Chuyện ghi ở bệnh viện: “Không phong bì“

Google News

Không tấp nập người ra kẻ vào như nhiều bệnh viện (BV) khác. Phía sau cánh cổng BV 09 Hà Nội (tại Tân Triều, Thanh Trì, nơi điều trị cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối) luôn cửa đóng then cài.

Cả ngày hầu như không có bước chân ra, vào, ngoài mấy bóng  áo trắng của các thầy thuốc. Chỉ một bức tường đơn ngăn cách bên ngoài, thế nhưng sự cách biệt mong manh ấy đủ tạo ra một môi trường hoàn toàn khác.

Kỳ thị cả bác sĩ

Hồi học cấp 3, đọc sách, tôi biết được câu chuyện một em bé có HIV bị kỳ thị, hắt hủi. Cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, môi em vẫn mấp máy "mẹ ơi", nhưng người rứt ruột sinh ra em vẫn không dám đến gần. Đám ma đưa tiễn em vẻn vẹn 2 người. Em đã chết vì sự ruồng rầy, sự cô đơn đến tuyệt vọng chứ không phải vì căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Câu chuyện ấy vẫn ám ảnh mãi trong tôi. 

Cho đến hôm nay, nó vẫn rất thời sự, bởi sự kỳ thị đang làm mất đi một cuộc sống bình thường nhất mà những người có H đáng ra phải được hưởng. Sự kỳ thị này lớn đến nỗi, ngay cả những bệnh nhân HIV/AIDS là tuyên truyền viên có thâm niên nhất mà chúng tôi gặp, đều tỏ thái độ đầy ngờ hoặc. Thậm chí, ngay đến cái tên (chứ chưa nói đến địa chỉ, nơi làm việc), họ cũng dè dặt, không muốn tiết lộ. 


Điều trị bệnh nhân HIV tại khoa Nội, bệnh viện 09. Ảnh NHẬT NGUYÊN

Thế nhưng, lại có những thầy thuốc đêm ngày tận tụy, chăm sóc để nạn nhân của những căn bệnh thế kỷ vơi bớt nỗi đau về thể xác và tinh thần. Đến BV 09, tận mắt chứng kiến công việc của các cán bộ, nhân viên y tế mới hiểu được sự vất vả, hiểm nguy và những cống hiến thầm lặng của các y, bác sĩ nơi đây. Họ làm việc không ngơi nghỉ, không đòi hỏi, để phục vụ bệnh nhân, nhưng mấy ai cảm thông và hiểu thấu nỗi lòng của họ? Đâu đó vẫn còn những ánh mắt coi thường thậm chí kỳ thị với những người làm công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân AIDS. Thi thoảng vẫn có những lá đơn xin chuyển công tác dè dặt đặt lên bàn giám đốc BV. Khi đến đây, tôi được biết, sau sự kiện một cán bộ nam bị nhiễm bệnh nghề nghiệp (nhiễm lao phổi) chuyển công tác, một, hai rồi ba cán bộ khác cũng rời bỏ nơi này vì vô vàn lý do như: Bị phơi nhiễm; bị người bệnh đe dọa, chửi bới; thu nhập không đủ sống... Đáng thương nhất là trường hợp của y tá L. Cũng chỉ vì biết L. chuyên chăm sóc và phục vụ bệnh nhân AIDS, mẹ người yêu cô đã quyết liệt phản đối. Không muốn chia tay người yêu, nhưng L. cũng không muốn bỏ nghề. Kết cục, L. và người yêu phải chia tay nhau trong cay đắng, ngậm ngùi...

Đối mặt với phơi nhiễm

Được coi là có thâm niên làm việc lâu nhất tại BV 09, Ths. BS Nguyễn Ngọc Hưng, 46 tuổi, Trưởng Khoa Nội tâm sự, lúc mới vào nghề anh không thấy sợ mà còn muốn khám phá, tìm hiểu rõ bản chất của căn bệnh; đối tượng có HIV. Biết rõ đây là một nghề vô cùng nguy hiểm nên lúc nào anh cũng chú ý phòng ngừa lây nhiễm. Ấy nhưng, trong một lần sơ sẩy, anh đã bị mũi tiêm của một người nghiện (cũng là một bệnh nhân AIDS) cắm vào tay. Cũng may, lần ấy anh không bị phơi nhiễm. Mặc dầu vậy, anh vẫn tự nhủ: "Nếu chẳng may bị phơi nhiễm HIV, cũng sẵn sàng chấp nhận, sinh nghề tử nghiệp mà".

Với một bác sĩ dạn dày kinh nghiệm nhất đã vậy, các BS trẻ mới vào nghề thì sao? Khi tâm sự với tôi, ai cũng bảo, nghề bác sĩ cũng giống công an, phải biết dũng cảm và chấp nhận hi sinh. Chuyện săn bắt cướp bị cướp bắn trả đã xảy ra nhiều, điều trị cho bệnh nhân HIV bị phơi nhiễm lao, HIV, bác sĩ BV 09 cũng đã từng "dính". Ngay cả bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Tú, khoa Nội, mới "đầu quân" về BV từ đầu năm nay cũng xác định, đã làm bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ truyền nhiễm, khó tránh khỏi chuyện phơi nhiễm. Nếu sợ phơi nhiễm mà bỏ việc thì tốt nhất không làm nghề y. Mấy năm trước, tại BV 09 từng xảy ra chuyện bệnh nhân nghiện ma túy (đồng nhiễm HIV), khi lên cơn nghiện đã đuổi đánh bác sĩ, cầm xilanh chích vào bác sĩ điều trị, may mà nhiều đồng nghiệp can thiệp kịp thời.

