Chưa hạ lãi suất vay, ngân hàng huy động vốn làm gì?

Google News

"Sớm hay muộn thì các ngân hàng này cũng sẽ phải giảm lãi suất cho vay", TS. Lê Đăng Doanh khẳng định.

(Kienthuc.net.vn) - Sau hơn hai tuần giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn chưa giảm. Điều này khiến tình trạng DN “khát” vốn vẫn rất khó để gặp ngân hàng.

Thực trạng này đã đặt ra câu hỏi các ngân hàng liên tục huy động vốn trong thời gian qua để làm gì? Các chuyên gia kinh tế cho rằng ngân hàng tiếp tục huy động vốn, trong khi đầu ra không cải thiện càng thể hiện rõ tính thanh khoản của các ngân hàng rất kém và họ đang cần bù đắp sự mất cân đối này. 

Lãi suất cho vay chưa giảm. Ảnh minh hoạ

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam: “Nợ quá hạn của ngân hàng hiện nay quá cao, bất động sản, chứng khoán giảm sút dẫn đến tình trạng xấp xỉ 80.000 doanh nghiệp phá sản, khoảng 100.000 doanh nghiệp không thể hoạt động”.

“Nợ xấu của ngân hàng rất cao, thanh khoản của ngân hàng rất có vấn đề. Bình quân thời gian huy động là 0,9 tháng trong khi đó cho vay là từ 4 - 6 tháng. Như vậy chênh lệch về thời gian là quá lớn tạo ra rủi ro cao. Bên cạnh đó là tình trạng cho vay chéo giữa các ngân hàng chưa được giải quyết triệt để tạo ra giá trị ảo”.

Ông cho rằng bản thân ngân hàng hiện nay cũng muốn cho vay, tuy nhiên ngân hàng cũng là DN, bản thân họ cũng cần cấp vốn và bảo đảm nguồn vốn. Với nhiều DN đang mất khả năng trả nợ như hiện nay thì ngân hàng cũng rất khó để có thể cấp vốn.

Nhận định về việc giảm lãi suất huy động nhưng các ngân hàng chưa giảm lãi suất cho vay, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng điều này khiến mọi người nghi ngờ về tính chính xác trong báo cáo về tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại hiện nay. Tuy nhiên, “sớm hay muộn thì các ngân hàng này cũng sẽ phải giảm lãi suất cho vay”, TS. Lê Đăng Doanh khẳng định.

Cũng xung quanh vấn đề về “sức khỏe” của các ngân hàng thương mại, có ý kiến đã cho rằng một số ngân hàng đang ỷ vào vai trò là mạch máu của nền kinh tế nên sẽ được nhà nước gánh đỡ và “không thể chết” dẫn đến có những hoạt động thiếu tích cực, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, những chính sách điều chỉnh của NHNN gần đây, đặc biệt là động thái thúc đẩy sáp nhập và hợp nhất chính là để tránh cho các ngân hàng bị phá sản.

Ông cũng ủng hộ việc NHNN thực hiện phân loại ngân hàng, hạn mức tín dụng. “Đây là biện pháp cần thiết. Việc hạn mức này sẽ giúp các ngân hàng yếu kém giảm bớt huy động thêm mà thay vào đó là tái cơ cấu lại vốn”, TS. Lê Đăng Doanh nhận định.

Vũ Chương