Thăm làng “cùi” biệt lập ở Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Chỉ còn 7 người sống lầm lũi, cô độc tại một làng hủi xa xôi, biệt lập với xã hội ở Trung Quốc trong khi hơn 80 người khác đã chết mà không một lần được gặp lại người thân.


7 cư dân còn sống sót của làng phong Luduo ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, những người bị bệnh hủi (hay còn gọi là bệnh phong) bị tẩy chay, xa lánh và hắt hủi. Lý do là, nhiều người cho rằng, bệnh hủi dễ lây và những ai mắc phải bệnh này là những người bị nguyền rủa.

Họ không biết rằng, thực tế bệnh hủi rất khó lây, không di truyền và có khả năng chữa khỏi. Do đó, những người chẳng may mắc căn bệnh hủi bị cô lập khỏi xã hội khi phải sống trong một làng riêng ở nơi heo hút, hẻo lánh và biệt lập.

Cụ bà Zhao Jin Feng với gương mặt khắc khổ và đôi tay co quắp vì bệnh phong đứng trước trạm y tế trong làng phong Luduo.
Cụ ông He Feng Xing, 73 tuổi bị đưa vào làng hủi năm 1953 từ khi còn là cậu thiếu niên 13 tuổi.
Cụ Zhao Jin Feng, 76 tuổi, tập tễnh bước vào nhà. Cụ Zhao được sinh ra tại làng hủi khi người mẹ thân sinh ra cụ bị đưa tới đây trong khi đang mang thai.



Làng Luduo, một trong gần 200 làng hủi ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ban đầu được thành lập với chưa đầy 80 người mắc bệnh này cùng chung sống thành một cộng đồng.

Số đầu người trong làng tiếp tục tăng lên khi nhiều người bị phát hiện mắc bệnh hủi được đưa tới đây. Tuy nhiên, hiện nay cả làng chỉ còn 7 người sống sót, cô độc và lầm lũi trong khi hơn 80 người khác đã chết mà không có cơ hội gặp lại gia đình, người thân một lần.

 Cụ ông Feng Xing buộc giày bằng những ngón tay đã bị co quắp lại vì bệnh hủi.
Các ngón chân đã bị co quắp lại vì bệnh tật của cụ bà Zhao Jin Feng.

2 cư dân của làng hủi Luduo, Tian Xing Fa (trái) và He Feng Xing, đều 73 tuổi. Ông Tian bị đưa đến làng này năm 1968 còn ông He tới đây năm 1953.


5 trong số 7 người bị đưa đến làng Luduo khi bị phát hiện mắc bệnh này trong khi 2 người khác được sinh ra ở đây khi mẹ của họ bị cách ly khi đang mang thai.

Bệnh hủi hay còn gọi là bệnh phong do vi khuẩn Hansen gây ra khiến cho da thịt người mắc bệnh thường phát nhọt, lở loét. Khi nặng hơn vết thương lõm vào da thịt. Lông mày rụng, mắt lồi ra, thanh quản bị lở nên giọng nói khàn. Sau đó các bắp thịt tiêu đi, gân cốt co làm các chi co quắp. Ở mức độ nặng ngón tay, ngón chân rụng dần.

 Cụ ông Tian Xing Fa hút thuốc tại làng hủi Luduo.
 Cụ ông He Feng Xing mắt đẫm lệ khi kể chuyện đời mình.

 Cụ bà Zhao Jin Feng khó nhọc dùng đũa ăn cơm trưa với đôi bàn tay mà các ngón đã co quắp vì bệnh tật.
 Cụ bà làng hủi Luduo cặm cụi và lặng lẽ ngồi đun nước.



Các làng hủi phổ biến nhất ở thời Trung Cổ, đặc biệt là ở châu Âu và Ấn Độ trong giai đoạn căn bệnh này lan rộng, trở thành nỗi kinh hoàng của cả thế giới. Nhiều người bị các bệnh ngoài da khác những bị hiểu lầm là bệnh hủi cũng bị đưa tới, sống cách ly tại các làng hủi.

Một cụ già ngồi dựa lưng vào vách nhà bằng gỗ ở làng hủi Luduo. Bức ảnh toát lên vẻ buồn thảm, thê lương và ảm đạm của ngôi làng hủi với những số phận bất hạnh bị xa lánh, cô lập khỏi xã hội.

Trong nhiều thế kỷ nhiều nền văn hóa còn cho rằng, những người mắc bệnh này là do bị trời phạt nên ngược đãi, thậm chí giết hại họ bằng những cách thức dã man như thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ǎn thịt.

Ngày nay, số người mắc bệnh hủi không nhiều và các nguyên lý lây nhiễm bệnh này đã được làm sáng tỏ và giải thích rõ ràng. Nhiều làng hủi bị đóng cửa. Tuy nhiên, những người mắc bệnh hủi từ trước vẫn phải đối mặt với ánh mắt kỳ thị của cộng đồng.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Bạch Dương