Đã quá giờ ăn trưa, sau một cuộc họp kín đầy mệt mỏi ở Capitol Hill về các chương trình tình báo, bốn quan chức cấp cao của NSA lái xe quay trở lại trụ sở. Fran Fleisch, Giám đốc điều hành của NSA, nhân vật cao cấp và quan trọng thứ ba trong cơ quan này nhìn vào tờ lịch trình kín đặc tiếp theo và biết rằng, bà sẽ không kịp có một bữa trưa. Lôi túi bỏng ngô trong túi ra, bà phân phát chút “lương khô” ấy cho đồng nghiệp cũng đang cồn cào vì đói.
Đó là một cử chỉ đơn giản nhưng phản ảnh được tất cả những gì mà các nhân viên NSA thường hay nói về bà: “Như một bà mẹ chu đáo, chăm sóc cho NSA như gia đình”. Không phải Tướng Keith Alexander, Giám đốc NSA hay Phó Giám đốc Chris Inglis mà chính là Fran Fleisch mới là người đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình, đang trực tiếp điều hành và lo toan cho NSA.
|
Giám đốc điều hành NSA Frances J. Fleisch |
Khi mà Tướng Keith Alexander, Giám đốc của NSA và vị phó của mình, ông Chris Inglis thường xuyên phải ra khỏi văn phòng để vật lộn với để giải quyết các hậu quả do Edward Snowden để lại từ các cuộc họp với Nhà Trắng, các phiên điều trần với Quốc hội đến trả lời báo chí thì bà Fleisch lại hiếm khi rời khỏi nhiệm sở. Bà hiểu NSA cần phải có một nội tướng lèo lái giữa cơn hoạn nạn. “Bà ấy là người bảo đảm cho NSA có thể hoạt động. Nếu không có Fleisch không biết NSA sẽ vận hành ra sao?”, một nhân viên tình báo cấp cao của NSA cho biết
Kể từ tháng 6, sau khi Snowden tiết lộ những thông tin mật đầu tiên cho báo chí, hai người đứng mũi chịu sào đầu tiên là Alexander và Inglis đã có những phiên điều trần trước Quốc hội, và ít nhất đã có 22 bài trả lời phỏng vấn và diễn thuyết trước công chúng. Những yêu cầu thông tin từ các nhà lập pháp và điều tra đã xáo trộn NSA trong suốt nhiều tháng qua, nhưng các công việc ở NSA vẫn không hề bị chậm lại. Cơ quan vẫn bận rộn xử lý các dữ liệu lớn và duy trì tập trung vào các điểm nóng trên thế giới thời gian này trong đó có Iran và Syria. “Thế giới không có nút tạm dừng và NSA cũng vậy”, Stephanie O’Sullivan, Phó Giám đốc tình báo quốc gia nói.
Trong trường hợp không có các nhà lãnh đạo cấp cao, Fleisch là người điều hành các cuộc họp sáng ở NSA, nơi mà các thành viên cốt cán thiết lập ra các ưu tiên và yêu cầu cấp bách với công tác tình báo trong ngày (cung cấp thông tin tình báo cho các lực lượng chiến đấu là một trong những nhiệm vụ chính của NSA).
Fleisch không chỉ điều hành những đặc vụ thường xuyên liên lạc với mình mà còn phải trực tiếp báo cáo công việc với các lãnh đạo ở Lầu Năm góc. Thường thì đây là công việc của nhân vật quan trọng thứ hai của NSA, Inglis nhưng giữa một thời điểm không bình thường như hiện nay, Fleisch đang phải đảm đương toàn bộ.
Fleisch tiết lộ với tờ Foreign Policy rằng, NSA đang phải chịu một áp lực lớn từ những vấn đề nội bộ của chính phủ Mỹ và quá trình cắt giảm ngân sách bắt buộc trong năm nay. Bà đang phải nỗ lực xây dựng một kế hoạch vận hành NSA ngay cả khi nhiều nhân viên phải cho về nghỉ hưu sớm.
