Các khu vực ngoại ô Berlin đã rơi vào tay Hồng quân Liên Xô và chiến tranh ác liệt đã lan vào trung tâm thành phố. Các ổ kháng cự của quân Đức bị nã pháo dồn dập.
|
Ngày 24/4/1945, chiến tranh ác liệt đã lan vào trung tâm thủ đô Berlin. |
Đầu tháng 4/1945, Hồng quân Liên Xô đã chuẩn bị đánh chiếm Berlin để kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi trùm phát xít Hitler không còn ảo tưởng về “vũ khí thần kỳ”, phần lớn dân chúng Berlin cũng biết rõ những gì đang chờ đợi họ.
Số phận của Đức Quốc xã đang được tính bằng ngày và bộ máy tuyên truyền của trùm thông tin Joseph Goebbels chẳng khác gì “một ban nhạc chơi ầm ĩ trên con tàu sắp đắm”.
Những câu chuyện tiếu lâm “cười ra nước mắt” lan truyền khắp nơi. Đại loại như, trước đây lực lượng cao xạ ở Berlin bắn 100 phát đạn vào một máy bay đối phương, còn bây giờ người ta chỉ còn bắn một viên đạn vào 100 máy bay địch đang đến gần.
Bị huy động tham gia đào đắp công sự và các ổ đề kháng, cư dân Berlin không còn giấu giếm thái độ phản đối chế độ Đức Quốc xã như trước.
Người ta vẫn đến chỗ làm việc đúng giờ theo thói quen của người Đức. Người ta vẫn ở lại Berlin bởi vì họ chẳng thể vượt qua vòng vây dày đặc của Hồng quân Liên Xô để đi sơ tán.
Hồi đầu tháng 4/1945, trong khi đó các bộ ngành của Đức Quốc xã đã bắt đầu di chuyển khỏi Thủ đô Berlin, hơn hai triệu rưỡi cư dân Berlin vẫn ở lại thủ đô Đức Quốc xã và chờ đợi cuộc tấn công dứt điểm của Hồng quân Liên Xô.
Trùm phát xít Hitler và bộ sâu thân cận cũng ở lại Berlin, mặc dù “hang sói” của ông ta đã được chuẩn bị sẵn ở khu vực đồi núi Obersalzberg, với các căn phòng kiên cố chịu được bom đạn.
Hitler nhiều lần tính chuyện tự sát
Thủ đô Berlin luôn là mục tiêu chiếm hữu của trùm phát xít Adolf Hitler từ hồi đầu những năm 1920 và ông ta đã tìm cách chinh phục mục tiêu này từ năm 1928 đến năm 1933.
|
Sau chiến dịch phản công Ardennen thất bại hồi cuối năm 1944, Hitler đã nhận ra ngày tàn của Đế chế thứ ba và của ông ta đang đến rất gần. |
Sau chiến dịch phản công Ardennen thất bại hồi cuối năm 1944, Hitler đã nhận ra ngày tàn của Đế chế thứ ba và của ông ta đang đến rất gần. Trong mấy tháng còn lại, Hitler đã không đưa ra một quyết định sáng suốt nào, mà dường như đã phó mặc cho “số phận đưa đẩy” đến khi không còn đường thoát thân.
Hitler đã nhiều lần nghĩ đến chuyện tự sát. Ý nghĩ này đã xuất hiện trong đầu ông ta sau cuộc đảo chính bất thành năm 1923 và trong tháng 12/1932, khi canh bạc “được ăn cả, ngã về không” của ông ta bị trắng tay, dẫn đến chia rẽ nghiêm trọng trong đảng Quốc xã.
Hầm ngầm chỉ huy của Hitler ở trong khuôn viên Phủ Thủ tướng có thể trụ vững trước mọi loại bom đạn thời Chiến tranh thế giới thứ hai, với các bức tường bê tông cốt thép dày tới 4m. Chỉ có điều, nó có thể trụ vững trước đạn pháo tầm xa, chứ không thể chống cự bộ binh trong cận chiến.
Hầm ngầm tiêu tốn tới 1,4 triệu Reich Mark này không được thiết kế để chống lại bộ binh cận chiến và không có các ụ đề kháng.
“Ngày tận thế” đang đến rất gần
Thất bại hoàn toàn chỉ còn là vấn đề thời gian. Thế nhưng, trong hầm ngầm, Hitler vẫn hành động như thể chẳng có gì xảy ra.
Ông ta vẫn đề bạt các viên tướng trung thành, tập hợp các đơn vị quân đội đã bị đánh tan từ lâu và thậm chí còn gửi điện chúc mừng đến lãnh đạo của một nước liên minh. Người nhận điện chính là trùm phát xít Ante Pavelić ở Croatia. Vào thời điểm đó, Đức Quốc xã không còn đồng minh nào khác.
Hitler không nghĩ đến chuyện đầu hàng. Ông ta muốn chiến đấu đến cùng, mặc dù không còn ảo tưởng về “vũ khí thần kỳ” đảo ngược cục diện chiến tranh như trước đây. Trên thực tế, các kho vũ khí thông thường của quân Đức đang ngày càng trống rỗng, chứ nói gì đến “vũ khí thần kỳ”.
“Ngày tận thế” của Hitler đã đến rất gần, nhưng cái con người cuồng vọng này muốn lôi theo hàng vạn cư dân Berlin đi vào cái chết cùng với ông ta.
Minh Châu (Theo báo Đức Die Welt)