2 sự kiện giúp Tào Tháo thay đổi cục diện trận Quan Độ

Google News

Năm 199, Viên Thiệu tiêu diệt Công Tôn Toản, thống nhất phía bắc Hoàng Hà, trở thành chư hầu có thực lực mạnh nhất khi đó. Ở phía nam Hoàng Hà, Tào Tháo tiêu diệt Lã Bố và Viên Thuật, hàng phục Lưu Bị...

Khi ấy giữa Tào Tháo và Viên Thiệu nổ ra một trận chiến lừng danh trong lịch sử-trận chiến Quan Độ. Trận chiến này không phải là một trận đánh, mà là một chiến dịch kéo dài một năm, từ năm 199 cho đến tháng 10 năm 200.

Dương Đông kích Tây

Tháng 2 năm 200, Viên Thiệu phái đại tướng Nhan Lương chủ động tấn công bến nước Diên Tân. Tháng 4, Tào Tháo dẫn quân giải cứu Diên Tân, đối mặt với đại quân Viên Thiệu.

Đang lúc Tào Tháo chưa có kế sách gì, thì Tuân Du dâng Tào Tháo kế 'Dương Đông kích Tây'- 'Chúng ta quân sĩ ít, khó chế ngự Viên Thiệu. Đợi sau khi đến bến Diên Tân, thì vượt sông tấn công vào hậu phương của Viên Thiệu, Viên Thiệu nhất định phải chia quân về tây. Khi ấy chúng ta dùng quân tinh nhuệ tập kích bến Bạch Mã, lợi dụng sơ hở mà bắt giết Nhan Lương.'

Tào Tháo vỗ tay khen hay, rồi tiến hành theo kế của Tuân Du.

Viên Thiệu quả nhiên trúng kế, chia quân về tây. Lúc này Tào Tháo dẫn quân đánh úp bến Bạch Mã, cách Bạch Mã 10 dặm thì Nhan Lương mới phát hiện ra, Nhan Lương kinh hoàng thất sắc.

Tào Tháo cử Trương Liêu và Quan Vũ làm tiên phong, Quan Vũ một mình một ngựa xông vào trận, qua vài hiệp đã chém đầu Nhan Lương, lấy thủ cấp giữa vạn người. Quân sĩ Viên Thiệu thấy chủ tướng bị chém, hoảng sợ chạy loạn.

2 su kien giup Tao Thao thay doi cuc dien tran Quan Do

Tào Tháo, ngôi sao sáng trên bầu trời lịch sử Tam quốc

Tào Tháo giải được vây ở Bạch Mã, mang theo quân nhu khí giới men theo Hoàng Hà rút lui. Viên Thiệu mất đại tướng, lại trúng kế dương đông kích tây của Tào Tháo, nên vô cùng hậm hực, vội thúc quân vượt Hoàng Hà truy kích Tào Tháo.

Tào Tháo dẫn hơn 600 binh sĩ cho dừng lại cắm trại. Quân địch truy đuối đang đến gần, binh mã ầm ầm, các tướng lĩnh lộ rõ lo lắng, khuyên Tào Tháo lui quân. Lúc này Tuân Du nói khẽ một câu: "Ở đây mà bắt chúng, sao phải đi đâu!"– đây chính là thời cơ chiến thắng, tại sao lại phải chạy?

Tào Tháo nghe xong nhìn Tuân Du cười nhẹ, hai người đã tâm lĩnh thần hội.

Tào Tháo cử người lên cao quan sát tình hình quân địch, trinh sát quay về báo: 'Quân địch có 5, 6 trăm kỵ binh đang lao tới.'

Một lúc sau lại báo: 'Kỵ binh càng lúc tới càng đông, còn bộ binh thì nhiều không đếm xuể.'

Tào Tháo nghe xong điềm nhiên như không, nói một câu: 'Ta biết rồi, không cần quay về báo nữa!'

Lúc này các tướng lĩnh đều thấy hết sức cấp bách, đại địch ngay trước mặt, Tào Tháo, ngài chạy không chạy, đánh không đánh, là mưu kế gì đây?

