Người trốn thoát kể về “địa ngục” trong sào huyệt IS

Google News

Kasiki là một trong số ít những phụ nữ từng tới "thủ phủ" Raqqa của IS ở Syria và vô cùng may mắn thoát được cùng con trai của mình.

Sophie Kasiki, 34 tuổi, nhìn vào bức ảnh một thiếu niên nói tiếng Anh, mặc đồng phục rằn ri và trùm đầu màu đen đầy tiếng Ả Rập kêu gọi tiêu diệt những người không theo đạo trong áp phích tuyên truyền mới nhất của IS. Nước mắt trào ra, cô nghẹn giọng: “Đó đã có thể là con tôi. Thật khó khăn để nói ra điều này, nó làm tôi muốn khóc. Tôi thà tự sát và giết nó còn hơn là để nó rơi vào nanh vuốt của những con quái vật đó và biến thành kẻ sát nhân”.
“Những con quái vật” cô đề cập chính là phiến quân của tổ chức khủng bố IS. Cô đã khiến con trai 4 tuổi gặp nguy hiểm khi đưa con trai tới sào huyệt của nhóm khủng bố khét tiếng.
Theo mô tả của cô, đó là cuộc hành trình tới địa ngục và dường như không có lối thoát.
"Tôi cảm thấy tội lỗi và không thể sống với những gì mình đã làm, đem con trai tới Syria. Tôi căm ghét những kẻ lợi dụng sự ngây thơ, yếu đuối và thiếu an toàn của tôi. Tôi ghét chính bản thân mình".
Nguoi tron thoat ke ve “dia nguc” trong sao huyet IS
 Bìa tự truyện của Kasiki
Cô lấy biệt danh Kasiki do lo ngại IS trả thù. Người phụ nữ nhỏ bé với mái tóc gọn gàng có vẻ không hề liên quan gì tới Hồi giáo cực đoan. Sinh ra tại Congo trong gia đình Cơ đốc có hoàn cảnh khá đầy đủ, cô tới Paris sống với chị lúc 9 tuổi sau khi mẹ mất. Nỗi buồn từ cái chết của mẹ phủ bóng đen lên suốt tuổi trưởng thành và là vết thương mà thậm chí cuộc hôn nhân hạnh phúc cũng không thể cứu vãn.
Trong khi hoạt động xã hội giúp đỡ các gia đình nhập cư tại ngoại ô Paris, Kasiki cải sang Hồi giáo với hy vọng có thể khuây khỏa mà không kể với chồng. Niềm tin mới tạo vài xáo động trong tâm lý, và đưa cô đến với 3 thanh niên Hồi giáo kém 10 tuổi. 3 người này biến mất vào 9/2014 tới Syria, liên lạc với Kasiki hàng ngày.
Ban đầu cô tưởng rằng mình là người giữ liên lạc giữa họ và gia đình đang trông mong, nhưng thực tế là ngược lại. Cô tưởng mình kiểm soát được tình hình, nhưng có lẽ những tên này đã được đào tạo để dẫn dắt những người lạc lối như cô bằng cách đánh vào điểm yếu. Chúng biết cô mồ côi và cảm thấy không an toàn.
Nguoi tron thoat ke ve “dia nguc” trong sao huyet IS-Hinh-2
Thủ phủ IS tại Raqqa 
Vào 20/2/2015, Kasiki nói với chồng rằng sẽ mang con trai theo công tác ở một trại mồ côi tại Istanbul vài tuần. Tuy nhiên cô lần theo tuyến đường của các phần tử thánh chiến phía nam Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria.
Tới Raqqa, thực tế đã phá vỡ "thiên đường" mà những người đồng hương vẽ ra. Kasiki được yêu cầu giao nộp hộ chiếu, hạn chế liên lạc với gia đình ở Pháp, và che kín từ đầu tới chân.
