1. Chết vì bị "cắm sừng"
Hiếu Văn Đế (Thác Bạt Hoành) được đánh giá là một hoàng đế tài giỏi của nhà Bắc Ngụy (386 – 534). Dưới thời Hiếu Văn Đế, Bắc Ngụy kiểm soát phần lớn miền Bắc Trung Quốc và liên tục tấn công các vùng đất ở phía nam.
Tranh vẽ Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế (tranh: Sina).
Năm 494, Hiếu Văn Đế quyết định dời đô từ Bình Thành (nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc) đến Lạc Dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Mục tiêu của ông là chuyển trung tâm quyền lực của Bắc Ngụy về phía nam, thuận tiện cho việc tấn công nước Nam Tề để mở mang lãnh thổ.
Theo Sohu, Hiếu Văn Đế là vị vua có tài chỉ huy quân sự và thích xông pha trận mạc. Ông thường trực tiếp chỉ huy các cuộc viễn chinh kéo dài nhiều năm để tấn công Nam Tề. Tham vọng bành trướng của Hiếu Văn Đế rất mạnh mẽ. Nhưng đây cũng là khởi nguồn cho tấn bi kịch của ông.
Hiếu Văn Đế thường xuyên chinh chiến, để xảy ra chuyện thông dâm trong cung cấm (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc).
Năm 493, Hiếu Văn Đế mở chiến dịch đầu tiên tấn công Nam Tề. Việc giành lợi thế cho phép ông dời đô từ Bình Thành về Lạc Dương.
Năm 495, Hiếu Văn Đế tiếp tục tấn công Nam Tề. Quân Bắc Ngụy đã bao vây 2 thành lớn của Nam Tề là Thọ Dương (nay thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc) và thành Nghĩa Dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).
Tuy nhiên, do chiến tranh kéo dài gây lãng phí quá lớn, Hiếu Văn Đế buộc phải rút quân.
Năm 497, Hiếu Văn Đế tiếp tục cầm quân tấn công Nam Tề. Lần này, quân Bắc Ngụy đã chiếm được Uyển Thành và Tân Dã (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Thừa thắng, Hiếu Văn Đế tiếp tục cho quân đánh sâu vào đất Nam Tề.
Nhưng trong khi các chiến dịch lớn do Hiếu Văn Đế chỉ huy bước vào giai đoạn cam go, hậu cung của ông lại xảy ra vấn đề, theo Sohu.
Theo Bắc sử (bộ sử chép lại về các triều đại ở miền Bắc Trung Quốc, từ năm 386 – 659), mùa thu năm 498, Hiếu Văn Đế do chinh chiến lâu ngày đã mắc bệnh. Cùng lúc này, ông biết được tin vợ mình – Phùng Hoàng hậu (Phùng Nhuận) – đang tư thông với một thái giám tên Cao Bồ Tát.
Cao Bồ Tát dung mạo tuấn tú, có sức khỏe. Đặc biệt, thái giám này vì lý do nào đó đã không bị cắt "của quý" trước khi vào cung.
Phùng Hoàng hậu công khai tư thông với Cao Bồ Tát ngay trong cung mà không ai dám hé răng nửa lời.
Quyền lực của Phùng Hoàng hậu rất lớn. Bà được Hiếu Văn Đế rất sủng ái và là con cháu trong gia tộc của Phùng Thái hoàng Thái hậu – người từng nắm quyền nhiếp chính khi Hiếu Văn Đế chưa lên ngôi.
Cậy có quyền lực, Phùng Hoàng hậu không coi ai ra gì. Bà thậm chí còn ép Bành Thành Công chúa (em gái Hiếu Văn Đế) phải lấy em trai mình là Phùng Túc.
Bành Thành Công chúa nổi giận, sai người mật báo với Hiếu Văn Đế chuyện thông dâm giữa Phùng Hoàng hậu và thái giám Cao Bồ Tát.
Hiếu Văn Đế quá đau lòng vì bị vợ "cắm sừng" (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc).
Năm 499, Hiếu Văn Đế bí mật từ chiến trường trở về Lạc Dương. Ông phẫn uất khi biết Phùng Hoàng hậu không những thông dâm với thái giám mà còn tìm cách yểm bùa chú hại mình.
