3 câu trăng trối của ái phi Thanh triều, Từ Hi phải sợ

Google News

Lời trăng trối của vị phi tần được Hoàng đế Quang Tự sủng ái nhất hậu cung ấy đã khiến Từ Hi vừa sợ hãi, lại vừa xấu hổ.

Vào thời kỳ đỉnh cao quyền lực, Từ Hi Thái hậu từng ra tay thanh trừng không ít kẻ khiến bà "chướng tai, gai mắt". Vị Thái hậu khét tiếng nhà Thanh ấy cũng bị nghi ngờ là người đứng sau cái chết của con trai ruột là Hoàng đế Quang Tự.

Trong số các nạn nhân vong mạng dưới tay Từ Hi, có một người đã để lại di ngôn khiến vị Thái hậu ấy vừa uất hận lại vừa không quên được. Đó chính là Trân phi – người con dâu bị Từ Hi đẩy xuống giếng trước ngày hoàng cung thất thủ.

3 cau trang troi cua ai phi Thanh trieu, Tu Hi phai so

Bức ảnh chụp vua Quang Tự và ái thê Trân phi. Ảnh: Sohu

Cuộc đời "sống chung với mẹ chồng" đầy cay đắng của ái phi Thanh triều

Trân Phi (1876 – 1900) là một phi tần của Thanh Đức Tông Quang Tự Hoàng đế, cũng là một trong những người con dâu của Từ Hi.

Bà xuất thân từ gia tộc Tha Tha Lạp thị, ông nội là cựu Tổng đốc Thiềm Châu – Cam Túc, cha là Tả Thị lang Bộ Lễ. Thời thơ ấu, Trân Phi và chị ruột sống tại Quảng Châu. Tới năm nàng 10 tuổi, cả hai chị em được đón vào kinh thành.

Năm Trân Phi lên 13 tuổi, hai chị em nàng đều qua kỳ tuyển tú nữ và được vào cung làm phi tần của Hoàng đế. Trong số ba phi tần chốn hậu cung, Trân Phi là ái thiếp được Quang Tự sủng ái nhất, vượt qua Hoàng hậu Diệp Hách Na lạp thị (cháu gái Từ Hi) và người chị ruột Cẩn phi của mình.

Lý giải về sự sủng ái đặc biệt mà Quang Tự dành cho vị phi tần này, các nhà sử học Trung Quốc cho rằng có hai nguyên nhân bắt nguồn từ ngoại hình và tính cách.

Xét về ngoại hình, Trân phi là người sở hữu nhan sắc tuyệt mỹ nhất trong ba mỹ nhân nơi hậu cung.

Bấy giờ, Hoàng hậu có thân hình quá gầy, thậm chí nhìn qua giống như người bị gù. Cẩn phi lại sở hữu vóc người quá đầy đặn. Trong khi đó, Trân phi không chỉ có vóc dáng vừa vặn nhất, mà dung nhan lại đẹp hơn mấy phần so với hai người còn lại.

Nói về tính cách, Trân phi được nhận định là vừa có điểm tương đồng nhưng lại có nét khác biệt so với Từ Hi Thái hậu.

Nàng giống Từ Hi ở chỗ đều cảm thấy hứng thú với việc triều chính, quốc sự. Nhưng Trân phi khác với người mẹ chồng của mình ở một đầu óc tân tiến với tư tưởng theo đuổi tự do, không thích sự trói buộc chốn hoàng cung.

Đây cũng chính là nét tính cách đặc biệt mà Quang Tự - một ông vua từ nhỏ đến lớn đã sống trong chiếc "lồng son" – đặc biệt yêu thích ở Trân phi.

Vị Hoàng đế ấy luôn cảm thấy ái phi của mình toát ra một khí chất phóng khoáng và đem lại cho ông cảm giác lãng mạn tựa như tri kỷ. Nhưng chính điều này cũng khiến Từ Hi rất không vừa mắt người con dâu ấy.

Trong hậu cung, Trân phi giống như một điểm tựa tinh thần của Hoàng đế Quang Tự. Khi ở cùng nhau, hai người không chỉ trò chuyện tâm tình mà đôi khi còn bàn luận quốc sự.

Có lúc, Trân phi sẽ dùng tư tưởng tân tiến của mình để đề xuất một số ý kiến cho nhà vua. Nhiều khi ý kiến tương đồng, Quang Tự sẽ cảm thấy ông và vị ái phi ấy tựa như "tâm linh tương thông" vậy.

Thế nhưng, Từ Hi Thái hậu khi biết được việc này đã liên tục chèn ép Trân phi, còn thường xuyên ép Quang Tự phải ngủ lại trong cung Hoàng hậu để chia rẽ đôi uyên ương tâm đầu ý hợp đó.

Trân Phi trong chốn hậu cung tựa như một bông hoa mang hương sắc dị biệt. Nàng không sợ Hoàng hậu, lại càng không e ngại Từ Hi, còn nhiều lần gây sự cùng thái giám tâm phúc bên Thái hậu là Lý Liên Anh.

