22 năm thất lạc và tiếng gọi nơi đất mẹ

Google News

(Kiến Thức) - Câu chuyện chị Hon 22 năm lưu lạc nơi đất khách tìm về được với gia đình gây xúc động mạnh mẽ, đó không chỉ là một cuộc đoàn tụ bình thường mà còn thể hiện nỗi khát khao và nỗ lực phi thường của một người con không nguôi ngoai tiếng gọi nơi đất mẹ.

Những ngày qua, câu chuyện về chị Nguyễn Kim Hon 22 năm lưu lạc nơi đất khách được đoàn tụ với gia đình nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Trước khi trở về bên người thân, chị Hon có chuyến hành trình đầy "phong ba, bão táp" ở Trung Quốc. 
Theo lời kể của chị Hon, năm 1997, chị Hon 21 tuổi, rời quê lên thành phố Bạc Liêu làm thuê cho các nhà hàng. Tại đây, chị quen biết với một người đàn ông lớn hơn 2-3 tuổi, nói giọng miền Bắc. Người này tối nào cũng đến uống nước nên hai người quen biết như bạn bè.
Vào đêm 2/5/1997, người đàn ông trên mời chị ăn cơm và cho uống nước trong một chai nhỏ. Thế rồi, chị Hon không còn biết gì và ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, chị thấy mình ở Quảng Đông, Trung Quốc.
Chị Hon cho hay bị nhốt trong căn phòng nhỏ cùng với nhiều phụ nữ người Việt khác. Tất cả đều bị lừa bán sang Trung Quốc. Bất cứ ai có ý định bỏ trốn đều bị bắt lại và bị đánh đập một cách tàn bạo.
Rùng rợn hơn, chị Hon còn bị ba người đàn ông xăm trổ đầy mình tiêm cho một thứ thuốc màu nâu đục. Trong suốt 3 năm sau đó, chị Hon như người mất hồn, không còn nhớ tên mình, đến từ đâu. Cuối cùng, chị quên luôn tiếng Việt.
22 nam that lac va tieng goi noi dat me
Chị Hon đoàn tụ đẫm nước mắt với gia đình sau 22 năm lưu lạc nơi xứ người. Ảnh: Lao động.
Kể từ đây, cuộc đời của chị Hon là một chuỗi ngày "đen tối" khi bị bắt đi "tiếp khách". Sau một khoảng thời gian, chị lần lượt 6 lần bị đem bán để làm "osin" và làm vợ cho những người đàn ông ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến. Chị Hon nhiều lần bị chồng đánh đập mà không vì lý do gì.
Sau một thời gian sống ở Trung Quốc, chị Hon được gia đình người chồng ở Phúc Kiến giúp hòa nhập cuộc sống khi dạy chị tiếng địa phương và các phong tục tập quán. Khi ấy, chị chăm lo chuyện đồng áng và chăm sóc gia đình chồng. Vào một hôm, chị bất ngờ xem một bộ phim có nói từ "ăn cơm". Khi hỏi chồng, người này đáp đây là một bộ phim Việt Nam. Kể từ đó, chỉ luôn nhẩm trong đầu 2 từ "Việt Nam".
Đến cuối năm 2018, chồng chị Hon dẫn về nhà một người phụ nữ khác. Lý do là chị Hon không thể sinh con trong suốt 8 năm chung sống. Vì vậy, chị bị chồng hắt hủi, xa lánh, đánh đập rồi đuổi ra khỏi nhà.
Kể từ khi bị chồng đuổi đi, chị Hon lang thang làm thuê để kiếm sống. Thế rồi, chị đến Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây với mong muốn tìm đường về quê hương. Được một số người tốt giúp đỡ, chị Hon đến các đồn công an nước sở tại và tới được khu vực biên giới Việt - Trung. Tại đây, chị được các chiến sỹ Biên phòng và Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận và phối hợp với các cơ quan, tổ chức xác định danh tính và tìm cách liên lạc với gia đình. Theo đó, sau 22 năm lưu lạc nơi xứ người, chị Hon đã đoàn tụ với gia đình trong nước mắt sau nhiều năm xa cách.

Video: Vụ người phụ nữ lưu lạc Trung Quốc 22 năm: Mẹ già ngất xỉu khi gặp con (nguồn: VTC14). 

