Vô gian đạo - Gián điệp kế là gì?
Thiên 13, Binh Pháp Tôn Tử, phần dạy về Gián Điệp chép:
“Gián điệp có 5 loại: hương gián, nội gián, phản gián, tử gián, sinh gián. Dùng 5 loại gián điệp khiến địch không mò được qui luật hành động của ta, đó là phương pháp thần diệu khôn lường, là pháp bảo của quân vương.
|
Hai “gián điệp”Tôn Lập và Hô Duyên Chước: tuyệt đỉnh Vô Gian Đạo. |
Hương gián là lợi dụng người dân bình thường trong nước địch làm gián điệp. Nội gián là dùng quan lại địch làm gián điệp. Phản gián là mua chuộc gián điệp của địch phái đến nước ta quay lại phục vụ ta. Tử gián là cố ý đưa tin tình báo giả tạo để gián điệp ta tiết lộ cho gián điệp địch, địch mắc câu bị lừa bèn giết gián điệp của chính nó. Sinh gián là phái gián điệp đến đất địch mà vẫn có thể trở về báo cáo.
Cho nên, việc dùng người trong ba quân không ai thân tín bằng gián điệp, không ai được khen thưởng bằng gián điệp, không việc gì cơ mật bằng gián điệp. Không phải người tài trí hơn người không thể dùng được gián điệp; không phải người nhân nghĩa không thể sử dụng được gián điệp; không phải người khéo léo cẩn thận thì không thể trở thành gián điệp thành công” (Hết trích).
Trong Thủy Hử, chúng ta bắt gặp không ít những câu chuyện liên quan đến kế Gián điệp. Nhưng “Vô Gian đạo” trong danh tác của Thi Nại Am thường là có sự kết hợp linh hoạt giữa nhiều loại gián điệp khác nhau trong cùng một sự vụ, chứ không hề chân phương. Và đây là 2 lần triển “Vô gian đạo” đỉnh nhất trong Thủy Hử.
Tôn Lập & trận đánh Chúc Gia Trang
Ở lần dẫn quân tới Độc Long Cương, đánh Chúc Gia Trang, quân Lương Sơn do Tống Giang chỉ huy thua to 2 trận đầu, nhiều hảo hán bị bắt. Phải đến khi Ngô Dụng xuống núi, và quan trọng hơn cả là sự xuất hiện đúng lúc của “Bệnh Uất Trì” Tôn Lập cùng nhóm yêng hùng Đăng Châu, quân Lương Sơn mới thu được thắng lợi toàn diện ở trận đánh cuối cùng. Thắng lợi này liên quan đến kế gián điệp siêu tuyệt của Tôn Lập.
|
Kế Gián điệp được coi là “pháo bảo quân vương” trong binh pháp Tôn Tử. |
Tôn Lập sở hữu những nền tảng quan trọng, và chính là người duy nhất có thể triển khai kếVô gian đạo. Thứ nhất, Tôn Lập là huynh đệ đồng môn với Võ sư Loan Đình Ngọc, tay bậc nhất của Chúc Gia Trang. Thứ hai, thông tin hồi đó loan đi rất chậm nên chuyện Tôn Lập cùng bọn Tôn Tân - Cố Đại Tẩu đánh phá ngục Đăng Châu cứu anh em họ Giải chưa đến được Độc Long Cương nên “Bệnh Uất Trì” có thể lấy danh nghĩa quan Đề Hạt phủ Đăng Châu mà ung dung tiến vào lòng địch.
Hồi 47 Thủy hử dẫn lời Tôn Lập nói với Thạch Tú: “Loan Đình Ngọc với tôi cùng học một thầy, võ nghệ của tôi ông ta đã biết, mà tài giỏi ông ta tôi đây đã biết. Vậy ngày nay tôi giả làm quân mã Đăng Châu, kéo sang coi giữ Vạn Châu, đi qua đó vào trong trang mà hẹn nhau giáp đánh trong ngoài, thì tất phải phá được. Kế đó các ngài nghĩ sao?”.
Sau khi Tôn Lập hội quân bàn bạc kế sách chi tiết với Tống Giang, Ngô Dụng, nhóm Đăng Châu liền “lấy cờ hiệu, đổi làm quân mã của quan Đề Hạt ở phủ Đăng Châu, rồi dẫn một hàng nhân mã đi thẳng đến Chúc Gia Trang”. Ngoài chuyện là huynh đệ đồng môn, để chiếm lòng tin của Loan Đình Ngọc cùng nhà họ Chúc, Tôn Lập đã lần lượt thực hiện các chiêu trò sau.
