Chọn nghề lương cao, tiền nhiều phải trả giá thế nào?

Google News

Trước mùa tuyển sinh đại học, nhiều bạn trẻ chọn nghề có thu nhập cao nhưng khi học và làm việc mới nhận ra mình không đủ đam mê, tố chất để theo đuổi ngành này. 

Nhiều bạn chọn ngành nghề để thi đại học thường chạy theo những nghề thu nhập cao nhưng khi học và làm việc mới nhận ra mình không đủ đam mê, tố chất, tính cách không phù hợp để theo đuổi ngành học này. 
Vỡ mộng vì chọn nhầm ngành
Theo tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý học hướng nghiệp, Học viện Thanh Thiếu Niên Việt Nam, nhiều bạn trẻ chọn ngành nghề theo hình thức và “đam mê một nửa”, hoặc chạy theo mức thu nhập cao mà không biết mình có tố chất, năng lực, tính cách phù hợp yêu cầu của nghề đó không.
Rơi vào tình trạng này, Nguyễn Xuân Quyết (Tây Hồ, Hà Nội), cho biết, đã thi vào ngành báo chí “cho oai”, được đi nhiều nơi, quan hệ rộng. Nhưng khi học, tiếp xúc các phóng viên ở tòa soạn, Quyết mới nhận ra mình không phù hợp những yêu cầu nhanh nhạy, tư duy sắc bén, áp lực công việc cao. Quyết thở dài, “lẽ ra mình nên chọn nghề hướng dẫn viên du lịch”.
Chon nghe luong cao, tien nhieu phai tra gia the nao?
Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý học hướng nghiệp, Học viện Thanh Thiếu Niên Việt Nam.
Tương tự, Lê Ngọc Hân (Cổ Nhuế, Hà Nội) khẳng định, “thiết kế nội thất là đam mê lớn nhất của mình” từ thời học cấp 3. Sau thời gian ôn luyện vất vả thi đỗ Đại học Kiến Trúc, Hân phát hiện không hề thích thú khi “ôm” bản vẽ và các con số đo đạc.
Thực tế hiện nay, nhiều bạn trẻ chọn ngành nghề dựa vào “nghe nói nhiều tiền”, hay mốt thời thượng, mà không quan tâm năng lực bản thân có phù hợp không. Vì thế, không ít bạn trẻ “vỡ mộng” sau khi ra trường. Thậm chí, nhiều trường hợp phải bỏ dở, chuyển sang học ngành khác.
Tránh đam mê “một nửa”
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hết quý 3/2014, cả nước có 174.000 cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, chiếm 16,8% tổng số người thất nghiệp.
Một trong những nguyên nhân chính là lựa chọn ngành nghề đào tạo của thanh niên chưa sát thực tế, người học thiếu năng động, chủ động trong việc tìm việc làm.
“Hình thức nghề”, theo cách lý giải của tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, là những biểu hiện bên ngoài dễ nhận thấy của một công việc như mức lương, điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến… Đó có thể là những lợi ích mang tính đặc thù của từng ngành nghề.
Ông Hà cho biết, nhiều người trẻ thích xu hướng “hình thức nghề” mà không đi sâu tìm hiểu nội dung công việc.
“Có bạn thích làm ngân hàng bởi mức lương 10 đến 15 triệu đồng, nhưng không phải ai cũng chịu nổi việc cả ngày bị nhốt trong phòng với máy móc và những con số”, ông Hà nói.
Nhiều bạn trẻ vội đam mê một nghề khi thấy những người đi trước đạt nhiều thành công. Tuy nhiên, nếu không nghiên cứu kỹ nội dung trước khi chọn dễ dẫn đến thất bại. Thiếu tố chất, đam mê nửa vời, họ có thể bị loại khỏi nghề đó ngay từ khâu đào tạo. Nếu có qua “cửa” này, bạn trẻ cũng sớm bỏ cuộc hoặc bị đào thải, khi không phù hợp thực tế công việc. Thậm chí, họ còn là mối nguy cho xã hội nếu làm những nghề như bác sĩ, tài xế, giáo viên…
5 nguyên tắc, 4 câu hỏi
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, để chọn ngành nghề phù hợp năng lực bản thân, các bạn trẻ nên tham khảo một số nguyên tắc cơ bản.
Nguyên tắc 1: Chỉ chọn nghề phù hợp sở thích và hứng thú của bản thân.
Nguyên tắc 2: Chọn nghề mà bản thân đủ điều kiện đáp ứng: Xét dưới các yếu tố sức khỏe, tính cách, năng lực, điều kiện hoàn cảnh…
Nguyên tắc 3: Chỉ chọn khi đã hiểu biết đầy đủ về nghề: Điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức…
Nguyên tắc 4: Không chọn nghề xã hội không còn nhu cầu. Điều này đòi hỏi bạn trẻ phải tìm hiểu kỹ.
Nguyên tắc 5: Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Hà khuyên các bạn trẻ nên trả lời 4 câu hỏi khi chọn nghề. Đó là: Tôi thích nghề gì? Tôi phù hợp nghề gì? Tôi chọn nghề gì? Tôi nên học ở đâu?
Theo Tuổi Trẻ, cả nước hiện có khoảng 300 ngành học được tổ chức tuyển sinh tại 530 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng (bao gồm các phân hiệu), với gần 5.000 chương trình tuyển sinh.
Xu thế chọn ngành học có thay đổi nhưng qua sáu năm (2009 - 2014), các nhóm ngành có nhiều thí sinh lựa chọn nhất theo thứ tự từ cao xuống thấp là kinh doanh 12,12%; đào tạo giáo viên 9,75%; kế toán - kiểm toán 8,08%; tài chính - ngân hàng - bảo hiểm 7,02%; xây dựng 3,64%; luật 3,45%; y học 3,44%; công nghệ thông tin 3,38%; chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống 3,3%; nông nghiệp 3,24%.
Theo Zing