Khi làm việc tại một bệnh viện phụ sản tại Raqqa, cô bị sốc vì điều kiện mất vệ sinh, nhân viên thờ ơ với bệnh nhân và phân biệt đối xử, ưu tiên "chiến binh nước ngoài kiêu ngạo" hơn hẳn người Syria bản địa. Cô gần như bị giam lỏng trong một căn hộ bỏ hoang cùng con trai. Chỉ mất 10 ngày, Kasiki nhận ra rằng mình đã rơi vào mê hồn trận nhờ đọc những lá thư tuyệt vọng và ảnh được chồng gửi liên tiếp qua email. Cô sớm nhìn ra sai lầm khủng khiếp của mình.
Khi xin được về nhà vì con trai cần gặp cha, IS bắt đầu quanh co, rồi sau đó đe dọa rằng vì là một phụ nữ sống đơn thân với con, cô không thể đi đâu, còn nếu ngoan cố sẽ bị ném đá hoặc bị giết.
Nguoi tron thoat ke ve “dia nguc” trong sao huyet IS-Hinh-3
Bà mẹ trẻ Kasiki 
"Tôi sợ rằng ai đó sẽ đưa tôi vào tù và con trai tôi ở lại với chúng. Tôi nói chuyện với con trai mọi lúc, cố gắng để nó nhớ về gia đình, cha mẹ, phải đối xử tốt với phụ nữ. Tôi làm thế với hy vọng nếu nó bị bắt đi, nó sẽ nhớ tới lời tôi mà không tham gia giết chóc" Kasiki thuật lại.
Khi một trong những người Pháp yêu cầu đưa cậu bé đi cầu nguyện tại nhà thờ, cô ngắt lời "Bỏ tay ra khỏi con trai tôi" Ngay sau đó cô nhận ra sai lầm, khi thân cô thế cô ở đất khách quê người. Người này đưa cả hai tới một madaffa "nhà khách" không khác gì trại tù giam cầm hàng chục phụ nữ.
Kasiki vô cùng choáng khi thấy trẻ em xem video giết chóc trên TV còn những bà mẹ vỗ tay hưởng ứng. "Những phụ nữ đó nhìn phiến quân IS như hoàng tử bạch mã, những kẻ mạnh mẽ, đầy quyền lực và sẽ bảo vệ họ. Cách duy nhất để thoát khỏi madaffa là kết hôn với một chiến binh, nhưng trên thực tế những phụ nữ này chỉ là "máy đẻ" cho IS".
Ngày tiếp theo, trong khi tất cả tất bật chuẩn bị đám cưới, Kasiki phát hiện ra một lối đi sau cánh cửa mở và bước ra. Cô đi không dừng bước. Việc thoát khỏi Raqqa vô cùng mạo hiểm. Sau khi được một gia đình địa phương mạo hiểm cho trọ, Kasiki liên lạc với nhóm quân nổi dậy Syria mà chồng cô liên hệ từ Pháp. Vào 24.4.2015, một người Syria đưa Kasiki với con trai trốn dưới áo niqab trên xe máy vượt biên Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu bị bắt lại hoặc phát hiện trốn thoát, chắc chắn cả 3 sẽ bị giết.
Nguoi tron thoat ke ve “dia nguc” trong sao huyet IS-Hinh-4
 Trẻ em cầm súng cho IS.
Khi về Paris, Kasiki đã bị tình báo Pháp thẩm vấn, tạm giam và cắt liên lạc với gia đình 2 tháng. Hiện vợ chồng cô đã đoàn tụ nhưng cô vẫn đang đối mặt với tội danh bắt cóc trẻ em.
"Tôi nhìn lại và không hiểu tại sao mình làm vậy. Tôi đã ngây thơ, bối rối, mong manh, dễ bị tổn thương, nhưng tại sao những kẻ đó có thể tẩy não tôi? Đó là bí ẩn mà tôi vẫn chưa thể giải đáp"
Kasiki biết mình đã vô cùng may mắn khi thoát khỏi IS, điều mà hiếm người bị tẩy não mắc kẹt tại Syria có thể hiểu được. Khi về Pháp, chồng cô cho cô xem bức ảnh con trai cầm khẩu súng trường tự động. Kasiki nói bức ảnh khiến cô thấy "phát ốm"
"Tôi luôn cảm thấy tồi tệ khi đưa con trai vào địa ngục trần gian, nhưng tôi phải mạnh mẽ sống tiếp. Quá khứ khó khăn đã qua. Chúng tôi đã sống sót thoát khỏi nhóm người đó. Bây giờ, tôi phải ngăn cản những người khác. Tôi chỉ có thể bảo họ "Đừng đi".
Theo Dân Việt