Bắc sử chép, Hiếu Văn Đế xử tử Cao Bồ Tát. Về phần Phùng Hoàng hậu, do không muốn gia tộc họ Phùng xấu hổ, Hiếu Văn Đế ra lệnh nhốt bà vào lãnh cung.
Cú sốc Phùng Hoàng hậu gây ra khiến Hiếu Văn Đế trở bệnh nặng. Tháng 4/499, ông qua đời khi mới 31 tuổi.
Trước khi chết, Hiếu Văn Đế ra lệnh ban thuốc độc cho Phùng Hoàng hậu, nhưng vẫn cho phép tổ chức đám tang theo nghi lễ cung đình.
Văn Tuyên Đế Cao Dương – người sáng lập nhà Bắc Tề (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc).
2. Chết vì nghiện rượu và đói khát
Lịch sử Trung Quốc ghi nhận nhiều hoàng đế thích uống rượu, nhưng người chết vì rượu thì chỉ có Cao Dương (Văn Tuyên Đế) – hoàng đế Bắc Tề.
Cao Dương (526 – 559) là vị hoàng đế khai quốc của triều Bắc Tề trong lịch sử Trung Quốc. Dưới thời Cao Dương, Bắc Tề kiểm soát phần lớn diện tích ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc.
Theo trang chuyên lịch sử Qulishi, Cao Dương là con trai thứ 2 của Cao Hoan – một quyền thần vào những năm cuối của triều Bắc Ngụy. Cao Hoan kiểm soát Ngụy Hiếu Văn Đế trong tay.
Khi còn nhỏ, Cao Dương thường tỏ ra vụng về trong giao tiếp và kém thông minh. Tuy nhiên, ông thực tế là người rất có năng lực và bản lĩnh.
Có lần, Cao Hoan yêu cầu con trai cả Cao Trừng và Cao Dương gỡ các cuộn chỉ rối. Trong khi Cao Trừng còn đang loay hoay, Cao Dương rút kiếm ra và cắt cuộn chỉ thành nhiều mảnh. Ông nói rằng đó là cách duy nhất để gỡ chỉ.
Một lần khác, Cao Hoan lệnh cho binh sĩ bất ngờ tấn công Cao Trừng và Cao Dương. Trong khi Cao Trừng sợ hãi, Cao Dương lại bình tĩnh chống trả.
Tuy nhiên, khi trưởng thành, Cao Dương vẫn bị Cao Trừng xem thường vì ông chỉ là con thứ.
Năm 549, Cao Trừng lên kế hoạch cướp ngôi vua. Nhưng khi tổ chức hội họp với các thân tín ở Nghiệp Thành (kinh đô Bắc Tề), ông bị một nô bộc là Lan Kinh ám sát.
Lan Kinh được cho là từng bị Cao Trừng hành hạ, sỉ nhục và ghi mối thù với Cao Trừng. Cũng không loại trừ khả năng Cao Dương đứng sau vụ ám sát này, theo Sohu.
Điều trùng hợp là khi Cao Trừng bị ám sát, Cao Dương cũng có mặt ở Nghiệp Thành. Ông lập tức cho người đi bắt Lan Kinh về xử tử.
Tranh vẽ hoàng đế Cao Dương cầm một thanh kiếm đi trong cung (tranh: Sohu).
Năm 550, Cao Dương nắm toàn bộ quyền hành, ép Hiếu Tĩnh Đế phải nhường ngôi. Triều Bắc Ngụy chấm dứt, Cao Dương lập ra nhà Bắc Tề, lấy hiệu là Văn Tuyên Đế.
Sau khi lên ngôi, Cao Dương liên tục cầm quân tiêu diệt các thế lực tàn dư của triều Bắc Ngụy và đánh bại các bộ tộc xâm lấn như Khố Mặc Hề, Đột Quyết, Khiết Đan, Sơn Hồ. Ông cũng trọng dụng viên đại thần có tài là Dương Âm, khiến tình hình trong và ngoài Bắc Tề được củng cố.