Câu chuyện buồn và xúc động của chị Hon là nỗi lòng của nhiều người Việt Nam xa xứ. Vì nhiều lý do mà họ rời xa gia đình, quê hương, Tổ quốc. Thế nhưng, trong thâm tâm, họ luôn đau đáu nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và mong muốn được trở về thăm nơi chôn rau cắt rốn, được trở về đẫm mình vào dòng sông đất mẹ, sống nhịp sống của người dân đất mẹ...
Câu chuyện hồi hương của chàng trai Việt kiều Nguyễn Hoài Tiến cũng vậy. Đây là một trong những minh chứng xúc động về tình yêu sâu sắc dành cho Việt Nam của những người con xa xứ. Nguyễn Hoài Tiến sinh ra tại quận Cam, California (Mỹ), nơi có rất đông người Việt sinh sống, tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khiến Tiến không được dạy tiếng Việt từ nhỏ. Mọi ấn tượng về mảnh đất quê hương trong chàng trai trẻ chỉ đơn giản là: "Ấn tượng về Việt Nam của mình lúc còn nhỏ là hình chữ S khi bố vẽ trên giấy, mẹ nói về cách ăn cơm bằng đũa… Tuy nhiên, mọi thứ rất mơ hồ, không rõ ràng".
Cuộc đời Nguyễn Hoài Tiến thực sự mang tính bước ngoặt là vào năm 2008 khi anh có chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên trong đời. Khi chứng kiến cha mình bật khóc trong vòng tay ấm áp của gia đình đã giúp Tiến nhận ra vị trí đặc biệt của Việt Nam trong tim mình.   
Sau chuyến đi này, Nguyễn Hoài Tiến trở về Mỹ và quyết tâm học tiếng Việt với mong muốn hiểu rõ hơn về văn hóa, xã hội, về con người, đất nước Việt Nam. Và cũng từ đây, chàng trai trẻ luôn nung nấu ý định trở về sinh sống và làm việc tại Việt Nam để cống hiến hết mình cho quê hương nguồn cội. 
Năm 2012, Nguyễn Hoài Tiến chính thức quay trở về Việt Nam với tư cách chuyên gia tư vấn hướng phát triển cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long - nơi đang hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Chính quãng thời gian quý báu này đã giúp Tiến hiểu rõ hơn về con người và văn hóa Việt và càng khiến chàng trai trẻ muốn gắn bó lâu dài với Việt Nam. Sau năm 2012, cứ mỗi năm Tiến lại về Việt Nam một lần 
Tới năm 2014, Nguyễn Hoài Tiến quyết định trở về Việt Nam và thành lập công ty tư vấn phát triển nông nghiệp bền vững. Sau một quá trình làm dự án liên quan đến hoạt động giao đất, giao rừng cho bà con dân tộc thiểu số, Tiến quyết định quay trở lại vùng cao để đầu tư phát triển nên các chuỗi sản phẩm truyền thống, gắn liền bản sắc văn hóa của người dân địa phương. Chính tình yêu sâu sắc dành cho quê hương đã thôi thúc chàng trai Việt kiều dồn hết tâm huyết để triển khai những dự án tạo sinh kế bền vững cho bà con dân tộc thiểu số. Những đóng góp không ngừng nghỉ của Nguyễn Hoài Tiến dành cho quê hương nguồn cội khiến nhiều người cảm động và khâm phục anh. Chỉ tình yêu sâu sắc dành cho Việt Nam mới khiến chàng trai Việt kiều quyết định từ Mỹ về Việt Nam sinh sống, làm việc và cống hiến hết mình như vậy. 
Và còn nhiều, nhiều lắm những người con xa xứ luôn đau đáu trong mình nỗi khát khao được trở về sinh sống, làm việc và cống hiến cho mảnh đất nguồn cội. Điều ấy đáng quý biết bao, đáng trân trọng biết nhường nào. Thứ tình cảm tha thiết hướng về quê hương, khát khao trở về quê cha đất tổ của người Việt xa xứ bao đời nay vẫn vậy, vẫn nồng đượm, sâu sắc. Thứ tình cảm đáng trân quý ấy khiến ta nghĩ về huyền thoại trâu Vàng Hồ Tây đầy sâu sắc được lưu truyền trong dân gian, cũng khiến ta thấm thía hơn đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "lá rụng về cội" đầy nhân văn của dân tộc mình...
Huyền thoại trâu Vàng Hồ Tây: Theo truyền thuyết, nhà tu hành tên là Minh Không muốn đúc một quả chuông đồng. Do vậy, ông sang phương Bắc và dùng phép thuật thu nhặt hết số đồng vàng đem về. Khi về đến nước, nhà tu hành Minh Không dùng số đồng trên đúc một quả chuông. Khi đánh chuông, âm thanh vang cả một phương trời giống như sấm, vang đến phương Bắc. Tại đó, con Trâu Vàng tưởng mẹ nó gọi ở trời Nam nên vội vã cất vó cong sừng lồng lên đi tìm mẹ. Và rồi con Trâu Vàng tìm đến Hồ Tây nhưng khi ấy quả chuông quá to và quá nặng, không treo lên được, nhà sư Minh Không đành thả chuông chìm vào lòng Hồ Tây.
Do không tìm thấy mẹ, cũng không nghe tiếng mẹ gọi, con Trâu Vàng bực tức lồng lên, quần đảo cả một vùng, giẫm nát hết một khu vực, khiến mặt đất sụt xuống, biến thành một hồ rộng lớn mà thành Hồ Tây như ngày nay.

Tâm Anh