao Cục NTBD chưa công bố bảng gốc của bài hát?...
Để tìm hiểu thêm về nguồn gốc ca khúc Con đường xưa em đi, cũng những ca từ được cho là bị thay đổi so với bản gốc thành một dị bản theo cách giải thích của cơ quan quản lý văn hóa, chúng tôi đã tìm gặp bà Kha Thị Đàng vợ của cố nhạc sĩ Châu Kỳ, bà cũng chính là người đang được thừa kế làm chủ sở hữu trí tuệ bài hát Con đường xưa em đi căn cứ theo Luật sở hữu trí tuệ hiện hành.
|
Bà Kha Thị Đàng tại nhà riêng. |
Bà Kha Thị Đàng, năm 80 tuổi, đang sinh sống cùng với con trai thứ hai tại một quận vùng ven Sài Gòn. Sau khi gặp gỡ ở nhà riêng, vợ của cố nhạc sĩ Châu Kỳ đã dành riêng cho phóng viên báo điện tử Một Thế Giới cuộc trò chuyện về những vấn đề có liên quan đến ca khúc Con đường xưa em đi do nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác.
|
Nhạc sĩ Châu Kỳ và bà Kha Thị Đàng trong ngày cưới - Ảnh gia đình cung cấp |
Thưa bà, bà có thể nhớ lại nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác bài hát “Con đường xưa em đi” vào thời gian nào?
- Anh Châu Kỳ sáng tác bài Con đường xưa em đi vào khoảng năm 1968 ở miền Nam và sau đó thì được phát hành rộng rãi vào những năm 1969, đến 1975. Vào thập niên 1960 của thế kỷ trước, nhạc Bolero được rất ưa chuộng ở miền Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng, đó cũng chính là thời điểm anh Châu Kỳ sáng tác sung sức nhất. Ngoài bài hát Con đường xưa em đi, anh Kỳ còn viết rất nhiều bài khác mà tôi không thể nhớ hết được lúc này. Tuy nhiên tất cả những sáng tác đã được tôi ghi lại trong cuốn lại trong cuốn hồi ký Thi Đàng Kỳ Duyên hồi ký được NXB Văn Nghệ vừa ấn hành năm 2016.
|
Vợ chồng nhạc sĩ Châu Kỳ bên tập bản thảo cuối hồi ký "Thi Đàng Kỳ Duyên" - Ảnh do đình cung cấp |
Sống với anh Kỳ gần từ ngày cưới nhau cho đến lúc anh mất, khi viết bất cứ bài hát nào cũng có tôi ngồi bên cạnh. Chồng tôi có một quy trình sáng tác không giống người khác. Thường thì người ta nghe một bài thơ hay rồi mới đem ra phổ nhạc, nhưng ở đây anh thì ngược lại, viết nhạc trước rồi mới đặt lời. Bài hát Con đường xưa em đi cũng là một trong những ca khúc được anh Kỳ viết nhạc trước sau đó mới đưa cho anh Hồ Đình Phương đặt lời. Khi tâm đắc đề tài gì, anh Châu Kỳ viết thành bài nhạc, sau đó thì trên những nốt nhạc anh ấy đánh dấu, huyền sắc, nặng hỏi, ngã để anh Hồ Đình Phương căn cứ vào đó mà đặt lời có những chữ cùng dấu. Chỉ cần vậy thôi là anh Hồ Đình Phương đặt lời rất hay rất phù hợp, vì anh Kỳ và anh Phương là hai người bạn rất thân nên hiểu nhau.
|
Nhạc sĩ Châu Kỳ thời trẻ qua nét vẽ ký họa của cháu nội Châu Huyền Minh Tú - Ảnh gia đình cung cấp |
Thưa bà, có một số người muốn biết “Con đường xưa em đi” trong bài hát cụ thể là con đường nào, hoàn cảnh ra đời của nó ra sao, bà có thể giải đáp ?
- Vào thời điểm bài hát Con đường xưa em đi ra đời, anh Châu Kỳ sáng tác rất nhiều bài hát khác, nên tôi không nhớ cụ thể được. Anh Kỳ viết nhạc mọi lúc mọi nơi, đôi khi đang chở tôi đi ngoài đường, tự nhiên có một nốt nhạc nào lóe lên, anh dừng xe lại và bảo tôi lấy giấy viết mang sẵn trong túi xách ra cho anh để anh ghi lại. Riêng bài hát Con đường xưa em đi, tôi không rõ anh Châu Kỳ bàn với anh Hồ Đình Phương như thế nào nhưng tôi có một ấn tượng khó quên về bài hát này. Thời kỳ đó tôi làm kế toán cho nhà máy giấy Tân Mai ở Biên Hòa, anh Hồ Đình Phương cũng đang làm phó giám đốc hành chính cho ở đây. Phía sau nhà máy có dãy nhà tập thể cho công nhân và nhân viên nghỉ ngơi, dẫn đến nơi này là con đường mòn rất đẹp xuyên qua một cánh đồng lúa. Tôi và một số chị em vẫn thường qua lại trên con đường đó. Cứ mỗi lần thấy tôi đi qua anh Hồ Đình Phương lại nói vui với tôi câu “Con đường xưa em đi”, câu này được lặp đi lặp lại nhiều lần như thế. Một thời gian sau thì bài hát Con đường xưa đi ra đời. Tôi nghĩ chắc chắn đây là bài hát chồng tôi và anh Hồ Đình Phương lấy cảm hứng từ tôi và cũng từ chính con đường mòn đó.