Tuy nhiên, đây cũng là lúc Cao Dương bộc lộ những vấn đề về tâm lý.
Theo Bắc sử, mùa xuân năm 554, Văn Tuyên Đế dẫn quân tấn công bộ tộc Sơn Hồ ở Lữ Dương (nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Chiến dịch thành công, ông hạ lệnh giết tất cả nam giới từ 11 tuổi trở lên của tộc Sơn Hồ, những người còn lại bị ép trở thành nô lệ.
Sử gia Lý Diên Thọ (tác giả cuốn Bắc sử) và sử gia Tư Mã Quang (tác giả cuốn Tư trị thông giám) đánh giá sự kiện diệt tộc Sơn Hồ là bước ngoặt trong sự nghiệp cai trị của Văn Tuyên Đế Cao Dương.
Từ năm 554, Cao Dương thể hiện bản thân là con người tàn bạo, tính cách thất thường. Đặc biệt, ông mắc chứng nghiện rượu ngày càng nặng. Mỗi lần say rượu, ông thường cầm kiếm chém giết bừa bãi.
Hoàng đế Cao Dương từng ra lệnh thảm sát cả một bộ tộc (tranh: Qulishi).
Theo Bắc sử, để thỏa mãn Cao Dương, Dương Âm đã đưa đến cho nhà vua những nhóm tù nhân bị kết án tử. Mỗi khi Cao Dương muốn giết ai đó, các nhóm tử tù sẽ được đưa tới cho ông chém giết. Nếu ai còn sống sau cuộc tàn sát, người đó sẽ được thả ra.
Năm 555, Cao Dương nổi cơn ghen, ông giết và chặt đầu một phi tần của mình vì nghi ngờ nàng có quan hệ tình ái với Cao Nhạc – tướng quân triều Bắc Tề. Bản thân Cao Nhạc bị ép phải tự sát.
Trong bữa tiệc, Cao Dương ném đầu phi tần bị giết ra khiến các quan lại khiếp sợ. Cuối cùng, Cao Dương cho phép chôn cất người phụ nữ xấu số và bắt đầu khóc lóc.
Cùng năm 555, Cao Dương cho rằng Phật giáo và Đạo giáo nên được sáp nhập làm một. Ông tổ chức một cuộc thi và ép các tu sĩ Phật giáo và Đạo giáo tranh luận với nhau. Cao Dương kết luận Phật giáo thắng và buộc các tu sĩ Đạo giáo phải cạo đầu làm sư, ai bất tuân sẽ bị xử tử.
Cao Dương cũng ra lệnh cấm Đạo giáo ở Bắc Tề.
Theo Tư trị thông giám, Cao Dương có lần vi hành và hỏi người đàn bà trên đường: "Thiên tử ra sao?".
Người đàn bà đáp: "Điên điên khùng khùng, có thiên tử nào đâu".
Cao Dương lập tức ra lệnh chặt đầu người đàn bà.
Theo Bắc sử, mùa thu năm 559, Cao Dương mắc bệnh nặng. Hầu hết sử gia Trung Quốc cho rằng, căn bệnh bắt nguồn từ chứng nghiện rượu của ông.
Thời điểm cận kề cái chết, Cao Dương không ăn uống được gì mà chỉ muốn uống rượu. Dường như có một vật cứng nào đó mắc ở cổ họng khiến ông khó thở, không ăn uống được và qua đời.
Theo Sohu, Cao Dương uống rượu quá độ nên ông mắc chứng biếng ăn nặng.
Trong đám tang của Cao Dương, ngoại trừ Dương Âm, không ai khóc mà chỉ vờ than thở lấy lệ.
Tấn Cảnh Công (tranh: Tonglishi).
3. Chết trong nhà vệ sinh
Tấn Cảnh Công Cơ Cứ (599 TCN – 582 TCN) là vua nước Tấn, một nước chư hầu của nhà Chu vào thời Xuân Thu. Dưới thời trị vì của ông, nước Tấn củng cố được vị thế bá chủ các nước chư hầu và buộc nước Trịnh, nước Tề, nước Lỗ phải thần phục.
Năm 591 TCN, Tấn Cảnh Công ra lệnh tấn công nước Tề. Nước Tề thua trận, phải gửi con tin và thần phục Tấn.