+ Hợp lý hóa việc mang quân tới Chúc Gia Trang với câu: “Tôi vừa mới tiếp được văn thư của quan Tổng binh cắt sang coi giữ Vận Thành Châu, để phòng bị bọn Lương Sơn Bạc, tiên đường qua đây, nghe nói nhân huynh ở trong trang, nên muốn vào hỏi thăm một chút”.
+ Gầy dựng lòng tin bằng việc ra vẻ khẳng khái giúp huynh đệ đánh Lương Sơn: “Nếu vậy tiểu đệ tuy kém, cũng xin giúp nhân huynh bắt nốt tụi ấy, cho trọn việc của nhân huynh chẳng hay có được hay không? Loan Đình Ngọc nghe nói cả mừng, liền mời cả vào trong trang”.
+ Củng cố lòng tin bằng hai nước đi quan trọng, đầu tiên cảnh báo Chúc Bưu về tài bắn tên của Hoa Vinh: “Hoa Vinh lừa miếng phá đĩnh quay ngựa ù té chạy, Chúc Bưu liền toan phóng ngựa đuổi theo. Chợt có người đứng đằng sau nói lên rằng: - Tướng quân chó nên đuổi, người ấy bắn tên giỏi lắm, lỡ ra mắc tên ngầm thì khốn”.
Tiếp đó, tự minh xung trận đánh địch: “Khi đến trước mặt trận, Tôn Lập quát lên rằng: - Trong trận giặc có tay nào đánh giỏi, ra đây quyết chiến với ta? Nói đoạn thấy bên kia nhạc ngựa loảng soảng, có một viên tướng là Thạch Tú cưỡi ngựa xông ra đánh. Đôi bên người ngựa giao nhau, mũi thương lên xuống đánh nhau tới năm mươi hợp. Tôn Lập lừa miếng phá đĩnh nhường cho Thạch Tú đánh sấn vào, rồi né mình vờ tránh mà bắt sống Thạch Tú cắp tót về trước trang bảo quân sĩ trói lại”. Dĩ nhiên, chuyện Thạch Tú để thua và bị bắt, là nằm trong mưu kế định sẵn giữa Tôn Lập và Tống – Ngô.
Sau khi đã củng cố vững chắc lòng tin của Loan Đình Ngọc cùng toàn gia họ Chúc, Tôn Lập đi tiếp một bước nữa khi bảo với Chúc Triều Phụng rằng: “không nên giết một thằng nào cả, cứ để bảy xe tù nhốt nó đấy, cho ăn uống tử tế, đừng để cho nó gầy còm, chờ bao giờ bắt được Tống Giang sẽ giải lên Đông Kinh, cho thiên hạ biết tiếng Tam Kiệt ở Chúc Gia Trang”. Nước đi này rất quan trọng bởi nó sẽ giúp gia tăng quân số áp đảo của nhóm “nội ứng” bên trong lòng địch.
Ở trận chiến cuối cùng, quân Lương Sơn chia binh 4 mặt tấn công mặt ngoài, nhóm Chúc Gia cũng dàn quân 4 hướng nghênh tiếp. “Hổ đã rời nùi”, bên trong Chúc Gia, nhóm Tôn Lập bắt đầu thực hiện việc giải cứu tù binh, gây loạn và đánh giết từ bên trong. Kế gián điệp của Tôn Lập chính là điểm mấu chốt quyết định thắng lợi to lớn của Tống Giang trong lần đầu xuất chinh.
Hô Duyên Chước lừa Quan Thắng
Tống Giang sau khi nhìn thấy dung mạo anh hùng và tài nghệ tuyệt luân của Quan Thắng, rất muốn thu phục. Và hành trình lừa bắt Quan Thắng, khuyên hàng gia nhập quân Lương Sơn của Tống Giang được triển khai với những lớp nang sâu sắc, kín kẽ.
Đầu tiên, họ Tống gia ơn cho Quan Thắng một lần khiến tâm tư đối phương lay động, qua việc sai quân đánh trống thu binh khi Quan Thắng sắp thua lúc giao đấu với cặp đôi Lâm Xung – Tần Minh. “Quan Thắng về đến trong trại, xuống ngựa cởi giáp, trong lòng nghĩ thầm rằng:"Ta hết sức đánh với hai Tướng có lẽ sắp thua với họ, thế mà Tống Giang vội khua chiên thu quân, không biết là ý tứ làm sao”.