Tào Tháo hạ lệnh tháo yên khỏi ngựa, tất cả kỵ binh xuống ngựa, mang tất cả đồ quân nhu vứt hết ra. Lúc này Văn Xú cùng Lưu Bị dẫn 5 nghìn kỵ binh cũng truy đuổi tới. Thuộc hạ Tào Tháo càng thấy cấp bách, muốn nhanh chóng lên ngựa ra trận, Tào Tháo chỉ cười, rồi nói: "Vẫn chưa đến lúc."

Quân Viên Thiệu tới mỗi lúc một đông, bắt đầu đi nhặt, tranh cướp đồ quân nhu mà quân Tào vứt ra, đúng lúc ấy Tào Tháo hạ lệnh: "Lên ngựa, chúng ta đi!"

Tào Tháo dẫn 600 kỵ binh tinh nhuệ tiến công quân đội Viên Thiệu, quân địch lúc này vẫn đang tranh cướp đồ đạc ầm ĩ, đâu có phòng bị gì. Quân Tào xông tới chém Văn Xú, đại phá Viên quân.

Tuy Tào Tháo giành được thắng lợi ban đầu, nhưng quân chủ lực của Viên Thiệu còn rất mạnh, lại thêm lúc này Tào Tháo phải đối mặt với những mối lo rất lớn từ bên trong và bên ngoài.

2 su kien giup Tao Thao thay doi cuc dien tran Quan Do-Hinh-2

Tuân Úc, mưu sĩ số 1 của Tào Tháo – Ảnh: Internet

3 mối lo bên trong

Thứ nhất, quân Tào thiếu lương thực. Trong thời gian giằng co cùng Viên Thiệu ở Quan Độ, lương thực đã gần cạn, Tào Tháo viết thư thương lượng với Tuân Úc, biểu thị khó mà kiên trì được lâu, vì lương thực sắp hết rồi.

Tuân Úc viết thư trả lời nói: "Tuy nay lương ít, nhưng so với Lưu Bang, Hạng Vũ khi xưa thì vẫn còn hơn. Thủa ấy Lưu Bang đánh trận với Hạng Vũ ở Huỳnh Dương, không bên nào chịu lùi, ai lùi trước là vào thế bị thua".

Thứ hai, thuộc hạ phản bội, đặc biệt là ở Dự Châu. Viên Thiệu là người Nhữ Nam Dự Châu, họ Viên có bốn đời làm quan trong triều đình nhà Hán, cũng là tính từ thời Viên Thiệu về trước, đời nào cũng đều làm tể tướng.

Cha Viên Thiệu là Viên Phùng là tể tướng (Tư không), chú Viên Thiệu là tể tướng Viên Ngỗi, ông nội Viên Thang cũng là tể tướng, chú của ông nội là tể tướng Viên Sưởng, rồi cụ của Viên Thiệu là Viên An cũng là tể tướng triều đình.

Cho nên họ Viên có ảnh hưởng rất lớn ở địa khu Nhữ Nam, nay Tào Tháo đánh trận ở nơi này, khẳng định là người Nhữ Nam sẽ ủng hộ vị đồng hương bốn đời tể tướng -Viên Thiệu.

Khi ấy, Viên Thiệu điều động một lượng lớn sứ giả tới Dự Châu để xui giục phản Tào, theo "Tam quốc chí" – "Lý Thông truyện" và "Triệu Nghiễm truyện" ghi chép, trong thời kỳ chiến trận Quan Độ, toàn bộ người Dự Châu đều phản lại Tào Tháo, chỉ mỗi đại tướng Lý Thông trấn thủ Dương An là không tạo phản.

Khi đó Viên Thiệu phái sứ giả đến phong cho Lý Thông làm Chinh Nam Tướng Quân, Lý Thông đã chém đầu sứ giả biểu thị lòng trung thà chết không phai với Tào Tháo.

