Mỹ, Nga đấu đá vì thị trường năng lượng Châu Âu

Google News

(Kiến Thức) - Việc Mỹ và Nga tranh giành thị trường năng lượng Châu Âu có thể khơi mào cho 1 cuộc Chiến tranh lạnh mới.

Mỹ và Nga xuất hiện trong sự kiện có lẽ sẽ trở thành cuộc Chiến tranh lạnh mới, và Châu Âu 1 lần nữa sẽ là trung tâm cuộc chiến. Nhưng cuộc chiến này không phải về quân sự mà về điện và khí đốt cho 10 triệu cư dân Châu Âu. Các điểm chính của cuộc chiến không phải là sự huy động quân đội, tiểu đoàn xe tăng và tên lửa mà là ống dẫn dầu, hải cảng và nhà máy năng lượng.
My, Nga dau da vi thi truong nang luong Chau Au
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (bên trái) đang trò chuyện cùng thủ tướng Bulgary Boyko Borisov trước khi chủ trì buổi họp báo chung diễn ra ở thủ đô Sofia, Bulgary ngày 15/1/2015.
Chính quyền Obama vừa áp dụng các trừng phạt lên Nga và tăng cường ủng hộ quân sự cho Ukraine, vừa thi hành chiến dịch rộng lớn để cắt giảm tín nhiệm của năng lượng Nga trong khu vực Trung và Đông Âu. Mỹ cho hay nếu thành công thì đây sẽ là “sự giải phóng” các nước Châu Âu khỏi nạn“bắt nạt kinh tế” từ thời Liên Xô cũ trong hàng thập kỷ.
Khi Mỹ tiến hành kế hoạch của mình thì Nga cũng đang có hành động đáp trả bằng việc cảnh báo các nước láng giềng về hậu quả của việc tìm nguồn cung nhiên liệu từ phía tây. Điện Kremlin đang cố gắng sử dụng chiến thuật với Mỹ trong cuộc cạnh tranh với việc mua sạch các cơ sở hạ tầng ống dẫn dầu trên toàn Châu Âu và kiểm soát không chỉ nguồn cung năng lượng dồi dào vào Châu Âu mà cả hành động của chính quyền các nước Châu Âu với các nguồn cung đó về sau.
“Đó là 1 ván cờ”, ông Amos Hochstein, đặc phái viên của Bộ ngoại giao Mỹ về vấn đề năng lượng quốc tế đưa ra nhận xét khi ông đang nghiên cứu bản đồ Châu Âu với các điểm nhỏ thể hiện mạng lưới đường ống dẫn dầu hiện tại và tương lai.
Mặc dù Mỹ đã tác động lên các nước đồng minh Châu Âu trong hàng thập kỉ về việc tìm nguồn cung dầu mỏ, khí đốt, than và hạt nhân mới nhưng chính cuộc khủng hoảng ở Ukraine mới khiến Mỹ và Nga chính thức chạy đua trong việc giành thị trường năng lượng. Sự kiện Nga sát nhập Crimea năm 2014 và ủng hộ các nhóm quân ly khai trong cuộc nội chiến Ukraine đã làm Châu Âu thay đổi suy nghĩ và cân nhắc lại việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Tháng 1/2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có chuyến viếng thăm tới Bulgaria để đẩy mạnh mục tiêu trở thành nguồn cung khí đốt mới và đề xướng việc thành lập công ty để xây dựng nhà máy hạt nhân mới. Khí đốt và năng lượng hạt nhân của Bulgaria có tới 85% đến từ Nga. “Đã giành phần thắng trong cuộc chiến” là những lời ông Kerry tuyên bố với các phóng viên ở Đại sứ quán Mỹ tại Sofia, thủ đô Bulgary.
Tháng 11/2014, Phó tổng thống Joe Biden cũng đã tới thăm Romania, Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích tương tự.
Bà Victoria Nuland, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Châu Âu và Á Âu, và đặc phái viên Hochstein đã dành vài tháng để làm việc với Châu Âu về vấn đề điều phối năng lượng. Thông điệp của họ là: Tiếp tục thỏa hiệp vào lúc này sẽ càng phải chịu nhiều sức ép từ Nga.
Khi nguy cơ Nga mất thị phần tăng cao, chính quyền các nước Châu Âu và các công ty năng lượng cũng đang trong tình trạng giằng co làm cản trở nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung. Những nước lớn cảm thấy dễ dàng hơn khi thực hiện các thỏa hiệp riêng với chính quyền tổng thống Vladimir Putin.
Với sự ủng hộ của Mỹ, Lithuania và tới đây là Ba Lan sẽ nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tự nhiên từ Na Uy, Qatar và Mỹ. Những ống dẫn dầu mới sẽ được lắp đặt ở các nước Trung và Đông Âu để vận chuyển dầu từ tây sang đông và từ bắc tới nam. Chỉ trong vài năm, 1 hành lang phía nam vận chuyển chất đốt sẽ được hình thành từ biển Caspi qua các quốc gia Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ và tới Châu Âu.
Ông Hochstein cho hay Mỹ sẽ cắt 20% thị phần hiện tại của Nga ở thị trường khí đốt Đông Âu vào năm 2020. Trong khi Đông Âu chi tiền thì Mỹ mang tới công nghệ và ủng hộ chính trị. 
Tại Mỹ đang diễn ra tranh cãi về việc liệu Mỹ còn có thể can thiệp mạnh tay hơn nữa vào cuộc đối đầu này hay không. Cách mạng đá phiến sét đã khiến Mỹ vượt qua Nga và trở thành nhà cung cấp khi đốt số 1 thế giới, tuy nhiên sản lượng khí đốt xuất khẩu sang Đông Âu chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ. Do vậy, các nhà chức trách cho hay quả bom khí đốt của Mỹ đang gây ảnh hưởng tới vị thế xuất khẩu của Nga bằng việc kéo giá khí đốt thế giới xuống thấp trong khi sở hữu nguồn cung dồi dào.
Tuần trước công ty khí đốt Gazprom của Nga đã thông báo giảm 60% lợi nhuận trong quý 4/2014. Tuy nhiên, Nga cho biết sẽ không buông xuôi.
Khi các quan chức Mỹ đi vòng quanh Châu Âu vận động chính quyền các nước phục vụ cho dự án mới, các đại diện của Nga cũng đã nhanh chóng tiếp bước. 1 năm trước, Hungary đã thông báo thỏa thuận trị giá 11,3 tỉ USD với Nga để lắp đặt 2 lò phản ứng mới trên nền lò phản ứng hạt nhân cũ được xây dựng từ thời Liên Xô. 
Vào tháng 12/2014, ông Putin đã chấp nhận sự thất bại trong kế hoạch trị giá hàng tỉ USD để xây dựng 1 ống dẫn dầu vào Châu Âu qua biển Đen nhưng ông đã thề sẽ tăng cường nguồn cung cho Thổ Nhĩ Kỳ qua cơ sở hạ tầng hiện có và có thể xây dựng 1 đường dẫn mới để chuyển khí đốt cho Ai Cập và cả các nước khác.
Hải Yến (theo AP)