Đó là lời tâm sự của bác sĩ Thành An hồi tưởng lại những đoạn kí ức buồn trong quãng đời làm bác sĩ của mình.
Bác sĩ Thành An tâm sự: "P. nằm đó, xanh mét sau tai nạn lao động: tràn khí dưới da cổ ngực, gãy xương đòn trái, mé trái gốc cổ có vết thương sát khí quản, dài chừng 1cm, chảy ít máu, may mà không đụng vào mạch máu.
Tôi nhìn phim chụp lồng ngực, đầu xương đòn gãy còn ở bên ngoài, chưa chọc vào phổi, nghĩ đến tràn khí dưới da do chấn thương khí quản. Ngày sau giao ban, khoa ngoại báo cáo: tràn khí dưới da do gãy xương đòn, đã xử trí kéo nắn và cho mang đai… Tôi thêm: chấn thương khí quản nữa. 2 ngày sau, P. xin về vì cảm thấy đã đỡ và do vấn đề tài chính.
Về nhà được 3 ngày, xuất hiện khó thở, thở ra có tiếng rít khi gắng sức. Sau 2 ngày nữa, P lại phải nhập viện lại lúc gần sáng vì khó thở dữ dội. Giao ban báo cáo: khó thở do chấn thương khí quản… Không còn nghi ngờ gì nữa.
Tôi nhìn bên ngoài vết thương được khâu: khô không sưng nề, tràn khí dưới da đã tiêu gần hết. Phim lồng ngực không phát hiện bất thường. Phải có cái gì đó cản trở trong lòng khí quản. Thật không may lúc đó, máy nội soi trục trặc không soi được.
Đầu giờ chiều, P. lên cơn khó thở dữ dội sau tiểu tiện, một gắng sức nho nhỏ thôi. Tôi đành chuyển gấp P. lên tuyến trên. Có ngờ đâu, 3 ngày sau, tôi nhận được tin: P. đã mất. Bàng hoàng, em mới 26 tuổi, day dứt, dày vò: giá như tôi đề nghị chú trọng hơn nữa chấn thương khí quản, giá như P. đừng xin về và không cho về, giá như máy soi không trục trặc và 3 ngày ở tuyến trên có thể can thiệp tốt hơn?!
Một trường hợp khác, người bệnh được chẩn đoán lao phổi, uống thuốc 20 ngày, mệt quá nên bỏ. Cùng lúc hai đầu gối sưng to, đau. Ra một bệnh viện quân y lớn ở Hà Nội, chẩn đoán gút, tìm vi khuẩn lao trong đờm không thấy giải thích, không mắc bệnh lao, cho về. Người bệnh chỉ còn da bọc xương, hai đầu gối sưng to không đi lại được. Chụp phổi tổn thương vẫn còn ở hạ đòn trái. Chụp khớp có tiêu xương ở 1/3 dưới xương đùi. Hội chẩn, tôi cho ý kiến: lao phổi bỏ trị, lao xương khớp.
Chuyển bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh. Bệnh viện lao bỏ chẩn đoán lao phổi trước của họ, chuyển bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện tỉnh chuyển Bệnh viện Bạch Mai và hiện nay người bệnh đã ở Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trung ương với chẩn đoán lao xương khớp. Tôi không dám dùng thán từ “chao ôi” nữa mặc dù đã nhận mình là “ông chao ôi”. Chỉ an ủi: chấp nhận thôi cháu ạ, ít nữa có thể lại về bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh đấy. Tôi thấy mình thật tệ vì chẳng giúp gì được cho người bệnh.
BS. Thành An