Bí mật về Đội trưởng đội vệ sỹ của Mao Trạch Đông

Google News

Ông Uông Đông Hưng, nguyên Đội trưởng đội vệ sỹ của Mao Trạch Đông đã qua đời vào lúc 5h 28 phút ngày 21/8 ở Bắc Kinh, hưởng thọ 99 tuổi. 

Tuy là một trong bốn Phó Chủ tịch đảng Cộng sản Trung quốc, là người đứng thứ 5 trong Bộ Chính trị, nhưng có quá ít bài báo, tài liệu nói về người đội trưởng đội vệ sĩ Uông Đông Hưng. Và mặc dù từng bị liệt vào một trong những tâm phúc của "bè lũ 4 tên", nhưng ông Uông Đông Hưng lại là người trực tiếp chỉ huy chiến dịch bắt "bè lũ 4 tên".
Được chọn làm vệ sỹ
Tờ Tuần báo Phương Nam từng dẫn lại lời Chủ tịch Mao Trạch Đông nói về ông Uông Đông Hưng: "Tôi không tin tưởng nhiều người, nên thường cắt cử Uông Đông Hưng theo sát mình". Ông Uông Đông Hưng là người đứng đầu đội vệ sỹ của Chủ tịch Mao Trạch Đông, đồng thời là chỉ huy "Bộ đội 8341" trong nhiều thập kỷ.
Ông Uông Đông Hưng sinh ngày 1/1/1916 tại Dặc Dương, huyện Thái Hòa, tỉnh Giang Tây, trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1927, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lập căn cứ du kích ở núi Tĩnh Cương, tỉnh Giang Tây được ít lâu, ông Uông Đông Hưng đã gia nhập tổ chức "Hồng tiểu quỷ" của Đội thiếu niên Cộng sản. Năm 1933, Uông Đông Hưng được phiên chế vào Hồng quân, và làm cảnh vệ tại Cục Bảo vệ quân khu Mân Tráng, mặc dù ông chưa trải qua bất cứ một khoá đào tạo chính quy nào. Sau đó ít lâu, ông Uông Đông Hưng được cử làm bảo vệ cho Chủ tịch Mao Trạch Đông.
 

Bi mat ve Doi truong doi ve sy cua Mao Trach Dong-Hinh-2
 Ông Uông Đông Hưng luôn bên cạnh Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Một trong những nguyên nhân khiến ông Uông Đông Hưng được chọn làm nhiệm vụ quan trọng này bởi xuất thân rõ ràng, trong sạch, sớm đi theo cách mạng và khi đó Quốc dân đảng đang tìm cách tiêu diệt Đảng Cộng sản, còn chàng thanh niên này lại sinh ra và lớn lên ở vùng núi Tĩnh Cương nên thông thạo địa hình, có thể tìm đường tẩu thoát nhanh chóng, dễ dàng. Uông Đông Hưng từng bảo vệ Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và một số cán bộ lãnh đạo cấp cao khác rút khỏi Diên An trước những cuộc tiến công của quân Quốc dân đảng do Hồ Tùng Nam chỉ huy.
Sau khi nhận nhiệm vụ, ông Uông Đông Hưng không những tỏ ra rất mực trung thành, mà còn bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, nấu ăn, làm cần vụ cho Mao Trạch Đông, nên được Chủ tịch tin dùng. Và những lúc nhàn rỗi, Chủ tịch Mao Trạch Đông thường dạy ông Uông Đông Hưng đọc, viết và giáo dục lý luận cách mạng, nên tình cảm giữa 2 người được hình thành từ khi đó. Sau hội nghị Tuân Nghĩa, Mao Trạch Đông được cử thay Chu Ân Lai giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương (tháng 1/1935), nên công tác bảo vệ càng được tăng cường và ông Uông Đông Hưng được giao lãnh đạo 12 cảnh vệ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch.