Thuộc hạ cùng thân thích của Lý Thông đều không lý giải được hành vi của ông, nên khóc lóc kêu than, khuyên ông nên gia nhập đội quân Viên Thiệu, họ nói 'Người xung quanh đều phản cả, nay chúng ta cô lập trơ trọi, thế này thì sớm muộn chúng ta cũng bị diệt vong, chi bằng sớm đầu hàng Viên Thiệu.'

Lý Thông nắm chặt đốc kiếm, khẳng khái nói: 'Tào Công trí tuệ sắc bén, nhất định sẽ an định thiên hạ. Viên Thiệu tuy mạnh, nhưng điều binh khiển tướng kém, cuối cùng sẽ bị Tào Công đánh bại. Ta thề chết không phản Tào Công!'

Không chỉ có vậy, Viên Thiệu còn phái Lưu Bị tới Nhữ Nam liên hiệp với quân Hoàng Cân để quấy nhiễu hậu phương của Tào Tháo.

Thứ ba, lòng quân bất ổn. Lúc ấy, nhiều thuộc hạ của Tào Tháo có liên lạc thư tín ngầm với Viên Thiệu. Sách sử có ghi: 'Thời viễn cận vô bất tư di tiên ký, thông ý ư Thiệu giả' (khi ấy gần xa đều viết thư riêng, ngầm thông với Viên Thiệu), nghĩa là thuộc hạ của Tào Tháo không kể cách Viên Thiệu bao xa, đều viết thư giao lưu với Viên Thiệu.

Mà ngay trong nội bộ cũng có nhiều người không coi trọng Tào Tháo, thậm chí công khai phát biểu ngôn luận, ví dụ như Khổng Dung. Trong chiến dịch Quan Độ, Khổng Dung nói với Tuân Úc: 'Viên Thiệu đất rộng binh cường, lại thêm Điền Phong, Hứa Du trí mưu phi phàm, các đại thần Thẩm Phối, Phùng Kỷ tận trung; rồi đại tướng Nhan Lương, Văn Xú dũng quán tam quân. Khó mà đánh bại Viên Thiệu được.'

2 su kien giup Tao Thao thay doi cuc dien tran Quan Do-Hinh-3

Viên Thiệu – Tranh vẽ trên wikipedia

Mối lo bên ngoài

Đó chính là Viên Thiệu binh mạnh lương nhiều. Theo ghi chép trong "Tam Quốc chí", chiến dịch Quan Độ, Viên Thiệu đã tập hợp được mười vạn quân tinh nhuệ, mà Tào Tháo chỉ có chưa đầy một vạn người.

Nhân số chân thực thế nào thì nay chúng ta khó biết, nhưng binh lực của Viên Thiệu mạnh gấp nhiều lần binh lực của Tào Tháo là sự thực không phải bàn cãi.

Chúng ta cùng xem chi tiết, khi ấy trên danh nghĩa Tào Tháo chỉ có vỏn vẹn ba châu, Duyện Châu, Từ Châu và Dự Châu. Chúng ta vừa đã nói, Dự châu là quê cũ của Viên Thiệu.

Chiến dịch Quan Độ khi ấy, đến đâu cũng thấy phản Tào, mà Từ Châu thì Tào Tháo mới đoạt được từ tay Lã Bố một năm, lại còn phải thời khắc đề phòng Tôn Sách phía nam, không làm loạn thêm đã là may cho Tào Tháo rồi, chứ nói gì đến cung cấp lương thảo cùng binh lực.

Tào Tháo trên danh nghĩa nắm giữ đất ba châu, nhưng trên thực tế chỉ có binh lực một châu. Nhìn lại Viên Thiệu, nắm giữ Ký Châu, Tinh Châu, U Châu và Thanh Châu, trong đó Ký Châu là nơi tập trung nhân khẩu đông đúc giàu có nhất thời mạt Hán.

Ký Châu là nơi sản xuất cung nỏ mạnh, U Châu thịnh vượng kỵ binh, đều là những nơi nổi danh trong thiên hạ. Nói tóm lại, thực lực của Viên Thiệu hơn hẳn bên Tào Tháo.

