Tổ tiên con người nhỏ hơn cả... loài chuột?

Google News

(Kiến Thức) - Các nhà khoa học mới công bố phát hiện tổ tiên loài người là "khỉ siêu nhỏ" còn bé hơn cả chuột khi chỉ nặng khoảng 20-30 gram.

Kết luận trên được các nhà khoa học đưa ra sau khi nghiên cứu bộ xương linh trưởng hóa thạch lâu đời nhất thế giới. Nó được tìm thấy ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc vào năm 2003. Loài khỉ này thuộc một chi mới có tên là Archicebus.

Các nhà khoa học cho biết con khỉ trên sống cách đây 55 triệu năm, trong thời kỳ đầu của kỷ Eocene. Nó nhiều hơn bộ xương hóa thạch lâu đời nhất thế giới từng được biết đến trước đây (bao gồm Darwinius của Messel, Đức và Notharctus của Wyoming, Mỹ) tới 7 triệu năm tuổi.

Động vật linh trưởng nhỏ bé trên có kích thước cơ thể chỉ dài khoảng 71 mm và nặng khoảng 20-30 gram. Nghiên cứu về bộ xương của nó chỉ ra rằng, sinh vật nhỏ bé này sử dụng tứ chi để nắm bắt đồ vật, chạy nhảy. Nó còn sở hữu đôi mắt nhỏ bé và hàm răng nhọn cho thấy loài khỉ này là thợ săn côn trùng.  
 Loài khỉ mới phát hiện cơ thể siêu nhỏ, bé hơn cả chuột khi chỉ nặng khoảng 20-30 gram.

Tiến sĩ Ni Xijun của Học viện Khoa học Trung Quốc là người đứng đầu nhóm nghiên cứu trên cho biết rằng, động vật linh trưởng bé nhỏ hơn cả chuột là một thành viên tiền thân của tổ tiên loài người. Nó có nguồn gốc rất gần loài khỉ, vượn người và con người.

"Loài linh trưởng tí hon trên nằm gần phần gốc của sơ đồ cây phát triển loài động vật này. Nó nằm ở giữa sự phân nhánh của khỉ lùn tarsier và vượn người. Điều đó giải thích tại sao loài vật có kích thước nhỏ hơn chuột và mang theo đặc điểm của cả hai loài trên”, tiến sĩ Ni cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Tân Hoa Xã.

Ông Ni cũng cho biết thêm rằng, thông qua phát hiện về loài linh trưởng mới nó sẽ cung cấp manh mối cho các nhà khoa học về nguồn gốc tiến hóa của những loài động vật linh trưởng cao hơn hay vượn người và có thể giúp chúng ta tìm hiểu cuộc sống của tổ tiên xa xưa nhất của loài người.

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU



Nhật Anh (theo XHN)