Tiếp đó, Tống Giang lệnh cho Hô Duyên Chước trá hàng Quan Thắng. Kế Vô gian đạo được khởi phát từ Tống Giang, người thực hiện là Hô Duyên Chước, chính là điểm nhấn quan trọng nhất giúp “Cập thời Vũ” thu phục được mãnh tướng họ Quan. Các bước triển mưu “Gián Điệp” của Hô Duyên Chước lần lượt như sau:
+ Một mình tiến thẳng doanh trại Quan Thắng: “chợt thấy lính vào báo: - Có một tướng rậm râu, một mình một ngựa, xin vào yết kiến Nguyên Soái”.
+ Sử dụng những câu chuyện khả tín đánh thẳng vào tâm lý Quan Thắng: “Tiểu Tướng tức Hô Duyên Chước, ngày trước đã từng vâng mạng triều đình, thống lĩnh trận ngựa Liên Hoàn ra đánh Lương Sơn Bạc.Sau chẳng may lỡ mắc phải kế gian, sẩy hỏng việc quân, nên không dám trở về triều đình nữa. Mới rồi nghe tin Tướng quân đến đây, trong lòng lấy làm vui mừng quá đỗi”.
+ Ca ngợi lòng trung của Tống Giang để lay động đối phương: “Người ấy vốn có chí quy phục triều đình, nhưng bọn kia không chịu nên chưa dứt đi được. Nhân thế có bàn riêng với tôi, định để khu xử lòng người, sao cho quy thuận cả mới nghe. Vậy nếu Tướng quân có lòng tin tôi, thì đêm mai chỉ xin đem ít cung tên, dẫn ít quân kỵ, theo đường tắt dẫn đến sơn trại mà tróc nã bọn Lâm Xung, thì không những Tướng quân lập được công to mà tôi với Tống Giang cũng khả dĩ chuộc được tội xưa đôi chút”.
+ Củng cố vững lòng tin của Quan Thắng bằng việc tự mình xung trận giết tướng Lương Sơn: “Hô Duyên Chước liền mượn mũ giáp, cưỡi ngựa xông ra trước trận… Tống Giang liền sai Trấn Tam Sơn Hoàng Tín ra đánh Hô Duyên Chước. Hai bên đánh nhau chưa được mươi hiệp, thì Hô Duyên Chước xuất một chiêu độc, Hoàng Tín chết ngay trên mình ngựa”. Dĩ nhiên người chết chỉ là một tiểu lâu la đóng giả Hoàng Tín chứ không phải “Trấn Tam Sơn” xịn.
Sau khi đã được đối phương đặt trọn niềm tin, Hô Duyên Chước mớichính thức “xúi” Quan Thắng triển kế ban đêm cướp trại Tống Giang. Dĩ nhiên, giờ thì Quan Thắng nhất mực theo sự sắp xếp của “Song tiên” rồi. Đây chính là điểm quyết định cho thắng lợi của quân Lương Sơn, nhờ đó mà bắt sống được Quan Thắng cùng các phó tướng.
“Khi đi gần đến chỗ đèn đỏ, bỗng nghe một tiếng súng hiệu rất to, trông quanh trông quẩn không thấy một ai, quay lại nom Hô Duyên Chước, cũng không thấy đâu nữa, Quan Thắng thấy vậy cả kinh, biết rằng trúng kế, vội vàng quay ngựa lui về…. Quan Thắng dẫn mấy tên kỵ vừa mới đi khỏi chỗ mỏm núi, bỗng thấy rừng cây ở phía sau có tiếng nổ đánh đoàng, rồi bốn bên những quân câu móc đổ ra, giật Quan Thắng ngã xuống ngựa, cướp lấy đại đao, cởi lấy mũ giáp mà túm nhau đem về trại”.
Và khi Lương Sơn đã bắt được Quan Thắng, thì Tống Giang chính là người đặt cú “chốt hạ” trong việc khuyên hàng “Đại Đao”. Tống Giang nói: “Nếu ngài không khinh là bỉ lậu, thì xin cùng ở lại đây để thay Trời làm Đạo, bằng không thì chúng tôi cũng không dám lưu lại làm chi, xin đưa ngài về kinh ngay lập tức... Quan Thắng thở dài mà rằng: - Người ta thường nói: Tống Công Minh nhân huynh trung nghĩa, thực là có thế. Người ta sống ở trên đời, vua biết thì đền ơn vua, bạn biết thì đền ơn bạn, ngày nay đã chuyển đến lòng, thì xin ở đây làm đứa tiểu tốt để đền ơn tri ngộ cho xong”.
Theo Thanh Xuân/Dân Việt