Đối mặt với cảnh thù trong giặc ngoài như vậy, Tào Tháo ứng đối thế nào đây?

2 su kien giup Tao Thao thay doi cuc dien tran Quan Do-Hinh-4

Hứa Du mưu sĩ của Viên Thiệu đầu hàng Tào Tháo – Ảnh: Internet

Tào Tháo đưa ra ba hành động quan trọng

Thứ nhất, thu gọn phòng tuyến, lùi về địa khu Quan Độ. Tào Tháo tuy giành thắng lợi nhỏ ở Bạch mã, nhưng binh lực lại ở vào thế cực kỳ bất lợi, không đủ để bố trí phòng tuyến bên bờ Hoàng Hà.

Tào Tháo lui quân về Quan Độ, nhất cử lưỡng đắc, vừa thu gọn phòng tuyến, đồng thời rút ngắn khoảng cách tới hậu phương cung cấp, từ Quan Độ đến Hứa Xương chỉ khoảng trăm cây số, ngày nay đi xe hơi chỉ một tiếng là đến.

Lại đồng thời làm cho đường cung cấp lương thực của Viên Thiệu bị kéo dài, từ đại bản doanh của Viên Thiệu ở Nghiệp Thành tới Quan Độ là 200 cây số, đường tiếp tế càng dài thì tổn hao càng lớn, lại dễ địch quân quấy nhiễu.

Thứ hai, phái binh ổn định hậu phương. Tiền tuyến Tào Tháo không chủ động tấn công, mà đặt quân đội ở thế phòng thủ, Tào Tháo còn phái Tào Nhân đi bình định phản loạn đang nổi như ong ở Dự Châu.

Theo ghi chép trong "Tam Quốc chí", từ Hứa Xương về nam, phản loạn bốn bề nổi lên, đặc biệt là Lưu Bị ở Nhữ Nam liên kết với quân Hoàng Cân (Khăn vàng) gây nhiễu loạn hậu phương của Tào Tháo.

Tào Nhân kiến nghị với Tào Tháo: 'Quân sĩ của Lưu Bị vừa mới chiêu mộ, chưa được huấn luyện tốt, ta tấn công Lưu Bị có thể đánh bại họ', thế là Tào Nhân dẫn kỵ binh tấn công Lưu Bị trong đêm, đánh bại xong Lưu Bị, chỉ trong thời gian ngắn đã bình định xong phản loạn ở Dự Châu.

Thứ ba, không ngừng quấy nhiễu, cắt đứt đường tiếp lương của Viên Thiệu. Khi ấy Tuân Du hiến kế cho Tào Tháo: Viên Thiệu ngày nào cũng có xe chở lương thực qua lại, tướng lĩnh phụ trách quân lương không nghiêm cẩn mà còn khinh địch, ra tay là phá tan.

Tào Tháo hỏi Tuân Du xem ai có thể nhận nhiệm vụ này, Tuân Du tiến cử đại tướng Từ Hoảng. Tào Tháo liền phái Từ Hoảng cùng Sử Hoán tiến công đội vận tải lương thực của Viên Thiệu, đại phá quân lương, đốt sạch cả nghìn cỗ xe vận chuyển.

Diễn biến cuộc chiến: Lấy ít địch nhiều

Tào Tháo đã ổn định được hậu phương, lại chặt đứt lương thực của Viên Thiệu, nhưng tại Quan Độ, quân Tào luôn thủ thế, nấp trong thành lũy, kiên quyết không ra đánh trận. Viên Thiệu thấy quân Tào không ra, bèn cho đắp một gò bằng đất núi, trên dựng một cái tháp cao ngất, nhìn rõ hết bên trong doanh trại quân Tào.

Quân của Viên Thiệu đứng chỗ cao bắn tên vào, tên rơi như mưa. Quân Tào trong doanh lũy không dám tùy ý đi lại, ra vào đều phải đội khiên chắn lên đầu, hơi sơ suất là bị tên từ lầu cao bắn trúng.

