Ai là hung thủ sát hại Vua Đinh Tiên Hoàng?
Theo như các sách sử chính thống của Việt Nam: người sát hại vua Đinh chính là hoạn quan Đỗ Thích, cụ thể: Tháng 11 năm Kỷ Mão 979, vua Đinh Tiên Hoàng dự tiệc với quần thần, say rượu nằm ngủ tại tại bậc thềm của sân điện. Phúc Hầu Hoằng là Đỗ Thích có dã tâm soán vị, ra tay giết vua và tước luôn mạng sống của thái tử Đinh Liễn. Vì hắn đêm nằm trên cầu thấy sao rơi vào mồm, cho là điềm lành được làm vua nên mới sinh tâm phản loạn.
|
Tranh minh hoa vua Đinh Bộ Lĩnh chơi đánh trận giả |
Thế nhưng sau này, nhà giáo Hoàng Đạo Thúy đặt ra nghĩ vấn: Liệu Đỗ Thích có thật sự là hung thủ không? Vì hắn chỉ là một viên hoạn quan nhỏ nhoi, không hề có bè đảng, thế lực hùng mạnh, vậy lấy gì để xưng đế? Trong khi đó, triều đình còn vô số người tài, nắm trọng quyền trong tay. Vậy cơ sở nào để Thích mơ mộng quá cao như vậy? Nhiều sử gia nhận định, có lẽ Đỗ Thích chỉ là quân tốt thí mạng, che đậy cho một âm mưu đen tối ở đằng sau mà thôi.
Vì sao vua Quang Trung băng hà?
Theo sử sách, vào một buổi chiều năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc, chợt hoa mắt, bất tỉnh nhân sự. Sau khi tỉnh lại, vua cho triệu trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu đến, căn dặn việc tống táng chỉ nên kéo dài một tháng, hết lòng phò trợ Thái Tử Quang Toản lên ngôi, binh sĩ đồng tâm tiêu diệt Nguyễn Phúc Ánh. Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (16 tháng 9 năm 1792), vào khoảng 11 - 12 giờ đêm, vua Quang Trung băng hà, tại vị được 4 năm, hưởng thọ 40 tuổi, miếu hiệu là Thái Tổ Vũ hoàng đế.
Có nhiều giai thoại xoay quanh cái chết của vua Quang Trung. Có người độc miệng cho rằng: nhà vua bị Ngọc Hân Công Chúa ám hại bằng cách bỏ thuốc độc vào rượu. Lại có giả thuyết hoang đường khác là vua bị trúng tà thuật từ chiếc áo bị yểm bùa do vua Càn Long của nhà Thanh ban tặng.
Sách Ngụy Tây liệt truyện, một tài liệu chính sử của triều Nguyễn ghi: “Một hôm, về chiều, Quang Trung đang ngồi bỗng xây xẩm, tối tăm, thấy một ông già đầu bạc từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt, mắng rằng: Ông cha người sống ở đất của Chúa, đời đời làm dân Chúa Nguyễn, sao phạm đến lăng tẩm. Rồi lấy gậy đánh vào trán Quang Trung, mê man ngã xuống, bất tỉnh nhân sự lâu lắm. Từ đó, bệnh chuyển nặng...”
Tuy nhiên thực hư thế nào, cũng không ai biết rõ, chỉ biết rằng, thời điểm Quang Trung băng hà, cũng là lúc vua định đem quân chiếm lại Gia Định và đánh một trận sống chết với Nguyễn Phúc Ánh. Tuy nhiên sự chưa thành, nhà vua đã trút hơi thở cuối cùng.
Người cha thật sự của vua Bảo Đại là ai?
Vua Bảo Đại tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, sinh ngày 22/10/1913 tại Huế. Cha của Vĩnh Thụy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, tức Vua Khải Định, mẹ là Hoàng Thị Cúc tức bà Từ Cung sau này. Thế nhưng, theo sử sách vua Khải Định bị bất lực. Điều này đã gây ra nhiều đồn đại về việc ai là người cha thực sự của vua Bảo Đại.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, biết chuyện con trai duy nhất của mình bị “bất lực”, bà Tiên Cung vô cùng buồn bã, ngày ăn không ngon, đêm ngủ không yên, sức khỏe ngày càng suy kiệt. Thái tử Bửu Đảo (tức vua Khải Định sau này) vốn là người con có hiếu, nên vô cùng lo lắng. Ngài bèn đem chuyện này tâm sự với một người trong hoàng tộc bậc ông nhưng tuổi tác lại đồng trang với cháu. Vị hoàng thân đó là Hường Đ.
Tuy nhiên theo một thân tín với hoàng tộc là ông Phan Văn Dật và ông Ngũ đẳng Thị vệ Nguyễn Đắc Vọng, cái thai trong bụng cô Cúc (vợ của Khải Định, mẹ của Bảo Đại) không phải là của nhà vua, mà là của Hường Đ. Chính vì lẽ đó mà sau này, Khải Định đã mang ơn và giúp đỡ Hường Đ. rất nhiều về tiền bạc.
Theo Xuân Quỳnh/Khỏe & Đẹp