Vụ Ngọc Lan quát CSGT: Người nổi tiếng đừng tự hủy hoại mình

Google News

Cả hai trường hợp, Ngọc Lan và Trang Trần đều mất hình ảnh. “Tại sao cãi tôi? Đúng cái gì? Đúng ở chỗ nào” - Ngọc Lan quát vào mặt CSGT.

Năm 2011, khi góp công đánh sập tờ báo lá cải nghe lén các ngôi sao News of the World (Anh), tài tử Hugh Grant đã đối mặt với câu hỏi thú vị từ nhà báo của tờ này: “Tôi làm việc cật lực nhận lương vài chục nghìn bảng, còn các ngôi sao như anh đóng phim kiếm vèo vèo hàng triệu bảng. Nên anh cũng đánh đổi quyền riêng tư của mình chứ?”.
Tương tự, thêm một thứ cần đánh đổi là “quyền cư xử xấu xí ở nơi công cộng”.
Ai cũng muốn thành sao nhưng không phải ai cũng biết cách làm một ngôi sao
Sự việc của Ngọc Lan khiến công chúng nhớ lại trường hợp của Trang Trần năm 2015. Đó đều là khi người nổi tiếng đối mặt với một sự cố khiến họ không giữ được bình tĩnh - trường hợp nhạy cảm dễ khiến người ta cư xử không đẹp.
Cả hai trường hợp, Ngọc Lan và Trang Trần đều mất hình ảnh. “Tại sao cãi tôi? Đúng cái gì? Đúng ở chỗ nào” - Ngọc Lan quát vào mặt CSGT. Còn hồi năm 2015, Trang Trần dùng nhiều câu tục tĩu liên tiếp để chửi cảnh sát cơ động. Cả hai đều vướng phải những điều tối kỵ trong cư xử ở nơi công cộng đối với người nổi tiếng.
Bị CSGT tuýt còi xử phạt là hoàn cảnh vô cùng phổ biến mà bất cứ ai cũng đã gặp vài lần. Nhiều người rút được kinh nghiệm sao cho vẫn chịu phạt nếu có lỗi nhưng không dính vào cãi cọ và đặc biệt, không lớn tiếng trước đông người. Vì khi một người quát lên (như Ngọc Lan, bị CSGT nói là "Tôi chưa gặp ai như cô ta!"), dư luận xung quanh sẽ rất khó phân định đúng sai, chỉ thấy người đó đang cư xử thiếu văn hóa.
Vu Ngoc Lan quat CSGT: Nguoi noi tieng dung tu huy hoai minh
Các diễn viên đóng những vai xinh đẹp trên màn ảnh, nhưng khi không diễn, họ không kiểm soát được sự xấu xí. 
Năm 2014, dư luận Philippines cũng từng dậy sóng vì MC truyền hình nổi tiếng Billy Crawford say xỉn, gây rối ở nơi công cộng và bị cảnh sát bắt về đồn. Trang Inquirer đã phỏng vấn nhiều ngôi sao của giới giải trí Philippines về cách cư xử của người nổi tiếng. Hầu hết đều đồng ý rằng họ phải chấp nhận những ràng buộc và giới hạn.
Nam diễn viên Ronnie Quizon nói: "Không may cho những người nổi tiếng là họ không thể... vô danh được nữa. Vì vậy, họ cần nhận thức được những giới hạn". Còn nhà văn Jose Javier Reyes nhận định: “Không ai hoàn hảo, nhưng người nổi tiếng nên hiểu rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đừng biến mình thành trò cười hoặc đối tượng kỳ thị của công chúng”.
Khi một người nổi tiếng lấy lý do “tôi nóng tính”, “tôi thẳng thắn” hay “đó là con người thật của tôi, tôi không giả tạo” ra để biện minh cho lối hành xử không đẹp, thực chất họ chỉ đang thiếu chuyên nghiệp. Bởi cần phân biệt giữa nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ hay người mẫu (khái niệm chỉ nghề nghiệp) và ngôi sao (khái niệm thuộc showbiz). Khi làm nghề, họ có quyền bung tỏa, phá vỡ các nguyên tắc và vượt qua những giới hạn để thể hiện tài năng, cá tính.
Còn khi trở thành “ngôi sao”, họ phải chấp nhận bị ràng buộc bởi những nguyên tắc ứng xử trước công chúng. Và cuộc sống của họ không còn là chuyện riêng nữa. Đôi khi, họ chủ động bán chuyện đời tư. Đôi khi, chuyện đời tư đó tự lộ ra ngoài ý muốn.
Đoạn video to tiếng với CSGT của Ngọc Lan bị tung lên mạng ngoài ý muốn, như một hệ quả của sự nổi tiếng. Nếu cô không phải là diễn viên Người đẹp và đại gia, sự việc đã chẳng ầm ĩ đến thế. Nhưng thực tế này chẳng có gì sai, bởi người bình thường đâu phải ai cũng có những điều kiện sống mà cô đang có.
Giới giải trí Hàn Quốc: Lễ độ là nguyên tắc 'bất thành văn'