Lúc này nhuệ khí quân Tào sa sút, Tào Tháo nhìn gò đất và lầu tháp bỗng nảy ra một kế. Lầu tháp đó vốn lấy gỗ mà dựng tạm lên, không thể chịu được đá ném, thế là ông cho người chế tạo máy ném đá, ném vỡ tan lầu tháp trên đó. Viên Thiệu cùng binh sĩ thấy sự lợi hại của xe bắn đá như vậy, nên còn gọi đó là 'Phích Lịch xa'- xe sấm sét.

Viên Thiệu tính toán, đánh từ trên cao xuống không được thì ta từ dưới đất đánh lên. Thế là cho người đào địa đạo, muốn đào qua doanh lũy Tào Tháo để tập kích quân Tào. Tào Tháo liền hạ lệnh cho đào hào sâu bên trong lũy, quân Viên Thiệu cứ đào, cứ đào, rồi chui luôn vào hào của quân Tào, ngẩng lên thì thấy binh sĩ Tào quân vũ khí sáng ngời, bèn quay đầu chạy.

Chiến dịch này hai bên giằng co rất tinh vi, nhưng rất nhanh sau đó quân Tào cạn lương, quân binh mệt mỏi, sĩ khí rơi rụng. Tào Tháo lại viết thư cho Tuân Úc: 'Tiền tuyến ta khó trụ nổi, cứ thế này thì sẽ phải triệt thoái thôi.'

Tuân Úc viết thư phúc đáp: 'Nay Viên Thiệu chỉ muốn cùng ngài quyết chiến. Ngài hiện tại đang lấy cực yếu để chống đỡ cực mạnh, nếu lúc này lui quân, tất nhiên sẽ thảm bại. Tào Công, ngài dùng một phần mười binh lực trấn giữ nơi hiểm yếu, đã làm cho Viên Thiệu không thể tiến quân trong nửa năm rồi. Nay hai bên giằng co, mà sự việc sẽ tất sẽ có biến hóa, thời cơ này không thể để lỡ.'

Tào Tháo nghe xong, nghiến răng kiên trì giữ trận. Tuân Úc nói. 'Tình kiến thế kiệt, tất tương hữu biến.' (thấy tình thế cùng kiệt, tất sẽ có biến hóa),thế cục chiến trường vạn biến trong chớp mắt, quả nhiên không lâu sau, hình thế đúng như lời Tuân Úc, phát sinh nhiều biến hóa.

Hứa Du đầu hàng Tào Tháo

Sau khi bị Từ Hoảng đốt mất mấy nghìn xe lương, nên quân lương không đủ, đến mùa đông, Viên Thiệu cần vận chuyển một lượng lớn lương thảo, phái đại tướng Thuần Vu Quỳnh mang một vạn binh hộ tống xe lương, đóng quân ở Ô Sào phía bắc đại bản doanh Viên Thiệu.

Lúc ấy, có một sự tình vô cùng ngẫu nhiên phát sinh, Viên Thiệu có một mưu thần dưới trướng tên là Hứa Du. Hứa Du tham tiền tài, gia nhân của ông ta cũng hay tham ô hủ bại.

Tiền tuyến đang đánh trận, gia đình Hứa Du ở Nghiệp Thành phạm tội, bị đại tướng Thẩm Phối bắt được. Thẩm Phối là người cương trực, bình thời đã nóng mắt với hành vi của nhà Hứa Du, nay cho tóm cả nhà Hứa Du giam lại ở Nghiệp Thành.

Việc này quả thật là sự trùng hợp kỳ diệu. Việc gia nhân Hứa Du tham ô hủ bại đâu phải chuyện ngày một ngày hai, mà lại nhè lúc chiến trận Quan Độ mà bị tóm.

Hứa Du thân tại tiền tuyến, nghe tin cả nhà bị bắt thì nổi giận, đang đêm rời bỏ doanh trại Viên Thiệu chạy sang bên Tào Tháo. Tào Tháo bên này nghe tin có Hứa Du đến đầu quân, cả mừng không kịp xỏ giày, để chân trần chạy ra nghênh tiếp Hứa Du.