Theo hồi ký của một số nhân viên từng bảo vệ cho Chủ tịch Mao Trạch Đông, từ năm 1947, ông Uông Đông Hưng đã được bổ nhiệm làm Phó Tham mưu trưởng phương diện quân do Nhiệm Bách Thời làm Tư lệnh và Diệp Tử Long làm Tham mưu trưởng. Sau đó, ông Uông Đông Hưng được bổ nhiệm làm Phó Văn phòng thư ký kiêm Trưởng phòng Bảo vệ chính vụ viện (tiền thân của Quốc vụ viện). Về sau, tuy tên gọi và chức vụ của ông Uông Đông Hưng thỉnh thoảng lại thay đổi (từng là Phó Cục trưởng Cục 8 thuộc Bộ Công an), nhưng chức trách cơ bản không thay đổi - bảo vệ an toàn cho Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Khi Chủ tịch Mao Trạch Đông sang Moskva (từ tháng 12/1949 đến tháng 2/1950), ông Uông Đông Hưng cũng được cử đi theo phụ trách công tác bảo vệ. Đó là lần đầu tiên ra nước ngoài và xuất hiện công khai trước công chúng của ông Uông Đông Hưng. Trong 7 năm liền (1951-1958), ông Uông Đông Hưng không hề xuất hiện công khai trong bất cứ trường hợp nào. Chỉ có một lần duy nhất báo chí Trung Quốc nhắc đến ông khi dẫn lại tin của Tân Hoa xã (ngày 28/12/1955): Ông Uông Đông Hưng được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an. Nhưng chức vụ quan trọng nhất của ông Uông Đông Hưng khi đó là Cục trưởng Cục Bảo vệ Trung ương Đảng - hoạt động độc lập, tách khỏi các tổ chức an ninh và tình báo trong Quân-Chính-Đảng, chỉ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Mao Trạch Đông. "Bộ đội 8341" khi đó nằm hoàn toàn dưới sự chỉ đạo của ông Uông Đông Hưng.
Chỉ huy "Bộ đội 8341"
Ban đầu, ông Uông Đông Hưng chỉ huy một đội đặc biệt được gọi là "đội súng ngắn" với khoảng 30 tay súng trực thuộc Đoàn bảo vệ trung ương. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (1/10/1949), Đoàn bảo vệ trung ương được đổi thành "Bộ đội 8341". Mãi đến giữa thập niên 1970, "Bộ đội 8341" mới đổi phiên hiệu thành 57001. "Bộ đội 8341" có tới hàng vạn người, đảm trách bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Mao Trạch Đông, và các cơ sở quan trọng cùng những nhân vật trọng yếu của Quân-Chính-Đảng.
Sở dĩ gọi là "Bộ đội 8341" bởi khi còn ở Hương Sơn, Mao Trạch Đông từng gặp một đại lão hòa thượng học thuật cao siêu, và hỏi "khi nào thì nên vào Trung Nam Hải". Đại lão hòa thượng không nói không rằng, chỉ viết 2 số 99. Mao Trạch Đông lại hỏi: Quyền vị của mình giữ được bao lâu? Đại lão lại viết dãy số 8341.
Ngày 9/9/1949, Mao Trạch Đông vào Trung Nam Hải và đổi phiên hiệu đội bảo vệ của mình thành "Bộ đội 8341"; đồng thời hỏi một số bạn học vấn cao siêu như Quách Mạt Nhược, Chu Cốc Thành, Phạm Văn Lan về 2 thuật số 99 và 8341. Chỉ đến khi Mao Trạch Đông qua đời (ngày 9/9/1976), 2 thuật số kể trên mới được hóa giải: Mao Trạch Đông chết ngày 9/9/1976, thọ 83 tuổi (1893-1976) và tại vị 41 năm (1935-1976).
Có thể nói giai đoạn 1958-1960 là một bước thử thách quan trọng trong sự nghiệp chính trị của Uông Đông Hưng bởi khi đó ông "bị đày" về làm Phó Tỉnh trưởng quê nhà (Tỉnh trưởng khi đó là Thiếu Đức Bình). Trong thời gian này, ông Uông Đông Hưng được giao chủ quản lĩnh vực nông lâm và khai hoang, kiêm Bí thư Đảng ủy trường Đại học Lao động Cộng sản chủ nghĩa mới được thành lập (tạm thời gác chức Thứ trưởng Bộ Công an).
Sở dĩ có sự điều động này là vì trong thời gian đó, Chủ tịch Mao Trạch Đông đang phát động phong trào "cán bộ xuống cơ sở, sỹ quan xuống tiểu đội" với mục đích hồi phục sức sống cách mạng cho cán bộ và cải thiện quan hệ giữa sỹ quan và binh lính. Nhưng chuyến đi thực tế này của ông Uông Đông Hưng còn có một trọng trách khác, đó là phối hợp với địa phương thành lập các công xã nông thôn để phục vụ "Đại nhảy vọt".
Ngoài ra, ông Uông Đông Hưng còn tham gia công tác xây dựng và quản lý trường Đại học Lao động Cộng sản chủ nghĩa bởi đây là loại trường kết hợp công-nông nghiệp "không chính quy", với đối tượng chiêu sinh là cán bộ trẻ và trung niên, vừa học, vừa làm. Nhưng đến năm 1961, số phận của trường đại học này bị đe dọa. Vì sau khi "Đại nhảy vọt" thất bại, Lưu Thiếu Kỳ đã ra lệnh cho các trường, viện "không chính quy" như trường Đại học Lao động Cộng sản chủ nghĩa (những trường như thế này được dựng lên ở khắp nơi vào cuối thập niên 1950) phải giải tán. Uông Đông Hưng đã yêu cầu Chủ tịch Mao Trạch Đông cứu "sản phẩm kết tinh" này, nên ngày 30/7/1961, Mao Trạch Đông đã viết một bức thư gửi cho trường Đại học Lao động Cộng sản chủ nghĩa, xác định "phương hướng giáo dục" và đánh giá cao thành tích của nhà trường đã đạt được trong thời gian qua, thậm chí kêu gọi các tỉnh, thành khác phải học tập kinh nghiệm của trường này.