Fran Fleisch biết đến NSA hoàn toàn là một sự tình cờ. Mặc dù theo học chuyên ngành kinh tế và tài chính tại Wharton, sau đó đi làm tại phố Wall như bao cử nhân kinh tế khác nhưng Fleisch lại có một sự ham thích đặc biệt với các ngôn ngữ. Bà thông thạo tiếng Nga, Pháp và tiếng Latin. Trong một lần tham dự một khóa học mùa hè về tiếng Nga, Fleisch đã tình cờ lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển dụng NSA, những người đang rất cần một chuyên gia phân tích ngôn ngữ Nga. “Thời điểm đó, tôi thậm chí còn không biết NSA là cái gì. Ban đầu, họ “thu phục” chúng tôi bằng lời kêu gọi yêu nước, và tôi cho rằng, đó vẫn là những gì thôi thúc các nhân viên ở đây làm việc cho đến tận ngày hôm nay”, Fleisch nói.
Fleisch là một sự bổ sung thú vụ vào đơn vị đặc biệt chuyên về các vấn đề Nga, bởi từ trước đến nay đơn vị này hầu hết là nam giới và đều là những người lớn tuổi xuất thân từ quân đội. Fleisch đã trở thành một nhà ngôn ngữ, một chuyên gia phân tích các vấn đề về Nga và quan trọng hơn, bà còn chịu trách nhiệm chính cho các báo cáo tinh báo về Nga cho các lãnh đạo NSA trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh.
Sau 10 năm phục vụ cho các nhiệm vụ lớn nhỏ, Fleisch được thăng chức lên các chức vụ quản lý cao hơn. Khi Tướng Alexander nằm quyền quản lý Bộ Tư lệnh về An ninh mạng của Mỹ năm 2010, ông đã lên kế hoạch mở rộng đội ngũ nhân viên và san sẻ bớt quyền lực và trách nhiệm cho các cấp dưới. Tướng Alex đã quyết định làm sống lại chiếc ghế Giám đốc điều hành bị bỏ quên 10 năm nay ở NSA vào tay Fleisch. “Bà ấy là mẫu người ở nhà, quán xuyến được các công việc lớn, một nội tướng thực thụ”, một nhân viên của NSA nhận xét.
Các đồng nghiệp mô tả Fleisch như là một sự kết hợp hoàn hảo của một chuyên gia tình báo và một bà mẹ tận tuy. Khi không bận rộn với các thông tin tình báo mật thì bà lại lo lắng cho các nhân viên NSA, những người đang chịu nhiều tác động tâm lý từ vụ bê bối của Snowden, đặc biệt là với các nhân viên mới. “Thật khó khi mỗi ngày bật tivi hoặc mở một trang báo ra đọc lại thấy những công việc mà mình làm mỗi ngày bị miêu tả sai lệch đến mức bạn không còn nhận ra nhưng họ biết tất cả những người ở đây đang cố gắng làm những điều đúng đắn”, O’Sullivan nói.
Không giống như hai nhân vật cấp cao còn lại, Fleisch rất ít xuất hiện trước báo giới và truyền thông, thậm chí hình ảnh về bà còn rất hạn chế trên internet. Fleisch cho biết, bà không muốn thảo luận chi tiết về các hoạt động của NSA trên báo chí nhưng rõ ràng các nhân viên của bà đang bị ảnh hưởng ít nhiều từ các thông tin mà truyền thông đang cung cấp. Vì vậy cuộc phỏng vấn mới đây của Fleisch trên Foreign Policy là để “làm gương về tính minh bạch” của NSA không chỉ với công chúng mà ngay cả với các nhân viên của mình. Bà không muốn các nhân viên nghi ngờ chính công việc mà mình đang làm bởi sự thiếu trách nhiệm của Nhà Trắng hay lời nói hớ hênh của Tổng thống Obama rằng không nằm rõ được những gì NSA đang làm.
Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho hay, Phó tướng Inglis đang lên kế hoạch nghỉ hưu vào mùa xuân sang năm nên đã chuyển giao ít nhiều quyền lực và trách nhiệm quản lý sang tay Fleisch. Nhiều người còn tin chắc rằng, Fleisch sẽ đảm nhận vị trí giám đốc vào sang năm trước khi Tổng thống Obama đề cử một người thay thế mới. Có một sự thật thú vị mà Fleisch tiết lộ với báo giới rằng, hiện này có tới 40% đội ngũ lãnh đạo của các cơ quan tình báo là nữ giới, một con số cho thấy vai trò ngày càng cao của phụ nữ trong các hoạt động đặc biệt này.
Bình Nguyên (Theo Foreign Policy , CNN)