Hứa Du nói với Tào Tháo: 'Ngài hiện nay cô độc trấn thủ, không có viện quân mà lương thảo sắp cạn, đây chính là ngày nguy cơ tồn vong. Tôi có một kế có thể đánh bại Viên Thiệu. Hiện nay Viên Thiệu có hơn vạn cỗ xe vận chuyển lương thảo, đều tập trung ở Ô Sào. Nếu cho kỵ binh tập kích, xuất kỳ bất ý thiêu hủy đoàn xe, không quá ba ngày, Viên Thiệu sẽ bại vong.'

Kỳ thực đây là kế sách hay, nhưng thuộc hạ Tào Tháo vẫn nghi ngờ Hứa Du giả hàng. Vì nếu Hứa Du giả hàng, Tào Tháo dẫn binh đánh Ô Sào, thì chẳng phải là rơi vào mai phục của Viên Thiệu sao? Sẽ chôn vùi tất cả. Cho nên Tào Tháo vào thế tiến thoái lưỡng nan, tin hay không tin Hứa Du.

Lúc ấy, hai mưu sĩ thông mẫn nhất của Tào Tháo đứng lên phân tích, họ đều cho rằng Hứa Du thực tâm đầu hàng, khuyên Tào Tháo xuất kích Ô Sào.

Tào Tháo là người có phách lực phi thường, lập tức quyết định tập kích Ô Sào. Ông lệnh cho Tuân Du cùng Tào Hồng trấn giữ đại bản doanh, đích thân dẫn 5 nghìn tinh binh lợi dụng màn đêm, theo đường tắt tiến nhanh đến Ô Sào, trời vừa sáng thì tới nơi.

Trấn thủ Ô Sào là đại tướng Thuần Vu Quỳnh, vốn trước kia cũng là đồng sự với Viên Thiệu và Tào Tháo. Năm ấy khi Hà Tiến được phong Tây Viên Bát Hiệu Úy, Thuần Vu Quỳnh là Tá Quân Hữu Hiệu Úy, Tào Tháo là Điển Quân Hiệu Úy, còn Viên Thiệu là Trung Quân Hiệu Úy.

Sau loạn Đổng Trác, Thuần Vu Quỳnh theo Viên Thiệu nam chinh bắc chiến, có thể gọi là một đại tướng của Viên Thiệu.

Thuần Vu Quỳnh thấy quân Tào đến đánh, nhìn quân Tào Tháo chỉ có vài nghìn sĩ binh, quân mình thì người đông thế mạnh, liền xông ra nghênh chiến, nhưng giao chiến một lúc thì thấy ngay mình không phải đối thủ của Tào Tháo, liền dừng ngựa hạ lệnh quay về doanh trại cố thủ, Tào Tháo bất đắc dĩ phải ra sức tấn công doanh lũy. Ô Sào cách đại bản doanh Viên Thiệu chỉ khoảng 40 dặm, nên rất nhanh Viên Thiệu đã biết tin Tào Tháo tập kích Ô Sào.

Thuộc hạ Viên Thiệu là đại tướng Trương Cáp nhận định, nếu để mất Ô Sào thì sẽ mất thế thượng phong, phải lập tức điều quân tinh nhuệ cứu viện Ô Sào.

Nhưng mưu sĩ của Viên Thiệu là Quách Đồ không cho là như vậy, nói với Viên Thiệu: 'Tào Tháo chia quân đi đánh Ô Sào, thì đại bản doanh sẽ thiếu lực phòng thủ, chi bằng ta đưa đại quân tấn công đại bản doanh Tào Tháo, không chỉ là vây Ngụy cứu Triệu, mà còn có thể lấy được đại bản doanh của quân Tào.'

Trương Cáp trả lời: 'Bản doanh của Tào Tháo rất kiên cố, không phải một lúc mà hạ được, nếu Thuần Vu Quỳnh bị giết, thì chẳng phải chúng ta bị thất bại thảm hại rồi sao?.'