Bi mat ve Doi truong doi ve sy cua Mao Trach Dong-Hinh-3
Ông Uông Đông Hưng (giữa) trong Trung Nam Hải.
Điều thú vị là 16 năm sau (tháng 7/1977), nội dung bức thư của Chủ tịch Mao Trạch Đông lần đầu tiên được đăng trên báo chí Trung Quốc, tuyên truyền cho sự trưởng thành và tiến bộ của trường Đại học Lao động Cộng sản chủ nghĩa. Thời kỳ đó, được Chủ tịch Mao Trạch Đông quan tâm, nhắc nhở là vốn chính trị quan trọng nhất, nên việc này đã được ông Uông Đông Hưng tận dụng để tăng cường thêm uy tín cho mình.
"Có công cứu giá"
Mặc dù khá bận rộn với công việc tại tỉnh Giang Tây, nhưng tháng 12/1960, ông Uông Đông Hưng vẫn được tái bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an do Bộ trưởng Tạ Phú Trị lãnh đạo. Nhưng trong giai đoạn 1961-1965, tên tuổi của ông Uông Đông Hưng rất ít xuất hiện trên báo chí và đây là thời kỳ Chủ tịch Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ đang có xung đột về nhiều vấn đề.
Trong năm 1965, cán bộ chiến sĩ thuộc "Bộ đội 8341" được cử tới các địa phương để thu thập tài liệu nhằm tuyên truyền cho "Chương trình giáo dục xã hội chủ nghĩa" của Chủ tịch Mao Trạch Đông, gọi tắt là "23 điều". Đây là việc làm nhằm bác bỏ sự kiểm soát của Lưu Thiếu Kỳ đối với phong trào này, cũng như tìm cách lái đi theo hướng của Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Ngoài việc ủng hộ cương lĩnh chính trị của Chủ tịch Mao Trạch Đông, ông Uông Đông Hưng còn "do thám" một số lãnh đạo thuộc Quân-Chính-Đảng. Nhờ đó mới phát hiện, "đồng đảng" với Bành Chân, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Thị trưởng Bắc Kinh là Dương Thượng Côn, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, đã đặt máy nghe trộm tại phòng làm việc của Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Những điều này được tờ Nhân dân nhật báo số ra ngày 8/9/1977 đăng tải. Và người có công phát hiện ra máy nghe trộm là ông Uông Đông Hưng và Cục trưởng Cục Bảo vệ Trung ương Đảng đã kiến nghị với Chủ tịch Mao Trạch Đông tương kế tựu kế - cung cấp thông tin giả cho đối phương. Và việc này có hiệu quả - cả Bành Chân và Lưu Thiếu Kỳ đều bị lừa vì không nắm được "tư tưởng chỉ đạo" thật sự của Chủ tịch Mao Trạch Đông trong một thời gian tương đối dài.
Nhưng sau sự kiện Thứ trưởng Bộ Công an Uông Đông Hưng tháp tùng Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ thăm Pakistan, Afghanistan và Myanmar trong 3 tuần (từ hạ tuần tháng 3 đến giữa tháng 4-1966) vụ nghe trộm đã kết thúc. Bởi trong thời gian Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ thăm Pakistan, Afghanistan và Myanmar, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng Lâm Bưu, Khang Sinh, Trần Bá Đạt và Giang Thanh chuẩn bị công kích ông và Bành Chân cùng những "cộng sự". Sau khi ông Lưu Thiếu Kỳ rời Pakistan được 2 ngày (26/3/1966), Bành Chân và những người khác đã bị chỉ trích mạnh trong hội nghị cấp cao.
Và ngày 16/4/1966, cuộc đấu giữa Chủ tịch Mao Trạch Đông với Bành Chân lên tới đỉnh cao. Chủ tịch Mao Trạch Đông đã triệu tập phiên họp bất thường của Thường vụ Bộ Chính trị tại Hàng Châu để lên án "tội ác" của Bành Chân. Mặc dù ông Lưu Thiếu Kỳ biết tin này khá sớm, và về nước, đến Hàng Châu để kịp dự phiên họp này, nhưng khi Chủ tịch nước tới, cuộc họp đã kết thúc và số phận của Bành Chân đã được định đoạt.
Theo Cảnh sát toàn cầu