Việc giới trẻ hâm mộ các nghệ sĩ Hàn Quốc thường bị dư luận chế giễu về độ cuồng tín, nhưng ít ai biết các ngôi sao Hàn có ảnh hưởng rất tốt đến người hâm mộ ở một điểm: họ rất lễ độ. Và đó là một nguyên tắc trong nghề chứ không phải ai thích thì diễn để tạo dựng hình ảnh.
Tại Hàn Quốc, các ngôi sao trước khi ra mắt đều trải qua thời gian đào tạo khá lâu trong các công ty giải trí. Bên cạnh học về chuyên môn ca hát, vũ đạo, diễn xuất, họ còn được đào tạo rất kỹ về ứng xử.
Một nguyên tắc nổi tiếng của giới giải trí nước này là “kính trọng người hơn tuổi”. Các thần tượng được đào tạo cả về cách thức cúi chào (gập người thật sâu và tập trung) khi gặp các nhóm nhạc tiền bối. Một thần tượng nổi tiếng về cách ứng xử là Yunho (nhóm DBSK) luôn tạo ấn tượng đẹp vì anh cúi chào cả những thành viên ê-kíp sản xuất chương trình và nói lời cảm ơn họ, dù DBSK là tiền bối của hầu hết nhóm nhạc Kpop hiện nay.
Vu Ngoc Lan quat CSGT: Nguoi noi tieng dung tu huy hoai minh-Hinh-2
Sự việc Kim Woo Bin cư xử lịch thiệp với người bảo vệ được lấy làm gương cho giới nghệ sĩ, thần tượng Hàn Quốc. 
Những năm gần đây, với lứa thần tượng ngày càng trẻ hóa và đông đảo, Kpop cũng gặp vấn đề về ứng xử. Nhiều thần tượng trẻ bỏ bê các nguyên tắc ứng xử. Nhưng những trường hợp như vậy đều vấp phải sự chỉ trích của dư luận. Trước đây, hai thành viên xinh đẹp nhất nhóm f(x) là Krystal và Sulli (đã rời nhóm) đều gây ấn tượng xấu vì cư xử kênh kiệu. Điều này khiến họ có không ít antifan.
Gần đây hơn là khi SNSD ra đĩa đơn kỷ niệm 10 năm, thành viên Hyoyeon đã bóng gió về việc các nhóm nhạc hậu bối chưa chào hỏi đúng mực. Cô nhấn mạnh, EXO là nhóm đàn em duy nhất chào hỏi SNSD khi biểu diễn cùng một chương trình. Ngay lập tức, các nhóm nhạc khác đã đến gặp và chào hỏi SNSD để sửa sai.
Sai thì bị lên án, còn hành xử đẹp thì gây ấn tượng sâu đậm. Nam diễn viên bị ung thư Kim Woo Bin từng gây thiện cảm lớn với clip anh đưa tiền bằng hai tay và cúi chào lịch sự với người bảo vệ ở bãi đỗ xe. Ngược lại, Nam Tae Hyun (cựu thành viên nhóm WINNER) lại bị “ném đá” vì hành động đưa tiền bằng một tay thiếu tôn trọng đối với người bảo vệ.
Vu Ngoc Lan quat CSGT: Nguoi noi tieng dung tu huy hoai minh-Hinh-3
G-Dragon là ngôi sao số một Kpop hiện nay và cũng là người nổi tiếng cư xử lịch thiệp với đồng nghiệp, các nhân viên và người hâm mộ. 
Đây đều là những tình huống cơ bản trong cuộc sống, chưa nói đến lúc đối mặt với cảnh sát hay người thi hành công vụ. Lúc đó, nghệ sĩ la lối hay chửi bới sẽ giống như “tự sát” về mặt hình tượng.
Đó là những ví dụ để thấy trong làng nhạc Hàn Quốc, thiếu lịch sự và lễ phép bị coi là lỗi lầm nặng như thế nào. Có thể, Hương Giang Idol sẽ không vấp phải lỗi nói nghệ sĩ Trung Dân “đút đầu vào cầu tiêu” nếu giới giải trí Việt cũng phổ biến nguyên tắc ứng xử bất thành văn này.
Cư xử văn hóa cũng là tôn trọng khán giả và chính mình
Nhiều ngôi sao lầm tưởng rằng to tiếng phản ứng là cách họ thể hiện cá tính, bộc lộ quan điểm sống như cách đề cao chính mình. Thực tế là ngược lại, họ càng thể hiện bản thân một cách cực đoan, bằng những cách thức thừa cá tính, hình ảnh của họ càng khó chấp nhận trong mắt công chúng.
Tiết chế để giữ hình ảnh có văn hóa và sang trọng hơn, hay buông thả cách cư xử theo tính cách và nhận về sự ác cảm? Tự mỗi ngôi sao có câu trả lời của riêng họ. Và mỗi lựa chọn đều có được có mất.
Các ngôi sao thường nói quan trọng nhất với họ là khán giả và tình yêu của khán giả. Nhưng ý nghĩ về khán giả ở đâu khi họ sẵn sàng la lối nơi công cộng? Nếu ý thức được rằng khán giả luôn dõi theo những hành động của mình, có lẽ họ sẽ hành xử khác.
Theo Mi Ly/Zing News