Nhưng thôi con đường nào cũng được, miễn là có dấu chân của chồng tôi đi qua, anh Hồ Đình Phương đi qua, tôi đi qua thì tất cả đã trở thành kỷ niệm thời tuổi trẻ của chúng tôi. Đó chính là con đường âm nhạc giữa Châu Kỳ - Kha Thị Đàng - Hồ Đình Phương, con đường của một sự hợp tác của định mệnh (nói đến đây thì bà khóc).
|
Nhà thơ Hồ Đình Phương - Được cho là mất tích năm 1979 - Ảnh do bà Kha Thị Đàng cung cấp |
Thưa bà đem so sánh nội dung bản gốc bài hát Con đường xưa em đi do ông nhà sáng tác trước năm 1975 và lời hát đang phổ biến hiện nay thì bà thấy nó khác ở những câu chữ nào, vì sao có sự khác biệt đó?
- So với bản gốc trước năm 1975, về phần nhạc tôi thấy nó không sai bất cứ chỗ nào, về phần lời do anh Hồ Đình Phương đặt thì chỉ khác biệt 4 chữ, đó là 2 chữ “chiến trường” được thay bằng 2 chữ “lối mòn” và 2 chữ “phiên gác” được thay bằng 2 chữ “thao thức”. Trong đó, chính tôi là người đã bàn với anh Châu Kỳ để quyết định có những thay đổi đó.
|
Nhạc sĩ Châu Kỳ cùng bà Kha Thị Đàng (2005). Ảnh do gia đình cung cấp |
Bà có thể nói rõ lý do vì sao bà cùng nhạc sĩ Châu Kỳ lại thay những chữ đó?
- Ai cũng biết chúng tôi lớn lên trong thời kỳ đất nước đang chiến tranh, những hình ảnh như: “bom rơi, đạn nổ, hỏa châu, chiến trường, súng nổ…” luôn hiện diện mọi lúc mọi nơi, những ám ảnh đó ít nhiều đã nhập tâm vào tâm hồn nghệ sĩ của chồng tôi và nhiều nhạc sĩ khác. Đó có lẽ là lý do bài hát có những chữ “chiến trường, phiên gác”, chứ trên thực tế anh Châu Kỳ chưa từng đi lính, còn anh Hồ Đình Phương lúc đó đang làm phó giám đốc hành chính cho Cty giấy Tân Mai.
Năm 1975 kết thúc chiến tranh, hòa bình lập lại, tôi cũng như chồng con lo mưu sinh nên ít quan tâm đến âm nhạc. Một thời gian dài sau đó tôi cũng không biết bài hát có được phép hát hay không, nhưng thấy rất nhiều người hát Con đường xưa em đi. Do đó đến khoảng năm 2006-2007 tôi và ông nhà nhận thấy những từ ngữ trong bài hát không còn phù hợp với thời bình nữa, mặc khác tôi muốn bài hát được phổ biến rộng rãi hơn nên bàn với anh Châu Kỳ đổi bốn chữ trong bài hát. Cụ thể là câu “Chiến trường anh bước đi…” thành câu “Lối mòn anh bước đi…”, và câu “Nơi đây phiên gác canh dài…” thành câu “Nơi đây thao thức canh dài…”. Việc thay đổi của tôi được anh Châu Kỳ hoàn toàn đồng ý, sau đó đến năm 2008 anh Kỳ qua đời. Năm 2016 chương trình "Sol Vàng" của VTV9 có đến gặp tôi xin phép để làm đêm nhạc Châu Kỳ với chủ đề Con đường xưa em đi trong đó họ cũng hát bài này. Gần đây thì ca sĩ trẻ Trung Quang hát trên chương trình ‘Thần tượng Bolero” của đài Vĩnh Long.
Bà có còn lưu lại bản gốc viết tay cho bài hát này không?
