Nghe Sơn “rắn” say sưa kể chuyện rắn

Google News

(Kiến Thức) - TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội có biệt danh là Sơn "rắn".

Cầm điện thoại gọi cho anh hẹn gặp mà thấy... run, bởi anh có tiếng là khó. Không ngờ, khi bắt máy, nghe ầm ào đề nghị nói về rắn, anh hồ hởi nhận lời.

Nghiên cứu 8 loài rắn

Đúng hẹn, phóng viên có mặt tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Nhưng vừa thò mặt vào đã nhận được cái xua tay: "Nhiều bệnh nhân lắm, hay để hôm khác đi. Hoặc nếu chờ thì chờ lâu đấy!". Thôi thì chờ vì đã mất công đến. Chờ đứng chờ ngồi, đến khi nhá nhem tối mới gặp được anh để nghe những câu chuyện ngắt quãng giữa tiếng điện thoại, tiếng gõ cửa phòng, tiếng ký hồ sơ bệnh án soàn soạt...

TS Nguyễn Kim Sơn đã có 35 năm công tác hồi sức cấp cứu và chống độc. Anh cho biết: Bị rắn độc cắn rất nguy hiểm và nhiều bác sĩ muốn nghiên cứu đề tài này nhưng không phải ai cũng có cơ hội. Đề tài nghiên cứu về rắn độc cắn là tôi được giao làm. Chỉ nhìn vết thương là tôi biết được loài rắn nào cắn và có hướng điều trị ra sao.

Đề tài nghiên cứu bảo vệ Luận án tiến sĩ của anh đề cập đến 8 loài rắn Hổ. Đó là các loài: Cạp nong, 3 loài cạp nia (cạp nia Bắc, cạp nia Nam, cạp nia sông Hồng), rắn hổ (hổ đất, hổ mèo, hồ mang phì và hổ mang chúa).

Phần lớn rắn là lành


Vừa giở các loại tranh, ảnh, sách, tài liệu... về rắn, TS Nguyễn Kim Sơn vừa giảng giải: Cạp nia miền Nam (tên khoa học là Bungarus candidus) thì khúc đen khúc trắng gần bằng nhau. Cạp nia miền Bắc (tên khoa học là Bungarus multicinctus) thì khoang đen to hơn khoang trắng.

Cạp nong (Bungarus fasciatus) thì khúc đen, khúc vàng cả bụng lẫn thân, trong khi cạp nia chia khúc chỉ ở thân, còn bụng thì trắng (trừ cạp nia sông Hồng cả bụng cũng chia khoanh). Cạp nong luôn to hơn cạp nia...

Ở loài rắn hổ, hổ mang phì (tên khoa học là Naja kaouthia) khi tấn công bao giờ cũng bạnh ra và khi phì thì bạnh ngang. Loài này còn gọi là hổ đất, rắn phì, rắn 1 mắt kính... Hổ mang bành (tên khoa học là Naja atra), còn có tên là Chinese/Taiwan cobra, chỉ ở miền Bắc mới có. Hổ mèo (Indian cobra), tên khoa học là Naja siamensis có đặc điểm là 2 mắt kính nối với nhau, chỉ có ở miền Nam. Hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) có đặc điểm bành theo chiều dọc. Loài hổ mang này có những con nặng tới 12kg, dài 5,5m, thân của nó trông như bánh xe máy.

Hổ mang bành và hổ mang chúa đều hay tấn công người, trong khi nhiều loài rắn khác thấy người lại rúc chạy. Có loài rắn gọi là "khô mộc" vì trông như cành cây, cành củi khô, cần cảnh giác. Rắn lục có đặc điểm là đầu hình tam giác, mắt dọc, trong khi rắn hổ lại có đặc điểm đồng tử mắt tròn.

Ngoài ra, còn  có loại "rắn ăn rắn" (ăn đồng loại của mình), có loại rắn sống trên cây, trong rừng (họ rắn lục, rắn hổ chúa), có loại rắn trong các hang chuột, dưới các mô đất, gò đống (rắn hổ mang, cạp nia, cạp nong...). Phần lớn rắn là lành. Rắn độc chiếm số lượng nhỏ hơn.

Người nuôi rắn hay bị rắn độc cắn


75% trường hợp bị rắn độc cắn là người nuôi rắn là số liệu thu thập được từ kết quả nghiên cứu. Trước đây, bệnh nhân chủ yếu bị rắn cắn vào chân, nay chủ yếu là cắn vào tay (do dùng tay bắt rắn, nhồi cho rắn ăn, bắt côn trùng trên da rắn...). TS Nguyễn Kim Sơn đã khuyến cáo nhiều lần với dân làng rắn (dân nuôi rắn ở Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội, hoặc dân làng Lệ Mật, Hà Nội): "Nên có kẹp bắt rắn", nhưng người nuôi rắn không dùng kẹp vì sợ "chột" rắn, hậu quả là có thể bị rắn cắn bất cứ lúc nào.

Rắn cạp nong, cạp nia khi cắn thường không tạo vết thương gì tại vết cắn. Nếu triệu chứng toàn thân nặng: Liệt tứ chi, liệt hô hấp, đặc biệt là giãn đồng tử, không thở được thì chắc chắn là rắn cạp nong hoặc cạp nia cắn. Chính triệu chứng giãn đồng tử khiến nhiều người (kể cả bác sĩ) nhầm là bệnh nhân đã chết. Đã có trường hợp bệnh nhân sau khi được cấp cứu, đã nói với bác sĩ: "Cháu nghe được các bác nói cháu đã nguy kịch, không cứu được mang về đi... mà cháu muốn nói lại cũng không được" (!), ấy là bởi vì bệnh nhân vẫn tỉnh táo, nghe được nhưng không nói được và có những triệu chứng như người sắp "đi".

Cách cấp cứu đúng

Nhiều người mách nhau khi bị rắn cắn phải ga rô vết thương (lấy chun hoặc vải áo thắt chặt không cho nọc độc chảy khắp cơ thể), theo TS Nguyễn Kim Sơn, thực ra điều này là sai lầm vì nọc độc của rắn vào cơ thể không theo đường động mạch mà theo đường bạch mạch và tĩnh mạch; càng ga rô chặt càng sai. Cách cấp cứu đúng là băng ép và đưa người bị nạn đến nơi cấp cứu gần nhất.

Khi phát hiện bị rắn cắn, có thể giác hút, hoặc dùng miệng hút nọc độc ở vết thương. Kể cả người hút bị sâu răng hay có vết thương ở miệng cũng không có vấn đề gì vì nọc rắn là protein, trong khi trong nước bọt có men phân hủy protein. Hơn nữa, người hút sẽ nhổ ra chứ không nuốt vào bụng. Việc chích rạch vết thương chỉ áp dụng khi biết chắc chắn là rắn có độc, chích rạch trong vòng 30 phút đầu sau khi bị cắn và trong điều kiện vô khuẩn.

 Những công nhân ở lán trại sau một đêm ngủ mà sáng hôm sau đột nhiên khó nuốt, khó nói, yếu chân tay thì nên nghĩ tới ngay bị rắn cạp nia cắn; kết hợp với triệu chứng đồng tử giãn thì 99% là bị rắn cạp nia cắn.

TIN LIÊN QUAN: TIN ĐỌC NHIỀU:
Hoài Hương