Trong xã hội cổ đại, lăng mộ của Hoàng đế được xây dựng đặc biệt cẩn trọng, là nơi có rồng cuộn hổ ngồi, phong thủy ít ai bì kịp. Bên cạnh đó, các vị Hoàng đế ngày xưa thường chôn rất nhiều vàng bạc châu báu trong lăng mộ, vì vậy nơi đây trở thành nơi lý tưởng cho những tên trộm mộ.
Trước đây, chuyện Tào Tháo cho người cướp lăng mộ để lấy vàng nuôi quân đã được nhiều người biết đến. Bên cạnh đó, còn rất nhiều tên trộm mộ trong dân gian, nạn mộ tặc đã từng trở thành một "vấn nạn". Ví dụ, rất nhiều xương cốt của hoàng đế trong Lăng mộ Tống đã bị những kẻ trộm mộ ném vào nơi hoang vu.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là từ xưa đến nay, có ba ngôi mộ ở Trung Quốc vẫn "bình yên vô sự", không ai dám trộm. Có người nói rằng ba ngôi mộ này đều được đặt trên long mạch của Trung Quốc, một khi chúng bị phá hủy, đất nước cũng sẽ gặp nguy.
Đã từng có một số người đề nghị khai quật các lăng mộ này nhưng những ý kiến trên đã bị kiên quyết bác bỏ.
Năm 1956, Quách Mạt Nhược, khi đó là Viện trưởng Viện Lịch sử Trung Quốc, đề nghị cho khai quật Lăng mộ nhà Minh. Tuy nhiên do khảo cổ học thời đó còn lạc hậu, không có biện pháp bảo vệ nên khi không khí lọt vào trong lăng mộ, hàng trăm bức thư pháp, tranh lụa đã nhanh chóng mục nát sau gần 300 năm. Sự kiện này đã khiến giới khảo cổ học thận trọng hơn trong việc quyết định khám phá các ngôi mộ cổ.
Các chuyên gia thậm chí còn cho rằng: "Không có quốc gia nào lại đi đào lăng mộ của các Hoàng đế. Vì vậy, chúng tôi cố gắng không đào bới, việc này còn có lợi cho việc bảo tồn các di tích văn hóa".
1. Lăng Hiên Viên Hoàng đế
Lăng Hiên Viên nằm ở Kiều Sơn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ông được coi là thủy tổ của dân tộc Trung Hoa, được ghi vào "Sử ký" và nơi chôn cất của ông được mệnh danh là "lăng tẩm đầu tiên trên thế giới".
Lăng mộ Hiên Viên Hoàng đế không ai dám động đến, ngoài lý do long mạch, còn có thân phận của chủ nhân bên trong. Theo "Hồ sơ về Ngũ hoàng" của Tư Mã Thiên, Hiên Viên Hoàng đế được tôn làm thánh cổ.
Trong quan niệm của người Trung Quốc, tất cả người dân đều là con cháu của vị Hoàng đế này. Việc đụng chạm đến lăng mộ của ông tương đương với mạo phạm nơi ăn nghỉ của tổ tiên.
2. Lăng Tần Thủy Hoàng
Lăng Tần Thủy Hoàng, nằm ở chân phía bắc của Ly Sơn thuộc huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Nơi đây còn có một số tên gọi khác như lăng Đại Linh hoặc lăng Ly Sơn.
Nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng là lăng mộ Hoàng đế lớn nhất và phức tạp nhất trên thế giới.
Có rất nhiều truyền thuyết về lăng Đại Linh khiến đời sau không ai dám lấy trộm. Thứ nhất, được xây dựng trên long mạch của Trung Quốc. Thứ hai, các cơ quan trong lăng rất phức tạp, chứa đầy thủy ngân và chất độc.
"Sử ký của Tiên đế nước Tần" có ghi chép rằng: "Tần Lĩnh sử dụng dòng sông thủy ngân để bảo vệ lăng mộ khỏi những kẻ xâm phạm" đủ để thấy bên trong nguy hiểm như thế nào. Thủy ngân bay hơi rất chậm trong một không gian hạn chế, vì vậy một lượng lớn thủy ngân có thể được lưu giữ trong cung điện dưới lòng đất hàng nghìn năm.
Thứ ba, danh tiếng của Tần Thủy Hoàng khiến người đời kính nể và cuối cùng cấu trúc của lăng rất kín kẽ, đến nay vẫn chưa thể tìm thấy lối vào.
3. Càn lăng
Càn lăng là một công trình kiến trúc thời nhà Đường có vị trí tọa lạc tại huyện Càn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Đây là lăng mộ của Hoàng đế Võ Tác Thiên, vị Hoàng hậu có "một không hai" trong lịch sử.
Nơi đây còn được cho là lăng mộ được bảo quản tốt nhất trong số 18 lăng mộ của nhà Đường và là nơi duy nhất trong triều đại nhà Đường không bị trộm.
Nhắc đến những người phụ nữ quyền lực, Từ Hi Thái hậu cũng nắm trong tay quyền thế nhưng mộ phần của bà sớm đã bị mộ tặc ghé thăm, tại sao không ai dám trộm mộ của Võ Tắc Thiên?
Ngoài những lý do về đường long mạch, còn có hai lý do khác: Một là Võ Tắc Thiên là người đã có nhiều đóng góp to lớn, được thần thoại hóa và tôn trọng. Hai là những truyền thuyết kỳ lạ được người đời rỉ tai nhau.
Theo đó, có những kẻ trộm mộ to gan đã từng lên kế hoạch để trộm mộ. Kết quả là, thời tiết thay đổi dữ dội, một trận cuồng phong nổi lên đi kèm với những tiếng hét ghê người. Lúc này lũ trộm mộ quá sợ hãi liền quay đầu bỏ chạy.
Vào năm 1958, một số nông dân địa phương đã đốt pháo và cho nổ đá và vô tình làm nổ tung ngôi mộ. Khi giới khảo cổ đang chuẩn bị cho cuộc khai quật thì nhận được thông báo.
Chu Ân Lai đã ra chỉ thị cho "Kế hoạch khai quật Càn lăng" rằng "chúng ta không thể xử lý thật tốt trong điều kiện hiện tại, vấn đề này để lại cho các thế hệ tương lai khai phá". Sau đó, lãnh đạo Trung Quốc thời bấy giờ đã ra thông báo yêu cầu "không đào lăng mộ của các Hoàng đế trên khắp đất nước". Việc khai quật Càn Lăng đã dừng lại ở đây.
Theo Pháp luật và bạn đọc