Năm 589 TCN, nước Tề đem quân đánh nước Lỗ - một nước đã thần phục Tấn. Tấn Cảnh Công hợp quân 4 nước Tấn, Lỗ, Vệ và Tào đánh Tề. Quân Tề thua to.
Năm 588 TCN, Tề Khoảnh Công phải sang chầu vua Tấn. Tề Khoảnh Công muốn tôn Tấn Cảnh Công lên làm vua chư hầu (thay nhà Chu đã suy yếu), nhưng Tấn Cảnh Công không nhận lời.
Năm 587 TCN, Tấn Cảnh Công ra lệnh tấn công nước Trịnh. Nước Trịnh phải thần phục nước Tấn. Trịnh Thành Công (vua nước Trịnh) thậm chí còn bị nước Tấn bắt làm con tin.
Các sự kiện này đều được ghi chép lại trong cuốn Tả thị Xuân Thu – tác phẩm lịch sử viết về các sự kiện xảy ra ở Trung Quốc từ năm 722 - 468 TCN.
Theo đó, Tấn Cảnh Công được mô tả là người giỏi đối ngoại, nhưng kém đối nội.
Năm 583, Tấn Cảnh Công tin lời vu cáo của 2 đại thần là Trang Cơ và Loan Thư, đã trị tội cả nhà họ Triệu.
Triệu Đồng, Triệu Quát là 2 viên tướng có tài bị Tấn Cảnh Công giết oan. Nhiều người trong gia tộc họ Triệu bị xử tử. Tấn Cảnh Công cũng thu hết đất phong của nhà họ Triệu.
Hai năm sau, Tấn Cảnh Công đột tử. Thông tin về cái chết của ông đến nay chưa rõ ràng.
Theo Đông Chu liệt quốc (tiểu thuyết dã sử về thời Xuân Thu), sau khi giết oan cả nhà họ Triệu, Tấn Cảnh Công bị nguyền rủa nên mắc bệnh nặng.
Năm 581 TCN, một thầy bói nổi tiếng được vời đến xem vận mệnh của Tấn Cảnh Công. Thầy bói phán: "Chúa công sẽ không kịp ăn lúa mới năm nay", ý nói Tấn Cảnh Công sẽ chết ngay trong năm.
Tuy nhiên, lúc này ở nước Tấn, nhiều nơi đã có lúa chín.
Khi lúa mới dâng tới cung, người thầy bói vẫn một mực tin vào những gì mình tiên đoán. Tức giận, Tấn Cảnh Công ra lệnh xử tử thầy bói và ra lệnh nấu cháo bằng lúa mới thật nhanh.
Nhiều người tin rằng Tấn Cảnh Công chết đuối trong hố phân, nhưng các chuyên gia bác bỏ giả thuyết này (tranh minh họa).
Kỳ lạ thay, khi cháo dâng tới thì Tấn Cảnh Công bỗng đau bụng dữ dội. Ông vội gọi người cõng tới nhà vệ sinh. Vì vội vàng, Tấn Cảnh Công ngã xuống hố phân mà chết.
Tuy nhiên, theo Tả thị Xuân Thu, Tấn Cảnh Công khi đi vệ sinh, bị ngã và tử vong.
Về cái chết bí ẩn của Tấn Cảnh Công, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Trung Quốc – ông Tan Jiancui – cho rằng, Tấn Cảnh Công chết đột ngột do bệnh tim.
Theo ông Tan, ở thời phong kiến, nhà vệ sinh của các quý tộc không được đào quá sâu. Lý do là nó có thể gây khó khăn cho việc dọn dẹp và mùi hôi bốc lên. Vì vậy, việc một người chết đuối trong hố phân là cực kỳ khó.
Chuyên gia Tan đánh giá chi tiết Tấn Cảnh Công chết đuối trong hố phân chỉ là hư cấu.
Ông Tan cho rằng, Tấn Cảnh Công đã phát bệnh đột ngột và chết khi đi vệ sinh. Rất có thể ông mắc bệnh tim.
Theo Vương Nam/Người Đưa Tin