Phong bì... đi ngược!

Trước đây, tôi đã từng nghe BS Trần Quốc Tuấn (khi ấy là Trưởng khoa Truyền nhiễm của BV Đống Đa), nay là Giám đốc BV 09 kể câu chuyện cảm động: Một bà cụ 80 tuổi có con nhiễm HIV điều trị tại BV Đống Đa, nhà rất nghèo, mỗi bữa ăn, hai mẹ con gặm chung chiếc bánh mì. Nhưng có lẽ bà nghĩ, đã đến BV đều phải có “phong bì”, vì vậy, sau mấy ngày điều trị, bà cố dành dụm được 15.000 đồng bỏ vào phong bì để cảm ơn bác sĩ. BS Tuấn và nhiều đồng nghiệp chứng kiến cảnh này đã rớt nước mắt. Sau đó, chính anh và đồng nghiệp đã nhiều lần trả lại phong bì cho bệnh nhân. Không những thế, anh còn đứng ra kêu gọi những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ bệnh nhân của mình.

Nhưng tại BV 09, lại có những câu chuyện ngược lại. Một BS ở đây tâm sự, một người mẹ sau khi biết con mình được BV cưu mang, đã đến thăm con, đưa phong bì để cảm ơn, gửi gắm, dặn dò bác sĩ cẩn thận. Từ chối mãi không được, nghĩ họ tủi thân, đành phải nhận, nhưng sau đó, bác sĩ đưa lại bệnh nhân. Cứ nghĩ người mẹ ấy phải quan tâm và thương con lắm. Nhưng cả năm trời con nằm viện, vẫn không thấy bóng dáng người mẹ đến thăm. Cho đến lúc không chống chọi được với bệnh tật, bệnh nhân qua đời, Trung tâm báo cho gia đình nhưng không ai đến nhận thi thể. Các bác sĩ đành phải làm thủ tục mai táng theo qui định.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Giám đốc BV và các đồng nghiệp đã chứng kiến nhiều cái chết của bệnh nhân AIDS, nhưng điều làm anh ấn tượng nhất vẫn là những người bệnh AIDS bị chết trong mùa rét. Nhiều hôm mưa, gió, bão bùng, trời rét căm căm, chỉ có bóng những người thầy thuốc áo trắng lầm lũi tiễn bệnh nhân về nhà tang lễ. Bác sĩ Tuấn tâm sự, rất nhiều bệnh nhân sống những ngày cuối đời ngắn ngủi ở đây, lúc nào cũng đi ra đi vào chỉ để ngóng chờ một khuôn mặt, một giọng nói quen thuộc của người thân. Trông họ như những kẻ tâm thần, mê sảng trong thế giới của riêng mình. Mà sự thật, tại đây, cũng không ít người trong những ngày ngắn ngủi còn lại của mình đã phát điên thật sự bởi bị chính người thân sao nhãng, bỏ quên, coi như họ chưa từng tồn tại trên thế gian này. Bởi thế, bác sĩ không chỉ là người điều trị, mà còn kiêm luôn vai "chuyên gia tâm lý" để động viên, an ủi bệnh nhân. Liều thuốc tinh thần nhiều khi còn có giá trị hơn cả thuốc giảm đau, kháng khuẩn.

Còn đó những nỗi niềm...

Tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân AIDS của những bác sĩ nơi đây mới thấy, đó là công việc không phải ai cũng làm, cũng gắn bó được. Chính vì vậy, hiện BV vẫn thiếu bác sĩ trầm trọng. Để "xin" được người đã khó, để giữ được người càng khó hơn.  5 năm qua, năm nào BV cũng đi "xin người", nhưng mãi đến đầu năm nay, mới tiếp nhận được một BS về làm việc. BS Tuấn tâm sự, mặc dù, những cán bộ y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân AIDS được hưởng thêm 70% lương; TP hỗ trợ 700.000 đồng/tháng; ngoài ra họ còn được hưởng chế độ độc hại 0,4%; tiền bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật (tương đương 10.000 đồng/ngày) nhưng đời sống của cán bộ viên chức BV vẫn vô cùng khó khăn. Hiện vẫn có đến gần 80% cán bộ, nhân viên BV phải đi thuê nhà ở. Tuy nhiên, buồn vì điều này thì ít, mà đau lòng vì cảnh nhiều gia đình ngược đãi, kỳ thị với bệnh nhân, kỳ thị "oan" sang cả bác sĩ thì nhiều.

Rời BV 09, tôi đã bị ám ảnh bởi lời tâm sự của các bác sĩ, ở đây, cứ 10 đám tang thì 8 -9 đám không có người thân tới dự, không tiếng khóc xót thương, có chăng chỉ là những giọt nước mắt của người thầy thuốc.

Chợt nghĩ, nếu Bộ Y tế muốn thí điểm nói không với "phong bì" và thực hành y đức, nên chăng, lãnh đạo ngành y luân chuyển cán bộ về những nơi điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối như BV 09 này. 

Theo KTĐT