Cuối cùng Viên Thiệu nghe theo kiến nghị của cả hai người, điều tinh binh cứu viện Ô Sào, phái Trương Cáp, Cao Lãm dẫn quân chủ lực đánh đại bản doanh Tào Tháo.

Khi quân Tào đang tấn công mãnh liệt quân Thuần Vu Quỳnh, thì quân cứu viện của Viên Thiệu tới, binh sĩ bẩm báo Tào Tháo: 'Kỵ binh quân địch sẽ rất nhanh bao vây đằng sau ta, xin chia quân ra cự địch.'

Tào Tháo nghe xong, nói: 'Nay chính là thời khắc sinh tử, cứ để viện binh chúng đến rồi báo lại cho ta.'

Nói xong, Tào Tháo thúc ngựa cùng binh sĩ lao vào tấn công doanh trại Thuần Vu Quỳnh.

2 su kien giup Tao Thao thay doi cuc dien tran Quan Do-Hinh-5

Trương Cáp, tướng lĩnh của Viên Thiệu đầu hàng Tào Tháo – Ảnh: Internet

Trương Cáp, Cao Lãm đầu hàng quân Tào

Quân Tào lúc này trước sau thọ địch, đã bước vào tử địa. Tôn Tử nói, 'Trí chi tử địa nhi hậu sinh'(đặt vào chỗ chết mà lại sống). Khi ấy, quân Tào tự biết là không còn đường lui, ai nấy đều liều chết tấn công, đại tướng của Tào Tháo là Nhạc Tiến xông lên trước binh sĩ, đánh thẳng vào trong doanh, trong loạn quân chém đầu Thuần Vu Quỳnh, quân Viên Thiệu lập tức tan tác.

Bên này Tào Tháo huyết chiến đánh bại Thuần Vu Quỳnh, bên kia đại tướng Trương Cáp, Cao Lãm được tin, lại nghe nói mưu sĩ Quách Đồ nói lời gièm pha về mình với Viên Thiệu.

Trương Cáp sợ sau chiến trận sẽ bị Viên Thiệu hỏi tội, thế là cho đốt hết công trình khí giới, dẫn quân binh đi đầu hàng Tào Hồng. Mới đầu Tào Hồng nửa tin nửa ngờ, không biết có phải là giả hàng hay không.

Tuân Du đứng bên vội khuyên, 'Kế sách của Trương Cáp không được Viên Thiệu chọn dùng, oán hận nên tới đầu hàng chúng ta, chúng ta còn nghi ngờ gì nữa?' Tào Hồng vội cho mở của doanh trại thu nạp hàng binh.

Ô Sào đại bại, tiền tuyến thì hai tướng Trương Cáp, Cao Lãm đầu hàng, cục thế đại bại của Viên Thiệu khó mà tránh khỏi, quân đội Tào Tháo thừa thắng nhằm đại bản doanh Viên Thiệu đánh tới.

Lúc này, Viên Thiệu tự biết không còn cách gì cứu vãn được, đành vứt bỏ tướng sĩ, dắt díu con trai là Viên Đàm chạy khỏi chiến trường, khi về đến Hà Bắc chỉ còn lại vỏn vẹn tám trăm kỵ binh.

Nhìn suốt trận chiến Quan Độ, Tào Tháo tuy đạt được thắng lợi nhỏ ban đầu, nhưng từ đầu chí cuối đều ở vào thế cực kỳ nguy hiểm, cuối cùng lương thực cũng cạn, binh sĩ mỏi mệt, thậm chí đã đến bước phải lui quân.

Tuy nhiên hình thế lại biến chuyển từ một sự việc vô cùng ngẫu nhiên, Hứa Du do gia đình bị bắt mà chạy sang hàng Tào. Sau đó Tào Tháo tập kích Ô Sào, thì Trương Cáp lại đầu hàng, nên đã giành thắng lợi hoàn toàn trong trận chiến Quan Độ lừng danh.

Theo Nguyệt Hòa/Tri Thức