Biết được Trân phi không sợ cường quyền, Hoàng hậu thường xuyên tìm đến Từ Hi để thêu dệt đủ mọi chuyện xấu nhằm hạ bệ tình địch. Từ Hi nghe xong càng thêm nhen nhóm ý định trừ khử người con dâu không yên phận này.

3 cau trang troi cua ai phi Thanh trieu, Tu Hi phai so-Hinh-2

Trong mắt của Từ Hi, Trân phi bị coi là một người con dâu thiếu lễ phép và không an phận. Ảnh: Sohu

Nhẫn tâm đẩy con dâu xuống giếng và lời trăng trối khiến Từ Hi ám ảnh

Vào năm 1900, khi liên quân Tây Dương bắt đầu càn quét Bắc Kinh, Từ Hi lập tức lên kế hoạch đào tẩu. Trước thời điểm chạy trốn 1 ngày, bà cho gọi Trân Phi đến cung của mình, dùng lời ngon tiếng ngọt để dụ dỗ:

"Nay liên quân đã đánh tới, chúng ta vốn không con đường lui, hai mẹ con ta nếu không muốn làm gánh nặng cho Hoàng đế thì hãy cùng nhau nhảy giếng để tuẫn tiết".

Từ Hi xưa nay vốn không vừa mắt Trân phi, mà bản thân Trân phi cũng biết người mẹ chồng này muốn "xử" mình. Nghe xong câu ấy, nàng chưa kịp đáp thì đã bị Lý Liên Anh lôi ra ngoài giếng.

Khi Trân Phi còn đang giãy giụa kêu cứu với Hi vọng Hoàng đế nghe thấy, thì Từ Hi và tay sai đã chắc mẩm lần này sẽ nhổ bỏ thành công "cái gai trong mắt". Lúc bấy giờ, Quang Tự đang ở xa, còn sự việc được tiến hành rất kín đáo, e rằng cung nữ cạnh Từ Hi cũng chẳng có mấy người biết được.

Trân phi biết lần này mình khó lòng thoát nổi, trước khi chết đã tức giận mà nói lớn ba câu:

"Hoàng thượng sẽ không để cho ta chết!"

"Bà thích chạy trốn thì cứ việc chạy trốn."

"Nhưng Hoàng thượng thì không nên chạy trốn!"

Trân phi tựa như còn điều gì muốn nói, nhưng Từ Hi đã sai người đẩy nàng xuống giếng. Lý Liên Anh cùng thủ hạ làm theo lệnh Thái hậu, đẩy Trân phi xuống chiếc giếng sâu hun hút.

Theo lý giải của các nhà nghiên cứu lịch sử, Từ Hi hẳn phải rất sợ hãi khi nghe thấy câu trăng trối "còn Hoàng thượng thì không nên trốn" của con dâu. Bởi trên thực tế, bà mới là "Hoàng thượng" thực sự của Đại Thanh khi làm chủ mọi việc quốc gia đại sự.

Trân phi nói quả không sai, thân làm Hoàng đế vốn không nên chạy trốn mà phải lãnh đạo muôn dân đứng lên chống ngoại xâm.

Thế nhưng Từ Hi chỉ là một người đàn bà, cả đời chỉ biết khống chế người khác để hưởng thụ vinh hoa phú quý, căn bản không hiểu phải chống lại ngoại địch thế nào.

Trân phi tuổi còn nhỏ mà nói được một lời có khí phách như vậy, điều ấy chắc chắc sẽ khiến cho một vị Thái hậu "ham sống sợ chết" như Từ Hi vừa tức giận, lại vừa hổ thẹn, cuối cùng không nhịn được mà trừ khử con dâu

3 cau trang troi cua ai phi Thanh trieu, Tu Hi phai so-Hinh-3

Cảnh Trân phi bị hãm hại bên miệng giếng trong hậu cung năm nào từng được phục dựng qua nhiều tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Sohu

Năm Quang Tự thứ 27 (1901), Hoàng đế trở về Bắc Kinh. Vì thương nhớ ái thê của mình, Quang Tự cho phép thân nhân của Trân phi vớt thi hài nàng ra khỏi giếng, tạm quàn ở thôn Điền.

Từ Hi vì muốn bưng bít chuyện này nên phong Trân phi làm Trân Quý phi, khen bà "trinh liệt tuẫn tiết" và hạ lệnh chôn ở mộ địa cung nữ bên ngoài Tử Cấm thành.

Cho tới khi Phổ Nghi lên ngôi kế vị, nhiếp chính Tải Phong bố cáo với thiên hạ Trân phi tự sát, truy phong thành Khác Thuận Hoàng quý phi.

Vào năm Dân quốc thứ 4 (1915), chị ruột của Trân phi là Cẩn phi đem thi hài nàng dời táng đến Phi viên tẩm thuộc Sùng Lăng, đồng thời đem miệng giếng nơi nàng qua đời năm xưa chế tác thêm hai lỗ nhỏ rồi dùng côn sắt khóa ngang, từ đó không được sử dụng nữa.

Chiếc giếng chứng kiến bi kịch của vị ái phi được sủng ái nhất Thanh triều năm ấy, sau này được gọi là "giếng Trân phi" và trở thành một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng trong Cố cung.

Theo Dân Việt