- Hiện tại gia đình tôi không còn bản gốc viết tay của anh Châu Kỳ. Mất bản gốc không phải vì gia đình tôi không giữ nhưng vì một sự cố ngoài ý muốn. Năm 1981 khi nhà tôi còn ngụ tại 237/41 đường Hoàng Đạo, Q.3, TP.HCM, lúc ngồi ở quán bên đường, do uống rượu nên anh Châu Kỳ cao hứng hát những bài hát do anh sáng tác trước 1975, sau đó thì anh bị bắt, cơ quan quản lý văn hóa đã đến xét nhà và tịch thu toàn bộ những văn bản bài hát có tên Châu Kỳ. Một thời gian sau đó thì anh được tha. Thời điểm đó được thả về nên gia đình rất mừng nên không nghĩ đến việc xin lại những tác phẩm của anh. Từ đó đến nay gia đình tôi không còn bất cứ bản gốc nào nữa. Ngoại trừ những bài hát anh Châu Kỳ sáng tác sau này. Trong thời điểm sửa lời bài hát Con đường xưa em đi thì tôi không giữ bản lưu.
Sau khi bài hát Con đường xưa em đi được cấp phép, bà có đi đăng ký sở hữu trí tuệ cho tác phẩm này ở cơ quan nào chưa?
- Nói thật lòng, bản thân tôi chưa từng đứng ra xin cấp phép cho bài hát này, cũng chưa đi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Tôi cũng không hiểu ai đã đứng ra xin cấp phép cũng như đã đăng ký. Chỉ có hai lần người ta liên hệ để xin sử dụng bài hát. Lần thứ nhất, một cô ở nhà in đến xin in bài hát này để phổ biến. Tôi nhớ lần đó tôi có dặn nếu cô in thì nhớ thay giùm những lời hát như tôi đã nói vừa rồi, nhưng sau đó thì không thấy cô ấy quay lại. Tôi cũng không biết có in hay không. Lần thứ 2 vào 2016 chương trình Sol Vàng của VTV9 có đến gặp tôi xin phép để làm đêm nhạc Châu Kỳ với chủ đề Con đường xưa em đi. Tôi nghe họ hát lời theo bản gốc sáng tác trước năm 1975.
Đã có cơ quan nào thông báo cho bà biết bài hát “Con đường xưa em đi” đã bị cấm lưu hành chưa?
- Đến thời điểm hiện tại, tôi chưa nhận được bất cứ thông báo nào của cơ quan chức năng. Tôi đọc trên báo mới biết thông tin này thôi.
|
Một trang trong cuốn hồi ký "Thi Đàng Kỳ Duyên". |
Thưa bà, nghe tin bài hát “Con đường xưa em” bị cơ quan quản lý văn hóa cho tạm dừng lưu hành và sau đó thì khẳng định sẽ cấm lưu hành vĩnh viễn tâm trạng của bà thế nào?
- Ban đầu nghe tin chỉ tạm dừng lưu hành để rà soát lại tôi hi vọng bài hát sẽ được tiếp tục lưu hành và phổ biến, nhưng đến hôm qua khi biết bài hát đã bị cấm lưu hành vĩnh viễn tôi cảm thấy rất buồn và hụt hẫng, tâm trạng chung của những người trong gia đình tôi cũng vậy.
Vậy bà có ý định làm thủ tục để xin cơ quan chức năng cấp phép phổ biến lại bài hát Con đường xưa em đi hay không?
- Hiện tại tôi cũng như các con trong gia đình chưa có ý định làm thủ tục xin cấp phép lại bài hát Con đường xưa em đi. Tôi nghĩ anh Châu Kỳ sáng tác không chỉ có bài hát Con đường xưa em đi mà còn nhiều ca khúc khác nữa, có bài đã được cho phép và cũng có bài chưa được cho phép. Thật lòng mà nói bài hát Con đường xưa em đi dù có được cấp phép hay không cấp phép, nhưng tôi nhận thấy trong suốt mấy chục năm qua bằng cách này hay cách khác, bài hát cũng đã được phổ biến ở nhiều nơi, Con đường xưa em đi cũng được nhiều ca sĩ chọn hát trên đài truyền hình nhà nước. Có nghĩa là nó đã từng được thừa nhận và đi sâu vào lòng người yêu mến nhạc anh Châu Kỳ từ lâu rồi. Cho nên tôi nghĩ nếu có ai hoặc đơn vị nào yêu thích bài hát, họ sẽ đứng ra làm thủ tục xin cơ quan cấp phép lại. Tôi sẵn lòng cho phép như xưa nay đã làm.
Riêng gia đình tôi, không chỉ mỗi bài hát Con đường xưa em đi mà tất cả những di sản âm nhạc của Châu Kỳ sẽ được gìn giữ mãi mãi trong tâm trí của các thế hệ con cháu sau này, và tôi cũng đang lưu lại bài hát Con đường xưa em đi theo cách của riêng mình.
Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!
Theo Tiểu Vũ/ Một Thế Giới